Lễ ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với Đại học Salento (Italy) và Phòng Thương mại Italy (I-Cham)

Lễ ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với Đại học Salento (Italy) và Phòng Thương mại Italy (I-Cham)

Đào tạo nhân lực trước thách thức mở toang cánh cửa hội nhập

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nguồn nhân lực được xem là yếu tố then chốt quyết định sức cạnh tranh và phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế mở cửa hội nhập. PGS. TS Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội trò chuyện về làn gió mới trong lĩnh vực đào tạo.

Nền kinh tế gần như đã mở toang cánh cửa hội nhập, dẫn đến những thay đổi gì trong công tác đào tạo nhân lực, thưa Phó giáo sư?

Giai đoạn hiện nay chứng kiến những thay đổi mang tính đột phá trong đào tạo nhân lực nhằm đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động. Đứng từ góc độ một trường đại học đặt chiến lược quốc tế hóa giáo dục, chúng tôi nhận thấy có mấy điểm lớn trong đào tạo nhân lực mà các cơ sở giáo dục phải nhận diện để điều chỉnh kịp thời:

Thứ nhất, thay đổi trong việc áp dụng các chuẩn mực và quy định theo pháp luật quốc tế với tất cả những ngành đào tạo của chúng tôi hiện nay như Kinh tế quốc tế, Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Kế toán kiểm toán, Kinh tế phát triển... Điều này đặt ra yêu cầu cao cho nguồn nhân lực, không chỉ nắm vững quy định pháp luật Việt Nam, mà còn phải hiểu biết sâu rộng về pháp luật và chuẩn mực quốc tế. Theo đó, chúng tôi đã tích hợp các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế hàng đầu vào chương trình đào tạo như chứng chỉ CFA (Mỹ), CFAB-ICAEW (Anh) và các chứng chỉ nghề nghiệp khác.

PGS. TS Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS. TS Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Thứ hai, mở mới các chương trình đào tạo liên kết với các đại học hàng đầu trên thế giới để tăng cơ hội giao lưu học thuật và lan tỏa, nâng chuẩn đào tạo lên mức cao hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng đẩy mạnh việc trao đổi sinh viên cả trong nước và quốc tế. Hiện nay, sinh viên của chúng tôi có thể lựa chọn trao đổi tín chỉ tại các trường đối tác là các trường đại học kinh tế hàng đầu ở Việt Nam tại TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Cần Thơ và các trường đại học danh tiếng ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển… Và ngược lại, chúng tôi cũng đón nhận sinh viên từ gần 60 đối tác quốc tế đến học trao đổi.

Thứ ba, điều chỉnh chương trình đào tạo theo xu hướng cập nhật công nghệ và tăng cường kỹ năng nghề nghiệp. Trong đó, chúng tôi đã xác định rõ các chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo có nhấn mạnh đến các kỹ năng như kỹ năng làm việc nhóm, sử dụng công nghệ, kỹ năng phản biện, kỹ năng giao tiếp và năng lực tự học. Về tổ chức đào tạo, chúng tôi cũng định hướng nhằm giúp sinh viên tăng cường kỹ năng làm việc với áp lực trong môi trường quốc tế.

Lâu nay, việc đào tạo nhân lực tại Việt Nam vẫn bị mang tiếng hàn lâm, lý thuyết. Thực tế này có thay đổi gì chưa, thưa ông?

Các cơ sở giáo dục trong nước quả thật phải đối mặt với sự cạnh tranh của các cơ sở giáo dục nước ngoài với nguồn lực về giảng viên và học liệu, cơ vật chất rất tốt. Ngoài ra, các trường đại học ở nước ngoài cũng chú trọng đến tính thực tiễn trong đào tạo. Nhận thức được điều đó, trường chúng tôi đã có nhiều thay đổi, đặc biệt trong khâu xây dựng và phát triển chương trình đào tạo. Đồng thời, chúng tôi cũng không ngừng đổi mới tổ chức đào tạo. Việc tích hợp các chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế, ví dụ như tích hợp 6 môn học của chứng chỉ CFAB-ICAEW vào chương trình đào tạo kế toán hoặc công nhận các môn học trong chương trình đào tạo với các môn học trong chứng chỉ nghề nghiệp như CFA hay bổ sung các môn học mang tính khai phóng cũng giúp người học được trang bị tốt hơn nền kiến thức rộng và khả năng thích ứng đối với sự thay đổi trong yêu cầu của nhà tuyển dụng hiện đại.

Quá trình đào tạo có sự tham gia của nhiều bên như doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức và cơ quan nhà nước trong các hoạt động thường xuyên của nhà trường như diễn giả cho các học phần trong chương trình đào tạo, giám khảo cho các cuộc thi của sinh viên, thành viên hội đồng khoa học đào tạo của các khoa và nhà trường. Đây là đòn bẩy giúp sinh viên được tiếp cận thực tế tốt hơn. Thay vì việc chỉ đi thực tập một lần như trước kia, trong mỗi học phần, Nhà trường đều mời diễn giả là lãnh đạo quản lý doanh nghiệp đến chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn với sinh viên.

Trong chương trình đào tạo, sinh viên có hai lần đi thực tập thực tế tại doanh nghiệp với những nội dung được thiết kế bài bản. Ngoài ra, chính doanh nghiệp cũng tham gia vào quá trình đánh giá sinh viên nhằm giúp sinh viên có thể hiểu được các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Các nhà tuyển dụng tham gia vào quá trình này không chỉ có nhà tuyển dụng trong nước mà còn có cả một số nhà tuyển dụng quốc tế.

Khi xây dựng chương trình đào tạo, trường cũng xây dựng lại chuẩn đầu ra. Thực ra, khi chuẩn đầu ra thay đổi thì quá trình đào tạo cũng thay đổi. Trong trường quy định, ít nhất 50% học phần phải có chuyên gia thực tiễn đào tạo. Chúng tôi có chuỗi để cho sinh viên đi thực tế, từ thực tập thực tế 1, 2 năm đầu, kiến tập, thực tập tốt nghiệp và khóa luận, các hoạt động này đều phải có chuẩn đầu ra gắn với việc giải quyết một vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp hoặc tổ chức.

Bên cạnh đó là tính thích nghi với môi trường quốc tế, sinh viên theo học các chương trình đào tạo của Trường chúng tôi sẽ học chuyên môn từ 30 - 40% bằng tiếng Anh.

Dường như thế hệ trẻ hiện nay có nhiều điểm khác biệt với các thế hệ trước, điều này khiến các trường và người sử dụng lao động có sự linh hoạt trong đào tạo và sử dụng lao động ra sao?

Thực ra, khi nói về sinh viên hiện nay, chúng tôi cũng thấy tính bền của sinh viên không cao, định vị bản thân không rõ ràng. Điều này xuất phát không phải từ đại học, mà có thể từ bậc phổ thông, định hướng nghề, định hướng phát triển cá nhân của các em có lẽ có những điểm phải phát triển, hoàn thiện thêm. Đó là lý do tại Trường Đại học Kinh tế, chúng tôi mở nhiều khóa đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên để trang bị thêm cho các em những kỹ năng mà thị trường lao động đòi hỏi và thái độ làm việc để phát triển vượt trội.

Ở trên ông đã đề cập đến xu hướng phối kết hợp chặt chẽ giữa trường đại học và các doanh nghiệp sử dụng lao động. Điều này được nhà trường triển khai ra sao?

Việc phối hợp này, chúng tôi đánh giá rất quan trọng. Trước hết, chúng tôi phối hợp với đơn vị sử dụng lao động cho sinh viên đi thực tế từ năm thứ hai, giúp các em hiểu về ngành nghề mình theo học và đi thực tập từ năm thứ ba.

Cơ chế thứ hai là, các doanh nghiệp tham gia đào tạo cùng chúng tôi. Khi tham gia đào tạo, họ đưa ra các phản hồi về sinh viên cần phải điều chỉnh gì.

Thứ ba, doanh nghiệp tham gia phát triển chương trình đào tạo của chúng tôi. Các thành viên chủ chốt của các đơn vị tuyển dụng tham gia hội đồng khoa học của các khoa để tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo.

Thứ tư, họ cũng tham gia đánh giá sinh viên, ví dụ tham gia hướng dẫn và đánh giá sinh viên tại các kỳ thực tập, thực tế, hay các cuộc thi nghề nghiệp đều có doanh nghiệp tham gia làm mentor hoặc ban giám khảo. Chúng tôi thấy toàn bộ quá trình đó tạo ra tương tác tốt để không chỉ sinh viên, mà cả giảng viên phải điều chỉnh quá trình giảng dạy.

Theo ông, những xu hướng nào sẽ tác động tới việc đào tạo nguồn nhân lực kinh tế - tài chính trong thời gian tới?

Chắc chắn là xu hướng đưa AI vào các chương trình đào tạo, vì thực tế AI đã ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, trong kế toán, tài chính, đầu tư chứng khoán. Chúng tôi vẫn nói với các thầy cô là tới đây sẽ quản lý giảng viên bằng AI, AI sẽ tự chấm điểm, tự đánh giá thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của anh em mình. AI làm hết, không cần sếp đánh giá. AI sẽ dần dần được đưa vào trong các chương trình đào tạo ở các cấp từ cử nhân đến thạc sĩ và cao hơn. Đây là một xu hướng, thế giới đã dần đưa vào, Việt Nam cũng sẽ nhanh chóng đưa vào. Trường chúng tôi cũng đã bắt đầu đưa một số môn AI vào trong đào tạo.

Thứ hai, các trường sẽ có xu hướng cạnh tranh để phát triển mạnh mẽ về những thứ mà trước đây giáo dục Việt Nam chưa bàn nhiều như xếp hạng quốc tế trên các bảng xếp hạng danh tiếng như QS hoặc Time Higher Education. Giờ đây, khi hội nhập, mở rộng cửa với thế giới thì các trường đại học tại Việt Nam không chỉ cạnh tranh với nhau, mà phải cạnh tranh với cả quốc tế.

Thứ ba là xu hướng đưa các chuẩn quốc tế vào đánh giá kiểm định chương trình đào tạo. Những trường nào có kiểm định quốc tế thì sẽ được xã hội thừa nhận, vì cứ nói trường tôi là trường tốt, trường hàng đầu nhưng không có minh chứng, không có kiểm định quốc tế sẽ khó thuyết phục.

Tin bài liên quan