Với hơn 88% nhà đầu tư (NĐT) cá nhân tham gia thị trường, thì việc nâng cao dân trí tài chính, hình thành dần thói quen đầu tư đúng ngay từ đầu cho NĐT, đặc biệt là thế hệ trẻ - là yếu tố cốt lõi góp phần để thị trường Việt Nam phát triển bền vững hơn.
Thống kê dài hạn, chứng khoán vẫn được ghi nhận là kênh đầu tư duy trì xu hướng tăng và có tỷ suất sinh lời hấp dẫn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, TTCK nổi lên là kênh đầu tư hấp dẫn nhất bởi mức tăng trưởng 10,2% và tính đại chúng cao; vượt trội hơn so với các kênh đầu tư khác như tiền gửi (4,5-5,5%); USD (4,7%); vàng (3,37%), bất động sản (7,7% - lưu ý thanh khoản không đồng đều ở các phân khúc)…
Nhận định nửa cuối năm 2024 và cả năm 2025, chứng khoán vẫn được các chuyên gia đánh giá là kênh đầu tư có nhiều cơ hội, đặc biệt trong bối cảnh câu chuyện nâng hạng thị trường đang được các cơ quan quản lý quyết tâm triển khai, đưa TTCK lên tầm cao mới cả về thanh khoản, vốn hoá và cơ cấu NĐT.
Quay trở lại câu chuyện nâng cao hiểu biết về kênh đầu tư chứng khoán, nhiều nhân sự môi giới kỳ cựu chia sẻ, sau các nhịp chỉnh giảm mạnh của thị trường, như sóng thần 2008, nhịp giảm sâu 2014 vì căng thẳng biển Đông, hay đợt giảm mạnh năm 2022 đã sàng lọc không ít NĐT trên thị trường. Những NĐT đang trụ lại cũng dần thay đổi nhận thức về TTCK không phải là nơi đặt cược, kênh đổi đời nhanh chóng. Lớp NĐT F0 đang dần có ý thức hơn trong việc lựa chọn cổ phiếu, trong đó quan tâm hơn đến chất lượng tài sản, lợi nhuận, có nền tảng kinh doanh thay vì chỉ thuần theo kỹ thuật, hay chỉ nghe theo hô hào, phím hàng. Có thể thấy rõ hiện nay, dòng tiền có thiên hướng từ NĐT cá nhân đi theo trường phái cơ bản dẫn dắt.
Dĩ nhiên, vẫn cần phải “nhân rộng” phong trào này trong cộng đồng NĐT cá nhân. Ghi nhận của báo Đầu tư chứng khoán, nhiều đội/nhóm môi giới hiện nay đã có phương pháp đầu tư cụ thể, đang nỗ lực gia tăng chất lượng tư vấn thông qua việc trau dồi kiến thức về mọi mặt. Do đó, “room” thảo luận của họ luôn rất đông thành viên, có sự tương tác liên tục để cập nhật thông tin, bản thân các NĐT qua đó cũng được bổ sung, nâng cấp thêm kiến thức về vĩ mô, tài chính, chứng khoán.
Ở góc độ công ty, một số CTCK đã có nhiều chương trình liên quan đến đào tạo kiến thức đầu tư và thiết kế riêng các chương trình dành cho giới trẻ. Tiêu biểu là SSI - CTCK hàng đầu gắn bó với nhiều thế hệ NĐT - đã sớm tách và vận hành bộ phận nghiên cứu phân tích dành riêng cho khách hàng, đưa đến góc nhìn đa chiều, với chủ đề đa dạng từ vĩ mô, thay đổi chính sách, đến góc nhìn kỹ thuật thị trường, cơ hội đầu tư... Hiện tại, Công ty đã có thêm Ban đào tạo và Phát triển, tập trung chú trọng vào công tác đào tạo cho NĐT, đặc biệt là lớp NĐT kế cận để hiểu đúng, đủ và gia tăng tự chủ tài chính từ sớm.
SSI đang là đối tác chiến lược của chương trình The Moneyverse - chuỗi chương trình đầu tư, tài chính kết hợp giải trí và công nghệ cho giới trẻ. Sinh viên của 27 trường đại học khắp cả nước sẽ được tham gia học, chơi, trải nghiệm và thực hành liên quan đến đầu tư và tài chính cá nhân. Đây cũng là cách để SSI thấu hiểu giới trẻ cũng như tạo ra một sân chơi bổ ích, đưa đầu tư – tài chính vào giới trẻ một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, dễ hiểu.
Ngoài ra, SSI cũng đang xây dựng và triển khai các nội dung giáo dục đầu tư với các hình thức dễ tiếp cận (qua FB group, tiktok, livestream, cartoon) để có thể đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu từ phía những người trẻ, cung cấp thêm một kênh nội dung mang tính chính thống nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn.
Theo ông Phạm Lưu Hưng, Trưởng ban Đào tạo và Phát triển SSI, giáo dục đầu tư và quản lý tài chính cá nhân luôn là trọng tâm của công tác phát triển thị trường, và điều này là đặc biệt quan trọng khi tiếp cận với giới trẻ.
“Gần 8 triệu tài khoản NĐT là một con số ấn tượng, nhưng vẫn còn có thể làm tốt hơn nữa trong tương lai, không chỉ là về số lượng đơn thuần, mà còn là sự phát triển về chất. Phải làm sao để TTCK trở thành nơi cất giữ, tích lũy tài sản của người dân chứ không đơn thuần chỉ là nơi mua bán, kiếm lời - đó cũng là thói quen của người dân ở các quốc gia phát triển kinh tế trên thế giới”, ông Hưng nhấn mạnh.