Cần huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước hỗ trợ cho hoạt động đào tạo chứng khoán

Cần huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước hỗ trợ cho hoạt động đào tạo chứng khoán

Đào tạo chứng khoán, thay đổi để đổi thay

(ĐTCK) Hoạt động đào tạo chứng khoán những năm qua chủ yếu ở khâu đào tạo cấp chứng chỉ cho đội ngũ hành nghề trong lĩnh vực chứng khoán, còn hoạt động đào tạo cho công chúng đầu tư chưa được triển khai dài hơi, bám sát nhu cầu của họ.

“Thực đơn” cần thay đổi

Hoạt động đào tạo trong lĩnh vực chứng khoán suốt 15 năm qua gắn liền với Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán (SRTC), thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Sự bùng nổ của TTCK giai đoạn 2006 - 2007 đã để lại nhiều dấu ấn của hoạt động đào tạo, trong đó tập trung vào đào tạo người hành nghề. Tuy nhiên, với bối cảnh mới, hoạt động đào tạo trong lĩnh vực chứng khoán đang cần có sự thay đổi phương thức đào tạo để đáp ứng tốt hơn yêu cầu mới đặt ra của thị trường, nhất là mảng đào tạo cho công chúng đầu tư.

Thời gian qua, UBCK đã dành một khoản kinh phí cho hoạt động tuyên truyền tới NĐT. Tuy nhiên, nguồn lực ngân sách để mở rộng phạm vi phổ biến kiến thức, đào tạo cho công chúng đầu tư còn hạn chế. Do vậy, phương thức triển khai cần có sự thay đổi để có thể đáp ứng được tổng thể yêu cầu của thị trường. Nguồn lực tài chính để hỗ trợ đào tạo công chúng đầu tư cần được mở rộng thông qua sự tham gia tích cực hơn của các thành viên thị trường, chứ không thể trông đợi sự hỗ trợ từ ngân sách.

Vừa qua, việc đào tạo sản phẩm mới như quỹ ETF được các công ty quản lý quỹ, CTCK quan tâm, bỏ chi phí ra để triển khai đào tạo. Đây là phương thức rất quan trọng đối với sự phát triển của TTCK thời gian tới, khi đòi hỏi triển khai nhiều hơn các sản phẩm mới, với tính chất phức tạp hơn như chứng khoán phái sinh.

Cần có sự thay đổi “thực đơn” đào tạo cho rộng rãi NĐT trong bối cảnh SRTC là đơn vị sự nghiệp lấy thu bù chi, chứ không hoạt động theo cơ chế bao cấp từ ngân sách, nên việc đào tạo miễn phí cho NĐT tương tự như cách các công ty quản lý quỹ, CTCK đang làm với sản phẩm ETF là rất hạn chế. Trong khi tổ chức theo hình thức có thu phí, dù với mức thấp, theo ông Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc SRTC là rất khó thu hút NĐT.

Cần mô hình đa trụ cột

Trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước dành cho hoạt động đào tạo chứng khoán thông qua SRTC còn hạn hẹp, để mảng đào tạo cho công chúng đầu tư đáp ứng tốt hơn nhu cầu của TTCK, việc đa dạng hóa hình thức đào tạo, nhất là huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước hỗ trợ cho hoạt động này cần được thúc đẩy.

Theo đó, ông Hùng cho rằng, cơ quan quản lý nên có hình thức khuyến khích hoặc cơ chế để các công ty quản lý quỹ, CTCK, cũng như các tổ chức khác phối hợp với SRTC triển khai các chương trình đào tạo, phổ biến sản phẩm mới tới NĐT. Bản thân các tổ chức kinh doanh chứng khoán cũng cần thể hiện trách nhiệm cao hơn đối với sự phát triển bền vững của ngành, thông qua cơ chế hỗ trợ tài chính trong việc đào tạo công chúng đầu tư. Hướng đi này có tính khả thi cao, bởi đây là hoạt động gắn liền với chiến lược phát triển khách hàng của các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Để hoạt động này diễn ra thường xuyên và dài hơi hơn, Bộ Tài chính, UBCK cần tạo điều kiện cho SRTC chủ động, linh hoạt trong phối hợp với các thành viên thị trường triển khai các chương trình đào tạo, tuyên truyền cho NĐT.

Riêng về hướng đa dạng hóa mô hình đào tạo của khu vực nhà nước, theo ông Hùng, không nên quên kinh nghiệm trong giai đoạn 2006 - 2008. Khi đó, ngoài SRTC, hoạt động đào tạo được chia sẻ cho 5 trường đại học, nhằm giảm sức ép đào tạo cho SRTC khi nhu cầu đào tạo tăng đột biến. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, cùng với sự kém sôi động của thị trường, cả 5 cơ sở này đều ít triển khai các khóa đào tạo.

“Bởi vậy, việc đa dạng hóa các trụ cột đào tạo cần đi theo chiến lược dài hạn gắn liền với sự phát triển sâu rộng của thị trường, chứ không chỉ dừng lại ở giải quyết các nhu cầu ngắn hạn như thời gian qua”, ông Hùng nói và đề xuất, đối với ngành chứng khoán, cần nâng cấp SRTC thành Viện nghiên cứu và đào tạo đầu ngành trong lĩnh vực chứng khoán. Trong đó, nghiên cứu hình thành các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu, chẳng hạn Viện quản trị công ty theo thông lệ quốc tế. Thêm vào đó, một số trường đại học, viện nghiên cứu cần tính toán thành lập các khoa, đơn vị chuyên ngành đào tạo về chứng khoán như thông lệ quốc tế.

Tin bài liên quan