Đảo chiều dịch chuyển VND sang USD

Quyết định giảm lãi suất huy động USD về 0% sẽ giúp ngăn chặn, thậm chí đảo chiều sự dịch chuyển từ VND sang USD.

Việc giảm lãi suất huy động USD lần này sẽ giảm tâm lý găm giữ USD, giúp thực hiện lộ trình chống đô-la hóa

Việc giảm lãi suất huy động USD lần này sẽ giảm tâm lý găm giữ USD, giúp thực hiện lộ trình chống đô-la hóa

Giảm lãi suất USD không phải do tỷ giá “căng”

Không chỉ giảm lãi suất huy động USD về 0%, tới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể chấm dứt việc huy động và cho vay bằng ngoại tệ. Đây là những giải pháp cụ thể đã đề ra trong Đề án Chống đô-la hóa của Chính phủ, dự kiến hoàn tất vào năm 2018.

Theo ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng VietinBank, trước thời điểm NHNN hạ lãi suất huy động USD xuống 0% với tổ chức và xuống còn 0,25% với cá nhân, thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng rất tốt, tỷ trọng cho vay bằng ngoại tệ ở ngưỡng thấp. Nói cách khác, việc NHNN giảm lãi suất huy động USD không phải là do yếu tố căng thẳng cung - cầu ngoại tệ, mà nhằm hướng tới mục tiêu giảm găm giữ ngoại tệ, giảm tình trạng đô-la hóa.

“Với mức lãi suất huy động USD hiện nay, cùng với các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô khác, người dân và doanh nghiệp sẽ cân nhắc việc nắm giữ USD với lãi suất thấp hay chuyển một phần sang VND để phục vụ sản xuất - kinh doanh hoặc gửi tiết kiệm với lãi suất cao hơn. Tôi cho rằng, sẽ có một lượng ngoại tệ sẽ được chuyển đổi sang VND”, ông Lê Đức Thọ nhận định.

Chia sẻ nhận định trên, nhiều chuyên gia cho rằng, với lãi suất huy động USD hiện nay, chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa USD và VND đang ở mức khá cao (4 - 6%/năm), có nghĩa gửi VND có lợi hơn rất nhiều so với USD.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định, vừa qua, VND liên tục bị mất giá, một bộ phận người dân đã có tâm lý dịch chuyển VND sang USD. Việc giảm lãi suất USD của NHNN sẽ giúp ngăn chặn, thậm chí “đảo chiều” sự chuyển dịch này.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, dù lãi suất USD giảm, nhưng sự dịch chuyển từ USD sang VND sẽ không diễn ra nhiều. Thực tế trước đây, lãi suất USD với tổ chức đã ở mức rất thấp (0,25%), nên có giảm xuống 0%, thì các tổ chức kinh tế vẫn có xu hướng “găm” USD trong tài khoản thanh toán để chuẩn bị nguồn thanh toán khi đến kỳ hạn, đồng thời để đề phòng rủi ro tỷ giá.

Dù vậy, TS. Cấn Văn Lực cũng khẳng định, việc giảm lãi suất huy động USD lần này sẽ giảm tâm lý găm giữ USD, giúp thực hiện lộ trình chống đô-la hóa, giảm sức hấp dẫn của USD và giảm một phần áp lực tỷ giá, nếu có.

Đích ngắm là chống đô-la hóa

Việc giảm lãi suất huy động USD đã được giới chuyên gia dự báo từ lâu, song điều bất ngờ là, giải pháp này được NHNN đưa ra trong bối cảnh cung - cầu thị trường không có dấu hiệu căng thẳng. Tuy vậy, giải pháp “lợi dụng thị trường” này của NHNN được coi là động thái khôn ngoan, nhằm hạn chế tác động tiêu cực về mặt tâm lý.

Trên thực tế, việc giảm lãi suất, tiến tới ngừng huy động vốn bằng ngoại tệ đã được đặt ra từ lâu trong Đề án Chống đô-la hóa của Chính phủ, song do tỷ giá là vấn đề nhạy cảm, nên lâu nay, NHNN vẫn chưa thể thực hiện các giải pháp mạnh tay.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, theo lộ trình chống đô-la hóa của Chính phủ, hệ thống ngân hàng sẽ tiến tới không cho vay bằng ngoại tệ và không nhận tiền gửi bằng ngoại tệ. Trạng thái ngoại tệ của ngân hàng cũng sẽ giảm từ 20% hiện nay (trước đây là 40%) xuống 0%.

Được biết, chủ trương chống đô-la hóa của Chính phủ được thực hiện từ năm 2005. Theo mục tiêu ban đầu, Đề án dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Với tình hình hiện nay, có lẽ, mục tiêu trên chưa thể đạt được, song việc giảm lãi suất huy động của tổ chức xuống 0% là một bước tiến mới trong lộ trình chống đô-la hóa của NHNN.

Bên cạnh mục tiêu chống đô-la hóa, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc giảm lãi suất huy động USD là một mũi tên trúng nhiều đích: giảm căng thẳng tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối, tăng cung VND, từ đó giảm lãi suất VND…

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất USD cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ, như chảy máu ngoại tệ, giảm huy động vốn bằng ngoại tệ. Liên quan vấn đề này, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, hiện nay, việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, các ngân hàng có nhiều kênh huy động vốn ngoại tệ từ nước ngoài, chứ không chỉ phụ thuộc nguồn huy động ngoại tệ trong nước, nên thời gian tới, nguồn cung USD vẫn đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.

Tin bài liên quan