Thi công đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn I
Theo đó, trong số 483 nhà thầu xây lắp được Bộ Giao thông - Vận tải đánh giá lần này có 408 nhà thầu đáp ứng yêu cầu (chiếm 84,5%); 49 nhà thầu trung bình (10,1%); 26 nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu (5,4%).
Được biết, các tiêu chí đánh giá nhà thầu xây lắp mà Bộ Giao thông - Vận tải đưa ra đều dựa trên những diễn biến thực tế công trường. Đó là huy động tài chính, máy móc thực tế; khả năng đáp ứng yêu cầu tiến độ tổng thể và chi tiết; yêu cầu về chất lượng, an toàn lao động; giải quyết các thủ tục thanh toán, nghiệm thu; thực hiện trách nhiệm bảo hành công trình.
Điều đáng lưu ý là trong số các nhà thầu bị đưa vào danh sách “chưa đáp ứng yêu cầu” có tới 4 nhà thầu Hàn Quốc gồm: Keangnam Enterprises, Samwhan Corporation; Kukdong và Halla Corporation. Ngoài Halla là cái tên mới, ba nhà thầu Hàn Quốc còn lại đều có thâm niên “chinh chiến” tại thị trường xây dựng hạ tầng Việt Nam.
Bộ Giao thông - Vận tải không nêu rõ lý do 4 nhà thầu Hàn Quốc bị đưa vào danh sách mà không một doanh nghiệp xây lắp nào mong muốn nhưng thông tin riêng của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, Keangnam và Kukdong dính vi phạm “không thực hiện trách nhiệm bảo hành” tại Dự án đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn I do Tổng công ty Cửu Long làm chủ đầu tư.
Ngoài 4 nhà thầu Hàn Quốc, trong danh sách 26 nhà thầu còn một loạt tổng công ty xây dựng tên tuổi khác như: Tổng công ty Xây dựng đường thủy – CTCP (Vinawaco); Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 – CTCP (Cienco8); Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng; Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng; Tổng công ty Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam; Công ty Xây dựng Minh Anh; Công ty cổ phần thi công cơ giới và dịch vụ; Công ty TNHH 45; Công ty cổ phần Xuyên Việt; Công ty cổ phần Xây dựng nông nghiệp Nam Định; Công ty cổ phần Phương Nam; Công ty TNHH Vương Phát; Công ty cổ phần Hưng Thịnh; Công ty cổ phần Trung Thành; Công ty cổ phần Xây lắp và cơ khí cầu đường; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông; Công ty cổ phần Ninh Thuận; Công ty cổ phần ECICO; Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ 26; Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Việt Hà; Công ty cổ phần Đức Phú: Công ty cổ phần TNHH Huy Thuần.
Được biết, theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải, các nhà thầu có: >6 lỗi/1 gói thầu hoặc ≥ 21 lỗi/các gói thầu tham gia hoặc có ≥ 1 vi phạm trong các gói thầu sẽ bị đánh giá là “chưa đáp ứng được yêu cầu”.
Trước đó, vào tháng 4/2016, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đã có quyết định việc sử dụng thông tin công bố hàng năm về kết quả thực hiện của các nhà thầu xây lắp và tổ chức tư vấn xây dựng trong công tác lựa chọn nhà thầu tham gia các dự án đầu tư xây dựng do bộ này quản lý.
Theo quy định mới, hồ sự dự sơ tuyển của các nhà thầu sẽ bị loại trong quá trình đánh giá sơ tuyển nếu nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh được công bố là “Chưa đáp ứng yêu cầu” do có “Vi phạm” phải chấm dứt hợp đồng theo thông tin công bố đột xuất của Bộ Giao thông - Vận tải quy định tại Quyết định số 4256/QĐ-BGTVT ngày 01/12/2015. Thông tin công bố đột xuất nêu trên được áp dụng trong vòng 3 năm kể từ ngày công bố của Bộ Giao thông - Vận tải có hiệu lực; nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh được đánh giá ở mức “Chưa đáp ứng yêu cầu” trong 3 năm liên tiếp gần nhất.
“Được biết, đối với các nhà thầu trong danh sách chưa đáp ứng được yêu cầu nhưng chưa đến mức phải chấm dứt hợp đồng, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải có biện pháp xử lý nhà thầu theo thẩm quyền để khắc phục kịp thời hoặc báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền biện pháp xử lý nhà thầu theo quy định, không làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ của gói thầu, dự án”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu.