Việc đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi sẽ khiến nhu cầu mua nhà giảm, nhưng về tổng thể sẽ tốt cho nền kinh tế. Ảnh: Lê Toàn

Việc đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi sẽ khiến nhu cầu mua nhà giảm, nhưng về tổng thể sẽ tốt cho nền kinh tế. Ảnh: Lê Toàn

Đánh thuế nhà thứ hai sẽ tác động mạnh tới thị trường địa ốc

(ĐTCK) Thông tin Bộ Tài chính đang nghiên cứu đánh thuế ngôi nhà nhà thứ hai, thứ ba gây ra nhiều tranh luận trái chiều. Theo các chuyên gia, nếu được áp dụng, sắc thuế trực thu này sẽ có tác động mạnh tới thị trường bất động sản.

Được biết, việc đánh thuế với nhà đã từng được đưa vào dự thảo Luật Thuế nhà, đất năm 2009. Khi đó, Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội đã đề xuất mức thuế là 0,03% đối với người sở hữu ngôi nhà thứ hai, đảm bảo mỗi người dân có 1 căn nhà không thuộc diện chịu thuế; mức thuế suất thấp (0,03%), nên sẽ tác động không lớn tới tâm lý và đời sống kinh tế của người dân. Tuy nhiên, cân nhắc bối cảnh kinh tế vào năm 2010, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị chưa đánh thuế.

Sau 6 năm qua, thông tin Bộ Tài chính tính chuyện thu thuế đối với nhà thứ hai trở đi khiến câu chuyện cũ được khơi lại. Nhiều góc cạnh đã được đưa ra mổ xẻ, từ việc có khả thi không, làm sao biết ai đó có căn nhà thứ hai, thứ ba, ngăn chặn lách luật thế nào?…

"Nhà ở là tài sản thiết yếu, ai cũng cần có nhà để ở, nên ngôi nhà thứ nhất không đánh thuế là hợp lý. Nhưng ngôi nhà thứ hai, thứ ba thì đánh thuế là nên"

- Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đất đai là tài sản lớn cần phải đánh thuế, đây sẽ là nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Nhiều nước đều có thuế bất động sản và đánh thuế rất cao, thậm chí ở Đức còn đánh thuế lũy tiến.

“Nhà ở là tài sản thiết yếu, ai cũng cần có nhà để ở, nên ngôi nhà thứ nhất không đánh thuế là hợp lý. Nhưng ngôi nhà thứ hai, thứ ba thì đánh thuế là nên. Ngay như ô tô còn rẻ hơn giá trị ngôi nhà mà còn chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nên nhà thứ hai đánh thuế là bình thường. Người có nhà thứ hai là người giàu, nên phải đóng góp cao hơn cho ngân sách”, ông Nguyễn Trần Nam nói.

Cũng theo ông Nam, việc đánh thuế bất động sản có nhiều lợi ích, thứ nhất là tăng nguồn thu ngân sách, thứ hai là điều tiết thị trường bất động sản, giúp giá cả ổn định hơn.

Tất nhiên, sự ảnh hưởng tới thị trường bất động sản khi sắc thuế trực thu này được thực thi là không tránh khỏi, nhu cầu mua nhà có thể giảm bớt và giá sẽ giảm. Tuy nhiên, việc này sẽ giúp người thu nhập thấp, thu nhập trung bình dễ dàng mua nhà hơn. Còn nếu đánh thuế rồi mà người ta vẫn có nhu cầu mua nhà, thì ngân sách sẽ thu được thuế.

Trước những ý kiến đa chiều về tính khả thi của sắc thuế này, ông Nguyễn Trần Nam cho rằng bất cứ một chính sách nào khi mới đưa ra luôn có chỗ vướng, chỗ mắc, vấn đề là phải cân nhắc “được - “mất”. Nếu được nhiều hơn mất thì nên làm và mọi cái vướng đều có thể tháo gỡ.

Ông Nam cho biết, khi thực hiện đánh thuế, thì khó khăn lớn nhất là hệ thống dữ liệu về nhà ở Việt Nam. Không có cơ sở dữ liệu này, khó xác định đâu là ngôi nhà thứ hai. Về việc thu thập dữ liệu, quan trọng nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. Đây là các thành phố chiếm nhiều giao dịch, nhiều nhà ở nhất cả nước.

Cùng với nhận định tương tự, ông Phạm Hải Đăng, Chủ tịch Công ty Keller Williams Commercial Northern Vietnam cho rằng, sắc thuế này sẽ ảnh hưởng không tốt cho ngành bất động sản và các ngành khác có liên quan với bất động sản, nhưng tổng thể chung sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế.

“Người mua nhà để đầu tư sẽ phải cân nhắc, tính toán kỹ hơn và do đó, nguồn lực xã hội sẽ được phân bổ tốt hơn. Hạn chế được các khu đô thị, khu chung cư bỏ hoang”, ông Phạm Hải Đăng nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan