Sau khi có Nghị quyết 120 NQ-CP, các tỉnh cũng như các bộ, ngành đã và chuẩn bị chuyển sang giai đoạn thuận theo thiên nhiên để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, đi tới kinh tế nông nghiệp. Ảnh: Lê Toàn

Sau khi có Nghị quyết 120 NQ-CP, các tỉnh cũng như các bộ, ngành đã và chuẩn bị chuyển sang giai đoạn thuận theo thiên nhiên để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, đi tới kinh tế nông nghiệp. Ảnh: Lê Toàn

Đánh thức vùng đất “chín rồng” - Bài 3: Quyết đầu tư để thành nơi đáng sống

0:00 / 0:00
0:00
Tầm nhìn phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai đã được Chính phủ xác định là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn với du khách và nhà đầu tư.

Bài 3: Quyết đầu tư để thành nơi đáng sống

Tầm nhìn phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai đã được Chính phủ xác định là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn với du khách và nhà đầu tư.

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Trong quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ tầm nhìn đến năm 2050, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đa phương thức, kết nối liên vùng và quốc tế; trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa.

Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Chẳng hạn, đối với phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 tại Đồng bằng sông Cửu Long, đường bộ cao tốc có tổng chiều dài là 1.166km, bao gồm 3 trục dọc kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng với vùng Đông Nam Bộ và 3 trục ngang nhằm tăng cường kết nối với hệ thống cảng biển trong vùng với các cửa khẩu quốc tế.

Đối với đường thủy nội địa, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhằm phát huy lợi thế của vùng, nâng cao thị phần vận tải container. Phát triển 13 cụm cảng hàng hóa đảm bảo tổng công suất hàng hóa thông qua ước tính đạt trên 53 triệu tấn/năm; 11 cụm cảng hành khách đảm bảo tổng năng lực thông qua ước tính đạt 31 triệu lượt hành khách/năm.

Còn hệ thống cảng biển, đến năm 2030 đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua từ 64-80 triệu tấn (hàng container từ 0,6 - 0,8 triệu TEU). Về hàng không, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đóng vai trò phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cần thơ là trung tâm đầu mối phát triển logistics hàng không của vùng.

Với những kế hoạch đang từng bước được thực hiện, trong những tháng đầu năm 2022, một số dự án hạ tầng trọng điểm đã được gấp rút đẩy nhanh tiến độ và đưa vào sử dụng. Cuối tháng 4/2022, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với vốn đầu tư là 12.668 tỷ đồng đã chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Riêng vào cuối tháng 3, cây cầu Rạch Miễu 2 đã được khởi công. Đây là cây cầu bắc qua sông Tiền, có quy mô 6 làn xe (gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ), vận tốc thiết kế 80km/h, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên tuyến Quốc lộ 60.

Các công trình này góp phần giảm tình trạng ách tắc, đồng thời tiết kiệm chi phí cho các phương tiện lưu thông với khoảng cách giao thông đường bộ giữa TP.HCM và các tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau sẽ được rút ngắn.

Theo Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Đình Thọ, giai đoạn 2020 - 2025, Chính phủ đã quyết định đầu tư 266 nghìn tỷ trung hạn và hỗ trợ Bộ Giao thông - Vận tải 198 nghìn tỷ để thực hiện kết nối giao thông.

“Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi cũng xác định nghiên cứu định hình không gian hạ tầng để xây dựng khu công nghiệp và đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và hệ sinh thái phù hợp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt các nhiệm vụ này. Nếu thực hiện tốt việc này, tôi nghĩ hiệu quả đầu tư công sẽ rất tốt và có thể thu hút được nhiều nguồn lực khác, bao gồm cả các nguồn lực quốc tế”, ông Thọ cho biết.

Tăng cơ chế phối hợp, bố trí thêm vốn cho đầu tư phát triển vùng

Để phát huy vai trò động lực thúc đẩy liên kết với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là trong kết nối hạ tầng, kinh tế, hỗ trợ đầu tư, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị khép kín, UBND TP.HCM kiến nghị cần tăng thêm cơ chế phối hợp.

Trong đó, kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương xây dựng Luật về liên kết vùng, trong đó tập trung xây dựng cơ chế xử lý các vấn đề về bộ máy tổ chức, cơ chế tài chính, cơ chế cung cấp thông tin.

Trong quá trình thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hộicủa vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trung ương cần phối hợp với địa phươngđể phân tích, đánh giá các cơ chế, chính sách, quy hoạch của Trung ương dành cho vùng, đặc biệt là tỷ lệ điều tiết ngân sách đối với địa phương để tái đầu tư vàphát triển hạ tầng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước; hiệu quả của côngtác lập, quản lý và triển khai hệ thống các quy hoạch từng ngành, lĩnh vực gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng,

“Bộ, ngành Trung ương xây dựng và triển khai danh mục các công trình cấp quốc gia, cấp vùng nhất là các công trình về kết cấu hạ tầng để tập trung chỉ đạo theo quy chuẩn thống nhất, tạo điều kiện cho hình thành và thực hiện cơ chế chỉ huy, quản lý thống nhất trong điều kiện đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương thống nhất quản lý theo lãnh thổ”, kiến nghị của UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Những phiên chợ nông sản được tổ chức trong những năm gần đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp, nông dân miền Tây tìm kiếm đầu ra cho hàng nông sản. Ảnh: Lê Toàn
Những phiên chợ nông sản được tổ chức trong những năm gần đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp, nông dân miền Tây tìm kiếm đầu ra cho hàng nông sản. Ảnh: Lê Toàn

Về nguồn lực để phát triển, liên kết vùng, theo UBND TP.HCM, ngân sách Trung ương cần quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư cho phát triển vùng.

Trong đó, kiến nghị Bộ Tài chính “Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc thành lập Quỹ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm an ninh tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm huy động tối đa các nguồn lực, đặc biệt là vốn ngoài ngân sách” đã được phân công tại tiết d, điểm 5 Nghị quyết số 120/NQ-CP.

Kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương tích cực lồng ghép các nội dung liên đến thực trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và vấn đề phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long vào chương trình nghị sự của các diễn đàn an ninh, chính trị, kinh tế mà Việt Nam tham gia nhằm nâng cao nhận thức và tranh thủ thêm nguồn lực quốc tế để hỗ trợ các địa phương đồng bằng sông Cửu Long thích ứng và kịp thời triển khai các dự án phát triển.

Liên quan đến nội dung đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế, đồng thời thực hiện hiệu quả công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tại, bảo đảm an sinh xã hội cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, UBND TP.HCM kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ các chủ đầu tư thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án chuyển đổi công nghệ các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang đốt phát điện để đảm bảo an ninh rác thải trên địa bàn Thành phố và đóng góp vào công tác giảm phát thải khí nhà kính quốc gia.

Tin bài liên quan