Đất nước cần sự chuyển mình
Đất nước đã qua 30 năm đổi mới phát triển, hiện có nhiều thách thức lớn phải giải quyết trong bối cảnh mới từ quá trình hội nhập kinh tế, đối mặt với cách mạng 4.0, thách thức đói nghèo, biến đổi khí hậu… Đất nước đang cần sự chuyển mình. Vậy đâu là động lực, đâu là chìa khóa để chúng ta chạm tới?
Đó chắc chắn phải là khoa học công nghệ, con đường rút ngắn nhất để chúng ta tăng tốc, bắt kịp với thế giới. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ xuất phát điểm của Sáng kiến Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018. Ông nói: “Chúng ta có nguồn lực vô giá là những nhân tài cả trong và ngoài nước, nhưng chúng ta chưa kết nối, khơi dậy được tiềm lực. Phải khơi dậy được để tạo sức bật mới cho nền kinh tế”.
Tại sao anh lại trở về? Tiến sỹ Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup đã kể lại trải nghiệm của mình và quyết định bắt tay cùng các cộng sự tại Vingroup để thực hiện giấc mơ xe hơi “made in Việt Nam”, song ông cũng không quên đề cập đến “sốc văn hóa ngược” với những người mới trở về.
“Khi từ biệt và cám ơn các bạn ở Borsch (tập đoàn của Đức nơi ông Huệ đã làm việc nhiều năm – PV), nhiều bạn người Việt đã khóc. Chắc hẳn là trong sâu thẳm trái tim mọi người đều có lòng yêu nước. Được sống trên đất nước mình, đóng góp công sức xây dựng Tổ quốc, làm việc sẽ rất hào hứng và có nhiều niềm vui. Hơn nữa, trong thế giới phẳng như hiện nay, không phải làm việc ở Việt Nam, các nhà khoa học sẽ mất mối quan hệ ở nước ngoài. Tôi tin rồi đây sẽ có nhiều tài năng sẵn sàng trở về cống hiến cho đất nước”, ông Huệ chia sẻ.
“Chảy máu chất xám” từ lâu đã là một trong những vấn đề nghiêm trọng của những nước đang phát triển như Việt Nam.
Trong thời kỳ đất nước đang cần chuyển mình mạnh mẽ để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và vươn lên thành con hổ châu Á mới như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng, việc có thêm nhân tài ở nhiều lĩnh vực khác nhau là yêu cầu tiên quyết. Nhưng để “chất xám” phụng sự Tổ quốc, lại có rất nhiều vấn đề được đặt ra.
Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng, phải có môi trường quy tụ được nhu cầu và nguồn lực từ phía nhà nước, doanh nghiệp, quy trình cơ chế cạnh tranh để các nhà khoa học cùng nhau tổ chức được nhiều đội nhóm, giải quyết các nhu cầu đó. Nếu không có quy trình thực hiện, chúng ta mãi chỉ suy nghĩ và ý tưởng, không có hiện thực.
Tiến sỹ Lê Viết Quốc hiện đang làm việc cho Google cũng cho rằng, nên đưa ra những bài toán cụ thể để các nhân tài có thể kết nối cùng nhau tập hợp và giải quyết. Chẳng hạn, dựa trên trí tuệ nhân tạo, liệu có thể tạo ra chương trình để các bác sỹ tìm hiểu và chữa bệnh ung thư từ sớm được không? Một tổ chức đặt hàng bài toán này và kết nối mọi người để cùng giải quyết.
“Các tài năng đều muốn giải bài toán khó, tác động đến nhiều người, giải quyết được những vấn đề chung của xã hội”, một trong những bộ óc được vinh danh sáng tạo nhất nước Mỹ đề xuất.
“Chiến lược nhân tài” dưới góc nhìn của những tài năng xuất sắc như Giáo sư Ngô Bảo Châu là phải dựa vào thực tế, nhu cầu tự nhiên, có môi trường thì các tài năng sẽ trở về, phát triển và “đâm hoa nảy nở”. Tiến sỹ Lê Viết Quốc cũng nhấn mạnh rằng, chiến lược này phải cụ thể như thế nào mới là điều quan trọng.
Thế giới đã chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ về khoa học công nghệ dẫn tới sự bứt phá thần kỳ của nhiều nền kinh tế, như sản xuất chip với Đài Loan, xe hơi với Nhật Bản; điện thoại với Hàn Quốc...
“Cách mạng 4.0 với trí tuệ nhân tạo có thể làm cho Việt Nam giàu. Có thể chứ? Nếu không trở nên giàu có, đó là lỗi của chúng ta”, chàng tiến sỹ thế hệ 8x trăn trở.
Doanh nghiệp là trung tâm
Từ tư duy đến hành động có cách quá xa? Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, Việt Nam trước đây đã có mạng lưới và chính sách thu hút nhân tài, nhưng chưa gắn kết được giới khoa học công nghệ và doanh nghiệp, chưa gắn chặt với nhu cầu của cuộc sống.
Lần này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, thu hút các tài năng, tạo ra các công nghệ mới, có như vậy mới trở thành công nghệ của Việt Nam. Về phía Nhà nước, Việt Nam sẽ có trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với nguồn lực từ xã hội hóa, các quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng phục vụ cho mạng lưới đổi mới sáng tạo…
Nhưng hạt nhân của công cuộc cải cách này sẽ là các doanh nghiệp. Vingroup đã chính thức công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ - công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028, Vingroup sẽ trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính.
Ngành lõi của tập đoàn hiện nay là thương mại dịch vụ sẽ đóng vai trò là chỗ dựa tài chính cho hai mảng mới, đồng thời là hệ sinh thái quan trọng để hỗ trợ công tác nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ - công nghiệp.
Vingroup đã ra mắt 4 đơn vị gồm Công ty Phát triển công nghệ VinTech, Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn, Viện Nghiên cứu công nghệ cao và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học – công nghệ ứng dụng với ngân sách ban đầu 1.000 tỷ đồng. VinTech sẽ tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới. Đã có những tài năng là các giáo sư, tiến sỹ đang làm việc tại nước ngoài về đầu quân cho Vingroup.
Trước đó, Phenikaa, Tập đoàn mẹ của Vicostone đã ra mắt Viện Nghiên cứu và công nghệ Phenikaa (PRATI) và Viện Nghiên cứu tiên tiến Thành Tây (TIAS) với ngân sách 500 tỷ đồng trong 5 năm hoạt động đầu tiên.
Thảo luận giữa đại diện FPT và 100 người Việt trẻ tài năng.
PRATI & TIAS sẽ tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu nền tảng, cấp thiết và có tính ứng dụng thực tiễn cao như khoa học cơ bản, ứng dụng, công nghệ vật liệu (polymer, nano, gốm), tự động hóa, cơ điện tử, điện tử, điện tử hữu cơ, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, khoa học y, sinh, dược, nông nghiệp…
Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Phenikaa, xuất thân từ một tiến sỹ khoa học chia sẻ: “Tôi xác định phải có chế độ đãi ngộ tốt thì người ta mới về với mình. Chế độ đó không hẳn là trả lương thật cao. Tôi cho rằng lý do đầu tiên các nhà khoa học, các tài năng khác về với chúng tôi là vì môi trường làm việc. Họ có điều kiện để tự do theo đuổi hướng nghiên cứu của mình không, có được đáp ứng các yêu cầu về trang thiết bị hay không và chiến lược phát triển, tầm nhìn của người lãnh đạo như thế nào”.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, vốn là một tiến sỹ toán học cũng nhấn mạnh rằng, với các tài năng, phải đưa ra được những bài toán khó để thu hút họ cùng giải.
Trong cuộc trao đổi với 100 nhà khoa học tài năng trong Mạng lưới sáng tạo Việt Nam chiều 20/8 tại Hòa Lạc, ông Bình đã đưa ra những lời mời cụ thể: “Chúng tôi có những nhóm nghiên cứu, làm việc ở các nước, các bạn không phải về Việt Nam, mà chỉ cần đôi khi chia sẻ một vài lời “có cánh”, những hướng đi mới nhất, rồi chúng tôi ở nhà cũng cố gắng vượt khó làm theo. Được như vậy, sẽ bớt đi những lầm đường lạc lối và chúng ta có thể theo những định hướng lớn.
Khi chúng tôi làm việc với những tập đoàn lớn trên thế giới, họ có những bài toán vô cùng khó, nếu các bạn có sẵn một nền tảng nhất định, thì các bạn hãy cùng hợp tác với chúng tôi giải những bài toán lớn của kinh tế giới. Và nếu các bạn đã có những lời giải hay, thì chúng tôi có sức bán cho các tập đoàn hàng đầu thế giới. Chúng tôi sẵn sàng bán cho các bạn với niềm tự hào Việt”.
Một loạt vấn đề FPT đang mong muốn được giải quyết, những bài toán khó cần những bộ óc siêu việt “xắn tay” vào cùng làm được đưa ra đã “kích hoạt” liên tục những cánh tay giơ lên với rất nhiều đề nghị về những bước tiếp theo để biến ý tưởng thành hành động, từ tạo lập cơ sở dữ liệu lớn, đào tạo đội ngũ kỹ sư tinh thông về trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp thông minh, y tế thông minh... Cuộc thảo luận tưởng chừng phải kéo dài hơn dự kiến tới 2 tiếng mới “thỏa mãn”.
Chứng kiến sự trở về bước đầu đầy hào hứng như vậy, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du kỳ vọng, nhiệt huyết sẽ tiếp tục được lan tỏa, biến thành những kế hoạch hành động cụ thể theo hành trang của mỗi tài năng khi họ trở lại công tác ở nước ngoài hoặc trở về Tổ quốc để trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có nền kinh tế tri thức.