Danh sách doanh nghiệp hủy niêm yết đang nối dài

Danh sách doanh nghiệp hủy niêm yết đang nối dài

(ĐTCK) Hai năm trở lại đây, số lượng DN hủy niêm yết bắt buộc tăng mạnh hơn số DN niêm yết mới. Trong hầu hết những trường hợp DN hủy niêm yết, cổ đông dường như là đối tượng thiệt thòi nhất.

Từ cổ phiếu PVA

PVA, cổ phiếu “làm mưa làm gió” một thời của CTCP Tổng công ty xây lắp Dầu khí Nghệ An đã chính thức hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 9/6/2014. So với thời kỳ “hoàng kim”, khi giá cổ phiếu đạt mức trên 130.000 đồng/CP (năm 2009) thì ngay trước ngày chốt phiên giao dịch cuối cùng (6/6), cổ phiếu PVA chỉ còn 1.900 đồng/CP.

Ngoài việc cổ phiếu PVA cùng chịu sự sụt giảm chung của thị trường thì còn xuất phát từ chính hiệu quả hoạt động kinh doanh của Công ty. PVA đã 3 năm liền (2011, 2012 và 2013 thua lỗ). Riêng trong năm 2013, so với kế hoạch lỗ sau thuế hợp nhất gần 23 tỷ đồng thì thực tế Công ty đã lỗ 101 tỷ đồng, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ 63,8 tỷ đồng và dĩ nhiên cũng như 2 năm trước, PVA không trả cổ tức.

Về báo cáo tài chính năm 2013 của PVA, tổ chức kiểm toán cũng có ý kiến không chấp thuận đối với báo cáo tài chính kiểm toán công ty mẹ và hợp nhất của Công ty.

Khi được hỏi về việc cổ đông sẽ thực hiện giao dịch ra sao sau ngày 9/6, khi PVA đã hủy niêm yết, lãnh đạo PVA cho biết, hiện Công ty đang có hai phương án. Thứ nhất là sẽ hoàn tất các thủ tục để chuyển sang đăng ký giao dịch trên UPCoM. Thứ hai là nếu Công ty hủy niêm yết và chưa giao dịch ở sàn nào thì khi muốn chuyển nhượng cổ phiếu, Trung tâm Lưu ký (VSD) sẽ đứng ra xác nhận việc chuyển nhượng cổ phiếu cho cổ đông. Tuy nhiên, Công ty cho biết, để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, Công ty đang nghiêng về phương án thứ nhất. Nhưng cổ đông sẽ phải chờ đợi một thời gian để DN hoàn tất các thủ tục chuyển sàn.

Đại diện PVA cũng cho biết, việc hủy niêm yết là điều DN không mong muốn, vì rõ ràng, việc này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín doanh nghiệp, quyền lợi cổ đông. PVA đang cố gắng để “thay đổi” hình ảnh DN thua lỗ liên miên bằng việc đặt các chỉ tiêu kinh doanh năm 2014 rất cao như tổng doanh thu đạt 430 tỷ đồng, tăng 361% và lợi nhuận sau thuế kế hoạch là 17,73 tỷ đồng. Nhưng việc Công ty đưa ra kế hoạch lãi không đủ để “trấn an” nhiều cổ đông, khi mà giá cổ phiếu của Công ty đã sụt giảm rất mạnh, ngay sau khi có thông tin hủy niêm yết.

Đến nhiều doanh nghiệp khác

Cùng rơi vào “hoàn cảnh” hủy niêm yết bắt buộc như PVA là cổ phiếu MIC của CTCP Kỹ nghệ Khoáng sản Quảng Nam, khi DN này cũng thua lỗ 3 năm liên tiếp. Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, gần 5,5 triệu cổ phiếu MIC (vốn điều lệ 54,86 tỷ đồng) sẽ bị huỷ niêm yết từ ngày 23/6/2014 và ngày giao dịch cuối cùng tại Sở GDCK Hà Nội là 20/6.

Trước đó, MIC đã công bố bản giải trình gửi UBCK và HNX để giải thích nguyên nhân thua lỗ 3 năm và biện pháp khắc phục bắt đầu từ quý II/2014 như Công ty đã thuê được mỏ khai thác nên hoạt động kinh doanh sản phẩm chủ lực sẽ trở lại bình thường, các tài sản đầu tư tại Lào đã thanh lý và chấm dứt hợp đồng và khách hàng tiêu thụ các sản phẩm của công ty đã tăng trở lại... Nhưng với các cổ đông, những giải trình này là chưa đủ.

Ngoài MIC, một số DN cũng đang đối mặt với “án” hủy niêm yết bắt buộc như CTCP Xây dựng 565 (NSN), khi thua lỗ 3 năm liên tiếp và số lỗ lũy kế đã vượt quá vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2013.

NSN là công ty con và cũng là DN đầu tiên của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn niêm yết trên HNX. NSN từng giữ các vị trí quan trọng trong xây dựng các công trình giao thông đường bộ của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn như Quốc lộ 32 đoạn Diễn - Nhổn, thi công dốc nước đập tràn nhà máy thủy điện Sơn La; đường tuần tra Biên giới và san lấp mặt bằng nhà máy lọc dầu Nghi Sơn… Nhưng trong vài năm trở lại đây, Công ty gặp khó khăn trong việc huy động vốn, thu hồi các khoản nợ nên kinh doanh kém hiệu quả.

Hiện nay, cổ phiếu NSN vẫn đang trong tình trạng tạm ngừng giao dịch và dù Công ty cố gắng để đưa ra các biện pháp khắc phục thì vẫn rất khó để thoát khỏi tình trạng bị hủy niêm yết bắt buộc trong thời gian tới.

Tin bài liên quan