Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn được xem là một biểu tượng cho sự thành công của đầu tư tư nhân tại Việt Nam. Ảnh: Đ.T
Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 đang được dự thảo. Những hạn chế của việc thực hiện các danh mục tương tự ở giai đoạn trước đang buộc các cơ quan quản lý, các địa phương phải giải được bài toán khó: Làm sao để nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn. Hơn nữa, các dự án đó phải đáp ứng đúng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới, qua đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả dòng vốn này.
Bài 1: Dang dở nhiều dự định lớn
Danh mục 127 dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào giữa năm 2014, với tổng vốn đầu tư khoảng 60 tỷ USD. Nhưng sau hơn 5 năm triển khai, chỉ có 26% trong số này được hiện thực hóa. Rất nhiều dự định lớn vẫn dang dở…
Hiếm hoi dự án “thành hình”
Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) cách đây ít ngày đã chính thức mở cửa trở lại sau hơn 1 tháng đóng cửa phòng Covid-19. Kể từ khi đi vào hoạt động (cuối năm 2018) đến nay, Sân bay Vân Đồn đã góp phần quan trọng tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, cũng như giảm tải cho Sân bay Nội Bài. Nhưng quan trọng hơn, vào thời điểm khánh thành, Sân bay Vân Đồn được coi là một “biểu tượng” cho sự thành công của đầu tư tư nhân Việt Nam. Đây là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam, được triển khai trong một thời gian ngắn.
Sân bay Vân Đồn chính là một trong 127 dự án có tên trong Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020. Trước khi Sun Group được phép đầu tư dự án theo hình thức BOT, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến tìm hiểu, trong đó có liên doanh nhà đầu tư Hàn Quốc Joinus Việt Nam và Posco E&C. Nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đến rồi lại đi, cuối cùng, Sân bay Vân Đồn được đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân trong nước.
Tuy vậy, đây vẫn là một dự án hiếm hoi được “thành hình” trong tổng số 127 dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn đến năm 2020.
Một dự án khác, được tính là “đã thực hiện”, là Dự án Đô thị Đại học Quốc tế Berjayra Việt Nam. Dự án này mặc dù nằm trong Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020, nhưng trên thực tế, đã được cấp chứng nhận đầu tư lần đầu tiên vào giữa năm 2008, với quy mô 3,5 tỷ USD, của nhà đầu tư Berjayra (Malaysia).
Theo quy hoạch tổng thể, Khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam được xây dựng với mục đích tạo ra một đô thị hội nhập, có sức chứa 75.000 người sống, học tập và làm việc. Tuy nhiên, kể từ đó tới nay, Dự án vẫn chưa được triển khai, do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả vấn đề năng lực tài chính của nhà đầu tư. Hiện nay, thông tin từ UBND TP.HCM cho biết, nhà đầu tư đang thực hiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Nhiều khả năng, dự án này sẽ được điều chỉnh quy mô xuống xấp xỉ 1 tỷ USD, thay vì 3,5 tỷ USD như trước.
Tương tự, Nhiệt điện than Dung Quất (Quảng Ngãi) cũng là dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài và đã thành công khi Tập đoàn Sembcorp (Singapore) quyết định đầu tư vào đây. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Dự án cũng chưa được thực hiện, do chủ đầu tư chuyển đổi sang điện khí và vẫn đang thực hiện các bước đàm phán tiếp theo với Bộ Công thương.
Dù chưa thực sự được triển khai, nhưng chỉ xét trên khía cạnh “thu hút đầu tư”, có thể nói, cả 3 dự án kể trên đã “thành công”. Tổng hợp báo cáo từ các bộ ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 127 dự án, có 33 dự án đã “được thực hiện”, với tổng vốn đầu tư đăng ký 9,5 tỷ USD, chiếm 26%. Trong đó, có 5 dự án đầu tư nước ngoài, 28 dự án đầu tư bằng nguồn vốn khác, 85 dự án chưa được thực hiện và 9 dự án thuộc Hà Nội, nhưng chưa được địa phương này báo cáo.
5 dự án đầu tư nước ngoài thu hút được, ngoài dự án của Sembcorp, Berjayra, còn có Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Mộc Châu, Dự án Sản xuất giống cây trồng ở Sơn La và Dự án Chăn nuôi gia súc, gia cầm và Chế biến thịt, sữa, thủy sản ở Tây Ninh. Nghĩa là, không có nhiều dự án quy mô lớn nhận được cái gật đầu của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy vậy, điểm tích cực là, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án đã thực hiện và đi vào hoạt động đã có những đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước và sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Dang dở các dự định lớn
TP.HCM là một trong những trọng điểm thu hút đầu tư nước ngoài. 6 năm trước, thành phố này đã đề xuất và được Chính phủ chấp thuận đưa 11 dự án vào Danh mục các dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020. Trong số đó, đáng chú ý có Dự án xây dựng nhà ga hành khách xe buýt tại Chợ Lớn hiện hữu; 3 dự án đường trên cao tuyến số 1, 2, 3; 2 tuyến tàu điện 1 ray (monorail) số 2 và số 3; tuyến xe điện mặt đất số 1; tuyến đường sắt đô thị (metro) số 6; Khu xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi); Khu Đô thị Đại học quốc tế (huyện Hóc Môn); các bệnh viện trong Cụm Y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh).
Nhưng đáng tiếc, sau một thời gian không ngắn, vẫn có tới 10/11 dự án chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài. Hiện chỉ có một dự án, là Khu đô thị Đại học Quốc tế thu hút được đầu tư Berjaya, nhưng cho đến nay vẫn chưa được triển khai xây dựng.
TP.HCM không phải là địa phương duy nhất lâm tình trạng như vậy. Bởi ngoài việc Hà Nội chưa có báo cáo đối với 9 dự án quốc gia kêu gọi đầu tư, thì còn có tới 85 dự án chưa được nhà đầu tư “xuống tay”.
Trong số các dự án này, đáng kể nhất có lẽ là Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong (Khánh Hóa), quy mô 8 tỷ USD. Dự án này trên thực tế đã có chủ trương đầu tư từ hơn 10 năm trước, nhưng sau nhiều năm “dập dìu” nhà đầu tư nước ngoài tìm đến, Dự án vẫn không thể triển khai.
Đúng ra là cuối năm 2014, JX Nippon Oil & Energy (Nhật Bản) đã cùng Petrolimex đã ký thỏa thuận chiến lược, mở đường cho đối tác này tham gia Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong. Tuy nhiên, sau đó, không có bất cứ động thái nào là tích cực. Tháng 10/2019, Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng triển khai Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong.
Dự án Trung tâm Điện lực Bình Định cũng không khá hơn, khi lâm cảnh dở dang. Trước đây, Dự án do Công ty cổ phần Năng lượng Sài Gòn - Bình Định (thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn) làm chủ đầu tư, song vì không triển khai, nên bị thu hồi và cho đến nay, vẫn dang dở.
Rất nhiều dự án lớn khác cũng như vậy.
Đâu là nguyên nhân?
Còn nhớ, vào thời điểm cuối tháng 4/2014, Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020 được Chính phủ ban hành, dư luận đã rất chú ý, bởi Danh mục có cách tiếp cận theo ngành, chứ không phải theo địa phương như trước. Và cũng chỉ một số ngành được lựa chọn để tập trung thu hút đầu tư nước ngoài ở tầm quốc gia theo định hướng của Chính phủ trong giai đoạn tới. Đó là các ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kết cấu hạ tầng xã hội, nông nghiệp, bảo quản - chế biến và các lĩnh vực sản xuất - dịch vụ. Các hình thức thu hút đầu tư cũng rất phong phú, bao gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); hợp tác công - tư (PPP), trong đó có BOT; ODA… Đây là tài liệu quan trọng để Việt Nam thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài.
Cũng vào thời điểm đó, rất nhiều kỳ vọng được đặt vào các dự án quy mô lớn, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, khó có thể nói là chúng ta đã thành công trong thực hiện Danh mục.
Nguyên nhân thì có nhiều, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân căn bản nhất là một số dự án trong Danh mục sau một thời gian ban hành đã không còn khả thi để thực hiện, do thị trường, công nghệ, quy hoạch đã thay đổi, hoặc do cơ quan chức năng dừng triển khai, như Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong.
Đó là những nguyên nhân khách quan, nhưng cũng có những nguyên nhân chủ quan. Chẳng hạn, Danh mục 2014 chủ yếu là các dự án kết cấu hạ tầng giao thông (19 dự án), nên đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, nhưng lại thiếu những chính sách khuyến khích đầu tư hấp dẫn và đặc biệt, chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư theo thông lệ quốc tế.
Cũng có nguyên nhân từ việc nguồn lực, kinh phí chuẩn bị và thủ tục để kêu gọi đầu tư đối với các dự án lớn không có…
Trên thực tế, Việt Nam đã nhiều lần ban hành các danh mục dự án thu hút đầu tư, qua từng giai đoạn khác nhau, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thông tin và cơ hội tiếp cận cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Nhưng điểm lại, thành công không nhiều.
Bởi thế, vào thời điểm Danh mục 2014 chuẩn bị được ban hành, không ít chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự băn khoăn về việc liệu các nhà nhà đầu tư nước ngoài có lựa chọn các dự án này để đầu tư hay không. Sau 6 năm, câu trả lời là họ đã không chọn.
Bởi thế, khi Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 đang được dự thảo, thì trách nhiệm một lần nữa đè nặng lên vai các cơ quan quản lý và các địa phương. Chọn dự án nào để nhà đầu tư không… chê? Rõ ràng, cần phải có một cách làm rất khác…
Trong Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài ban hành năm 2014, còn hàng loạt dự án lớn khác vẫn dở dang, như Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I (vốn đầu tư 5,62 tỷ USD); Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (3,52 tỷ USD); Đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa và Thanh Hóa - Nghi Sơn (1,867 tỷ USD); Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu (5 tỷ USD); Dự án Nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (2,3 tỷ USD); Tuyến đường sắt đô thị số 6 TP.HCM (1,25 tỷ USD)…
(Còn tiếp)