Bước tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021 của Licogi 14 đến từ hoạt động đầu tư chứng khoán.
CTCP Licogi 14 vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 sau kiểm toán, với nhiều điểm đáng chú ý.
Theo đó, Licogi 14 ghi nhận doanh thu thuần cả năm là 167 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2020. Trừ đi giá vốn, lãi gộp đạt 75 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2020.
Điểm nổi bật trên báo cáo tài chính của Licogi 14 năm qua là doanh thu hoạt động tài chính, đạt gần 398 tỷ đồng, tăng 22 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Nhờ vậy, sau khi trừ đi các chi phí và thuế, công ty ghi nhận lãi ròng 372 tỷ đồng, lãi thuộc về cổ đông công ty mẹ là 215 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu là 8.103 đồng.
Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Licogi 14 đạt 1.163 tỷ đồng, tăng 128% so với đầu năm.
Giải trình về những số liệu tăng trưởng ấn tượng này, Ban lãnh đạo Licogi 14 cho bỉết, sau khi tái cấu trúc CTCP Licogi 14.6 đổi tên thành CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14 (LFI), công ty đã thực hiện phương án đầu tư tài chính từ quý III/2021 đến hết quý IV/2021.
"HĐQT công ty mẹ - Licogi 14 và HĐQT LFI đã rất nhạy bén, quyết định đúng thời cơ, thời điểm để đầu tư một số mã cổ phiếu đạt hiệu quả ấn tượng nên doanh thu, lợi nhuận tăng so với cùng kỳ. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm tăng lợi nhuận năm 2021 so với năm trước", lãnh đạo L14 cho hay.
Đầu tư tài chính: Nắm giữ khối lượng lớn cổ phiếu CEO, DIG giá thấp
Chiếm phần lớn tổng tài sản của Licogi 14 là 746 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, tăng gấp 3,6 lần so với đầu năm. Nếu như đầu năm 2021, tiền gửi ngân hàng của công ty là gần 209 tỷ đồng, thì đến cuối năm, tiền gửi ngân hàng tăng lên 260 tỷ đồng. Đặc biệt, danh mục chứng khoán kinh doanh của Licogi 14 ghi nhận giá trị là 486 tỷ đồng, trong khi đầu năm không có.
Nhìn chung, các số liệu không có nhiều khác biệt so với báo cáo tài chính quý IV/2021 mà công ty tự lập trước đó.
Điểm thú vị trên báo cáo này so với báo cáo tài chính tự lập là Licogi 14 đã hé lộ chi tiết danh mục đầu tư tài chính của mình.
Tại thuyết minh, Licogi 14 cho biết đang nắm hơn 7,5 triệu cổ phiếu CEO và gần 2,9 triệu cổ phiếu DIG vào ngày 31/12/2021. Trung bình, giá gốc mỗi cổ phiếu CEO mà Licogi 14 nắm giữ là 39.369 đồng, mỗi cổ phiếu DIG là 65.169 đồng.
Danh mục đầu tư tài chính của Licogi 14. |
CEO và DIG là 2 mã cổ phiếu được quan tâm đặc biệt trên thị trường trong thời gian qua, trong đó ít nhiều có hiệu ứng từ những đánh giá, phân tích trong các video được chia sẻ trên mạng xã hội, diễn đàn, của ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Thành viên HĐQT Licogi 14 - người được biết đến với danh xưng “A7” hay “Anh Bảy”. Ngoài danh mục đầu tư của Licogi 14, bản thân ông Tuấn cũng nhiều lần khẳng định cá nhân ông cũng sở hữu cổ phiếu CEO và DIG.
Trên thị trường, không ít nhà đầu tư cá nhân và tổ chức cũng đang đặt niềm tin vào những mã cổ phiếu trong danh mục của “A7”, có thể kể đến như CTCP Đầu tư và phát triển công nghệ Văn Lang (mã VLA - HNX) cũng đang sở hữu danh mục đầu tư gồm 2 mã cổ phiếu này.
Dữ liệu lịch sử cho thấy, cổ phiếu CEO từng chạm đỉnh 100.000 đồng/cổ phiếu (phiên 10/1) và cổ phiếu DIG từng chạm đỉnh 125.000 đồng/cổ phiếu (phiên 12/1/2022).
Nếu vẫn giữ đủ lượng cổ phiếu này đến hết phiên giao dịch cuối tuần qua (4/3), Licogi 14 đang tạm lãi 80% với khoản đầu tư vào CEO và 48% với khoản đầu tư vào DIG.
Tuy nhiên, có thể Licogi 14 cũng thường xuyên trading các cổ phiếu này trong quý IV để ghi nhận lợi nhuận, bởi tại mục phải thu ngắn hạn, Licogi 14 có hạch toán 90 tỷ đồng vào “Tiền bán chứng khoán chờ về”.
Bên cạnh đó, trong năm qua, Licogi 14 cũng đã giảm tỷ lệ sở hữu tại LFI từ 80% xuống còn 51%. Theo trình bày trong thuyết minh, có thể hiểu LFI không thay đổi vốn điều lệ 110 tỷ đồng trong năm qua, do đó việc thoái một phần vốn của Licogi 14 tại LFI có thể được hạch toán vào doanh thu tài chính.
Licogi 14 đã giảm tỷ lệ sở hữu tại LFI từ 80% (đầu năm) xuống còn 51% |
Mặc dù có gần 260 tỷ đồng tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn, nhưng Licogi 14 cũng sử dụng margin rất hiệu quả. Trong năm 2021, vay ngắn hạn của công ty tăng 1.785 tỷ đồng, giảm 1.624 tỷ đồng, chủ yếu phát sinh từ nghiệp vụ vay ký quỹ và ứng trước tiền bán chứng khoán. Tại ngày 31/12/2021, tổng nợ ngắn hạn của Licogi 14 là 161,5 tỷ đồng, trong đó vay ký quỹ là 57,3 tỷ đồng, công ty chứng khoán ứng trước tiền bán chứng khoán 80,2 tỷ đồng.
Đầu tư bất động sản: Trọng tâm là dự án Nam Minh Phương
Bên cạnh đầu tư tài chính thì đầu tư bất động sản cũng là lĩnh vực quan trọng trong hoạt động kinh doanh của Licogi 14.
Mảng kinh doanh đem lại hiệu quả cao nhất trong doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Licogi 14 năm 2021 là từ việc bán bất động sản. Cụ thể, doanh thu bán bất động sản năm 2021 của Licogi 14 là 84,5 tỷ đồng, chiếm quá nửa tổng doanh thu, trong khi giá vốn chỉ là 13,2 tỷ đồng. Các mảng kinh doanh còn lại mặc dù đều kinh doanh trên giá vốn, song hiệu suất không thể bằng lĩnh vực bán bất động sản.
Về các dự án đang triển khai, theo giải trình của công ty, dự án khu đô thị Nam Minh Phương một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Phú Thọ. Công ty cho biết vẫn đang quyết liệt cùng các cấp chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Dự kiến trong quý III/2022 sẽ khởi công, san nền hạ tầng kỹ thuật, xã hội sau khi được Nhà nước giao đất.
Ngoài ra, công ty còn đang tài trợ quy hoạch phân khu chức năng 1/2000 Dự án khu nhà ở, khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp hồ Phượng Mao, huyện Thanh Thuỷ và du lịch trải nghiệm thác Đá Mài quy mô 385,5 ha; Dự án khu đô thị sinh thái trung tâm huyện Phù Ninh quy mô 91 ha đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; và một số dự án khác đang nghiên cứu, điều tra khảo sát ở một số địa phương khác cho định hướng tương lai.