Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi chưa quy định về "giao dịch ký quỹ" mặc dù thị trường đang chờ đợi - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi chưa quy định về "giao dịch ký quỹ" mặc dù thị trường đang chờ đợi - Ảnh minh họa: Hoài Nam

Đánh giá tác động của dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi

(ĐTCK-online) Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi). Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua luật này tại kỳ họp lần thứ 8 Quốc hội khoá XII từ ngày 20/10 đến ngày 27/11/2010.

Những thay đổi chính

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi tập trung chủ yếu vào việc luật hoá một số quy định về phát hành riêng lẻ, phát hành ra công chúng, bắt buộc công ty chào bán ra công chúng phải cam kết có kế hoạch đưa cổ phiếu chào bán vào giao dịch tập trung trong vòng 6 tháng…

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Chứng khoán tăng thẩm quyền cho Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính được quyền quyết định các dịch vụ tài chính mà CTCK được phép cung cấp. Việc này gián tiếp nghiêm cấm CTCK mở sàn giao dịch OTC, sàn vàng hay những dịch vụ tương tự. Tuy nhiên, với việc quy định theo hướng mở trao cho Bộ Tài chính quyết định các dịch vụ tài chính khác mà CTCK được phép cung cấp, đây là tiền đề cho việc Bộ Tài chính đưa ra các sản phẩm dịch vụ mới trong tương lai như giao dịch ký quỹ, bán khống...

 

Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán không còn là "độc quyền" của công ty quản lý quỹ

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi không đề cập chỉ công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán mới được thực hiện quản lý ủy thác danh mục đầu tư. Nếu như vậy, chức năng này không còn là độc quyền của công ty quản lý quỹ, mà có thể mở rộng ra cho đối tượng như là CTCK, góp phần "hợp lý hoá" các hoạt động tư vấn đầu tư cho khách hàng hiện nay của một số CTCK. Tuy nhiên, các nghiệp vụ của CTCK (Điều 60 Luật Chứng khoán hiện tại) do đó cần phải bổ sung nghiệp vụ này.

 

Yêu cầu giao dịch cổ phiếu, trái phiếu chào bán ra công chúng trong thời hạn 6 tháng

Dự thảo Luật Chứng khoán quy định tổ chức phát hành ra công chúng phải có kế hoạch và cam kết đưa cổ phiếu giao dịch tại thị trường chứng khoán (HOSE, HNX hoặc UPCoM) trong thời hạn 6 tháng, kể từ khi kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng. Đây là điều kiện bắt buộc để được chào bán ra công chúng.

 

Thắt chặt hơn quản lý an toàn của CTCK, công ty quản lý quỹ

Dự thảo Luật Chứng khoán quy định, giao cho Bộ Tài chính ban hành và kiểm tra các chỉ tiêu an toàn cho CTCK, công ty quản lý quỹ. Cho đến nay, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo quy định và dự kiến công bố chính thức sau khi Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi.

 

Tác động ra sao tới TTCK?

Nhìn chung, những thay đổi của dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi này là không nhiều, không tạo ra một diện mạo mới cho TTCK như khi Luật Chứng khoán 2006 ra đời.

Tác động lớn nhất có lẽ là khả năng mở "room" cho CTCK có thể được thực hiện nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư. Điều này cũng hợp lý, vì thực tế hiện nay, nhiều CTCK đang thực hiện tư vấn đầu tư cho khách hàng, trong khi nhiều khách hàng có nhu cầu nhờ CTCK quản lý danh mục đầu tư. Ngoài ra, xu hướng của toàn cầu và cả Việt Nam hiện nay là các quỹ đóng chuyển sang quỹ mở vàđa dạng quản lý danh mục để gọn nhẹ, linh hoạt, chịu phí thấp hơn. Khi đó, CTCK sẽ linh hoạt hơn công ty quản lý quỹ để thực hiện nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư, nhất là phù hợp với số đông nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam. Tuy nhiên, giả sử dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua, để thực hiện được trên thực tế thì thị trường còn cần chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Một tác động quan trọng khác của dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi nằm ở quy định các công ty phát hành ra công chúng phải niêm yết trên HOSE, HNX hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM trong vòng 6 tháng. Nhìn chung, đây là xu hướng đưa các công ty đại chúng hoặc sắp đại chúng lên sàn, để làm doanh nghiệp thêm minh bạch và nhà đầu tư thêm lựa chọn đầu tư. Cũng nên tránh hiểu đây là việc tăng cung, vì chỉ là chuyển từ giao dịch OTC sang niêm yết.

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi giao cho Bộ Tài chính quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính cũng tương tự như Ngân hàng Nhà nước kiểm soát an toàn tài chính các các ngân hàng. Xu hướng của toàn thế giới cũng như Việt Nam là tăng cường tính an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính tiền tệ, thể hiện rõ nhất gần đây là Thông tư 13/2010/TT-NHNN và Thông tư 19/2010/TT-NHNN đối với hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi hiện nay của Bộ Tài chính nhiều khả năng cũng sẽ có tác động tới các CTCK như "Thông tư 13" và tác động nhiều nhất tới nghiệp vụ tự doanh của CTCK.

Tuy đề cập nhiều nội dung quan trọng, nhưng dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi chưa quy định về "giao dịch ký quỹ". Trong khi đó, Bộ Tài chính đã cho ra dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động giao dịch mua chứng khoán ký quỹ. Thực tế, hoạt động giao dịch ký quỹ ít nhiều đã thực hiện ở một số CTCK, do đó rất cần một khuôn khổ pháp lý ở cấp độ Luật để tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động này.