Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành sắc lệnh áp thuế mới, gây chấn động thương mại toàn cầu. Theo sắc lệnh này, Mỹ áp mức thuế cơ bản 10% với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ ngày 5/4, đồng thời thiết lập mức thuế đối ứng cao với các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn.
Đáng chú ý, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức thuế lên tới 46%, vượt xa dự báo của thị trường.
Khác với phản ứng trả đũa của một số quốc gia, Việt Nam lựa chọn hướng đi đối thoại. Việc ban hành Chỉ thị 06 và Nghị định 73, điều chỉnh thuế suất và khuyến khích nhập khẩu hàng thiết yếu từ Mỹ, thể hiện nỗ lực tháo gỡ căng thẳng. Ngoài ra, việc thử nghiệm dịch vụ Starlink của SpaceX tại Việt Nam cũng được nhìn nhận như một dấu hiệu thiện chí trong hợp tác công nghệ song phương.
Trong báo cáo nhanh bình luận về động thái áp thuế từ Mỹ và tác động tới Việt Nam, VCBS cho rằng, mặc dù sắc lệnh này có thể gây áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn, song các yếu tố vĩ mô như lạm phát và điều hành tiền tệ vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Lạm phát hiện vẫn trong giới hạn mục tiêu, phần lớn nhờ khả năng tự chủ về lương thực và sự linh hoạt trong chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Báo cáo cũng phân tích tác động cụ thể đến từng ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với mức độ ảnh hưởng có sự phân hóa rõ nét:
Vật liệu xây dựng và ngành thép: Không nằm trong “tầm ngắm” mới
Theo đánh giá của VCBS, nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng, đặc biệt là ngành thép đang ở vị thế ít bị tác động nhất từ chính sách thuế mới. Các doanh nghiệp như Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG) và Nam Kim (NKG) vốn đã chịu mức thuế 25% theo Mục 232 từ trước, nhưng không nằm trong danh mục chịu thuế theo Mục 301 lần này. Hơn nữa, tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm từ 2 - 10%, giúp giảm thiểu tác động ngắn hạn.
Dù vậy, HSG và NKG đang trong quá trình bị điều tra chống bán phá giá tại Mỹ - đây là rủi ro tiềm ẩn nếu kết luận bất lợi được đưa ra (Thực tế, ngày 4/4, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố quyết định sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu với một số nước, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, Hoa Sen chịu mức thuế cao nhất là 59%, Tôn Đông Á bị áp mức 39,84%, China Steel & Nippon Steel Việt Nam, Công ty Tôn Hòa Phát (thuộc Tập đoàn Hòa Phát), Thép Nam Kim bị đánh thuế 49,42% - BTV). Với Nhựa Bình Minh (BMP), không có hoạt động xuất khẩu sang Mỹ, nên hoàn toàn không bị ảnh hưởng – một điểm sáng nổi bật trong bối cảnh ngành đang có nhiều biến động.
VCBS cho rằng, trong trung hạn, các doanh nghiệp cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường và củng cố vị thế nội địa để tăng sức chống chịu với xu thế bảo hộ thương mại đang ngày càng rõ rệt.
![]() |
Dệt may là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất với chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ. |
Dệt may: Ngành chịu tổn thương rõ nét nhất
Khác với ngành vật liệu xây dựng, dệt may là ngành bị tác động tiêu cực mạnh nhất do sắc lệnh thuế mới. Theo VCBS, các doanh nghiệp như May Sông Hồng (MSH), TNG và Tập đoàn Dệt May (VGT) có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ lần lượt là 80%, 46% và 35%, nên việc mức thuế tăng lên đến 18,8% khiến khả năng cạnh tranh sụt giảm nghiêm trọng.
Ngoài ra, việc Mỹ dành ưu đãi thuế thấp hơn cho Ấn Độ và Bangladesh khiến dệt may Việt Nam gặp thêm bất lợi. Tuy nhiên, TCM là điểm sáng, khi chỉ còn 13% doanh thu xuất khẩu đến từ thị trường Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2025 nhờ chiến lược đa dạng hóa thị trường.
Trong chuỗi cung ứng, ngành sợi cũng bị kéo theo. Do phụ thuộc đầu ra từ các công ty may mặc, doanh nghiệp như Sợi Thế Kỷ (STK) có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp khi đơn hàng sụt giảm.
Cảng biển và vận tải: Giảm doanh thu do lưu lượng hàng hóa sụt giảm
VCBS đánh giá tiêu cực với nhóm logistics và vận tải biển do phụ thuộc lớn vào xuất nhập khẩu. Khi hàng hóa Việt Nam sang Mỹ gặp rào cản thuế, lưu lượng hàng qua cảng giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu.
Đặc biệt, Container Việt Nam (VSC) hoạt động tại Hải Phòng - nơi chiếm tới 30% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu cả nước, nên khả năng bị tác động là rõ rệt. Trong khi đó, Hải An (HAH) không chỉ vận hành cảng mà còn sở hữu đội tàu container, do đó chịu rủi ro kép từ sụt giảm hàng hóa và chi phí vận tải tăng.
Ngân hàng: Tác động trung lập
VCBS đánh giá ngành ngân hàng chỉ chịu tác động gián tiếp từ chính sách thuế mới của Mỹ. Mức ảnh hưởng không quá lớn do dư nợ cho vay xuất khẩu và FDI lần lượt chỉ chiếm khoảng 5% và 2% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Tuy nhiên, các ngân hàng quốc doanh như VCB, CTG, BID và nhóm đang đẩy mạnh tín dụng FDI như VPB, TCB, MBB có thể đối mặt với thách thức ngắn hạn trong mở rộng cho vay.
Dầu khí, điện nước, bán lẻ: Ảnh hưởng ở mức cục bộ
Dầu khí được đánh giá trung lập. Các doanh nghiệp như PVS, PVD, GAS có nhiều hợp đồng dài hạn nên ít chịu tác động. GAS có thể hưởng lợi nếu xuất khẩu LNG sang Mỹ tăng, trong khi BSR và PLX đối mặt rủi ro do nhu cầu giảm và chi phí logistics tăng.
Điện - nước như REE, POW, NT2 có nguồn thu ổn định từ nội địa, ít phụ thuộc xuất khẩu. Tuy nhiên, tỷ giá biến động vẫn là yếu tố cần lưu ý nếu USD tiếp tục tăng.
Ngành bán lẻ chịu ảnh hưởng gián tiếp do giá hàng nhập khẩu tăng, đồng thời tâm lý tiêu dùng có thể yếu đi. Các doanh nghiệp như PNJ, MWG, DGW, FRT gặp thách thức trong việc duy trì biên lợi nhuận khi giá vốn hàng hóa tăng.
Cao su và khu công nghiệp: Đối mặt thách thức dài hạn
Ngành cao su bị đánh giá tiêu cực do nhu cầu từ Trung Quốc và Mỹ sụt giảm, kéo theo giá bán và sản lượng giảm. Các doanh nghiệp như DPR, PHR, GVR có thể gặp khó trong việc duy trì biên lợi nhuận.
Với khu công nghiệp, dù chưa được VCBS phân tích chi tiết, nhưng về lý thuyết, nếu FDI sụt giảm do căng thẳng thương mại, hoạt động cho thuê đất và thu hút đầu tư mới sẽ gặp thách thức.
Bất động sản: Áp lực lớn, chính sách hỗ trợ chưa đủ lực
Bất động sản nhà ở (VHM, NLG, NVL, DIG...) chịu ảnh hưởng từ thu nhập người dân giảm, thanh khoản thị trường yếu, lãi vay cao. Mặc dù Chính phủ đã đưa ra một số gói hỗ trợ lãi suất, nhưng VCBS đánh giá các biện pháp này chưa đủ lực để xoay chuyển thị trường.
Bất động sản thương mại – đa ngành (VIC, VRE, HQC) được đánh giá trung lập do chưa có chính sách mới mang tính bứt phá. Tuy nhiên, trong dài hạn, nhu cầu mặt bằng thương mại và khách thuê có thể bị ảnh hưởng nếu tiêu dùng nội địa yếu đi.
Xây dựng và chứng khoán: Áp lực nặng nề
Ngành xây dựng (Coteccons - CTD, Hòa Bình - HBC, Vinaconex - VCG) đối mặt với nhiều khó khăn khi giải ngân đầu tư công chậm, giá nguyên vật liệu tăng và nhu cầu thị trường thấp.
Chứng khoán (SSI, HCM, SHS, VIX) bị đánh giá từ tiêu cực đến rất tiêu cực. Lãi suất cao khiến dòng tiền đầu tư suy yếu, thanh khoản thị trường giảm mạnh. Một số công ty có vốn chủ sở hữu lớn hơn có thể trụ vững hơn, nhưng nhìn chung triển vọng ngành vẫn ảm đạm trong ngắn hạn.
VCBS nhận định, sắc lệnh thuế của Tổng thống Trump là một "cú sốc" cần được theo dõi sát, đặc biệt từ giai đoạn đàm phán bắt đầu ngày 9/4. Nhóm ngành xuất khẩu, đặc biệt là dệt may và cảng biển, chịu tác động rõ rệt. Trong khi đó, các ngành như vật liệu xây dựng, ngân hàng và dầu khí đang có khả năng phòng vệ tốt hơn.