Đánh giá đúng hiện trạng
Thực trạng của kinh tế số được biểu hiện ở nhiều chỉ tiêu (như cơ sở sản xuất, lao động, vốn đang hoạt động, doanh thu, lợi nhuận trước thuế, thu nhập, nộp ngân sách…). Nhưng tổng hợp nhất là giá trị tăng thêm của hoạt động này, thể hiện ở tỷ lệ giá trị tăng thêm của kinh tế số trên GDP.
Ở phạm vi cả nước, tỷ lệ kinh tế số trên GDP của Việt Nam năm 2023 đạt 12,33%, thấp nhất so với 3 năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do sản xuất, xuất khẩu của các ngành kinh tế số lõi (máy tính, sản phẩm điện tử, quang học - chiếm hơn 30% tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số) bị giảm, có loại còn bị giảm sâu và đây là nguyên nhân có tính khách quan. Trong khi đó, tỷ trọng kinh tế số của các ngành dịch vụ, trong hoạt động quản lý, điều hành có xu hướng tăng - đây là một tín hiệu vui.
Tỷ lệ kinh tế số trên GDP của Việt Nam thấp xa so với tỷ trọng của Trung Quốc, nhưng cao hơn tỷ trọng của Mỹ, Thái Lan, Canada, Australia… Điều này phải chăng là do còn có sự khác nhau về khái niệm, phạm vi của kinh tế số…
Tỷ lệ kinh tế số trên GDP của Việt Nam thấp khá xa so với tỷ trọng theo mục tiêu đã đề ra (đến năm 2025 đạt 20%, đến 2030 đạt 30%). Điều đó đòi hỏi nhiệm vụ còn lại trong năm 2024, 2025 rất nặng nề, hoặc là cảnh báo về khả năng không đạt được mục tiêu.
Theo phạm vi của kinh tế số (gồm kinh tế số lõi - đầu vào của kinh tế số - và ứng dụng kinh tế số vào những ngành khác - đầu ra của kinh tế số), thì tỷ lệ trong các ngành kinh tế số lõi cao gần gấp rưỡi tỷ lệ kinh tế số ứng dụng vào các ngành khác. Điều đó chứng tỏ, cần đẩy nhanh sự hồi phục và phát triển kinh tế số lõi; mở rộng ứng dụng kinh tế số vào các ngành khác và vào hoạt động quản lý, điều hành - dư địa còn rộng lớn của kinh tế số.
Tỷ trọng kinh tế số trong nông, lâm nghiệp - thủy sản còn ở mức rất thấp, bởi trong nhóm ngành này hầu như không có kinh tế số lõi, việc ứng dụng kinh tế số còn rất hạn chế. Do vậy, cần chuyển nông nghiệp từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, khẩn trương áp dụng và mở rộng việc áp dụng kinh tế số vào ngành này để tăng kết nối, tiết kiệm chi phí, tăng giá trị tăng thêm.
Tỷ trọng kinh tế số trong công nghiệp - xây dựng đạt khá hơn, chủ yếu do kinh tế số lõi tập trung chủ yếu vào ngành này, đồng thời cũng bị ảnh hưởng lớn của nhu cầu quốc tế (như đã xảy ra thời gian qua); việc ứng dụng kinh tế số cũng chưa sâu rộng.
Tỷ trọng kinh tế số trong nhóm ngành dịch vụ hiện cao nhất nhờ có dư địa rộng và tỷ trọng kinh tế số lõi thuộc nhóm ngành công nghiệp - xây dựng gặp khó khăn. Dư địa của nhóm ngành này còn khá rộng, đặc biệt đối với những ngành có tỷ lệ kinh tế số còn thấp, như thú y, trợ giúp xã hội, chăm sóc, điều dưỡng tập trung, xử lý ô nhiễm, quản lý chất thải khác…
Mục tiêu và những vấn đề đặt ra
Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiều mục tiêu, trong đó có 6 mục tiêu cơ bản đến năm 2025 và năm 2030, như tỷ trọng kinh tế số/GDP là 20-30%; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành đạt tối thiểu 10-20%...
Mục tiêu đề ra rất cao, trong khi hiện trạng còn ở mức thấp, mà thời gian, nhất là đến năm 2025 đã rất gần. Trong đó, một vấn đề lớn và thách thức đầu tiên là nhận thức đối với kinh tế số là vấn đề quan trọng, mới, vấn đề khó, có tính tri thức cao.
Môi trường pháp lý và thể chế phát triển kinh tế số chưa hoàn thiện, đồng bộ. Mục tiêu tập trung vào sản xuất, còn ít về lao động, vốn đầu tư, doanh nghiệp, doanh thu, tỷ suất lợi nhuận… Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số còn nhiều hạn chế, cả về cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu, đường truyền, còn phân tán, thậm chí còn cát cứ, sự kết nối, liên thông còn hạn chế.
Nguồn nhân lực, nhất là về công nghệ thông tin còn ít về số lượng, yếu về chất lượng, không ít người còn chuyên môn đơn thuần… Số doanh nghiệp nội địa còn ít, nhỏ yếu… Nền kinh tế tiền mặt tuy đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao (tỷ lệ tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng trong tổng phương tiện thanh toán vẫn ở mức trên 11%). Khâu an ninh mạng, bảo mật an toàn thông tin còn hạn chế…