Đánh giá GRDP bình quân đầu người của các địa phương

0:00 / 0:00
0:00
Theo ước tính sơ bộ, GDP bình quân đầu người của cả nước năm 2022 đạt 4.110 USD. Trong đó, chỉ có 13 địa phương có GRDP lớn hơn mức bình quân cả nước.
Đánh giá GRDP bình quân đầu người của các địa phương

Có thể chia các địa bàn trong cả nước theo 4 mức GRDP bình quân đầu người.

Nhóm cao có mức từ 4.000 USD trở lên, gồm 13 tỉnh/thành phố. Nhóm này có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký lũy kế của các dự án còn hiệu lực đạt cao. TP.HCM đứng thứ nhất với 55,12 tỷ USD. Tiếp đến là Bình Dương với 39,74 tỷ USD; Hà Nội 38,66 tỷ USD; Đồng Nai 35,08 tỷ USD; Bà Rịa - Vũng Tàu 33,34 tỷ USD; Hải Phòng 25,54 tỷ USD; Bắc Ninh 24,67 tỷ USD; Vĩnh Phúc 6,76 tỷ USD; Quảng Ninh 10,13 tỷ USD; Thái Nguyên 11,38 tỷ USD; Đà Nẵng 3,93 tỷ USD; Hưng Yên 6,80 tỷ USD...

Các địa phương này có cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng chuyển từ những ngành có năng suất lao động thấp sang ngành có năng suất lao động cao…

Đây là nhóm có kim ngạch xuất khẩu lớn trong năm 2022. TP.HCM đứng đầu với 47,55 tỷ USD. Tiếp đến là Bắc Ninh (45,06 tỷ USD), Bình Dương (34,33 tỷ USD), Đồng Nai (24,6 tỷ USD), Hải Phòng (24,96 tỷ USD), Hà Nội (17,13 tỷ USD), Vĩnh Phúc (8,71 tỷ USD), Bà Rịa - Vũng Tàu (6,10 tỷ USD), Quảng Ninh (4,13 tỷ USD), Thái Nguyên (29,88 tỷ USD), Đà Nẵng (2,11 tỷ USD), Hưng Yên (5,3 tỷ USD)…

Tuy nhiên, trong nhóm cao trên không có thành phố trực thuộc Trung ương là Cần Thơ; không có 2 địa phương nằm trong dự kiến nâng lên thành phố trực thuộc Trung ương là Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế. Trong nhóm này, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Ngãi lớn chủ yếu nhờ khai thác dầu mỏ và chế biến xăng dầu.

Nhóm trung bình cao có mức từ 3 tỷ USD đến dưới 4 tỷ USD, gồm 17 tỉnh, thành phố đứng từ thứ 14 đến 30.

Đây là những địa bàn có lượng vốn đầu tư nước ngoài lớn, như Long An (13,06 tỷ USD), Hà Nam (5,42 tỷ USD), Hải Dương (8,89 tỷ USD), Tây Ninh (9,20 tỷ USD), Bình Phước (3,73 tỷ USD), Bắc Giang (10 tỷ USD), Bình Thuận (2,82 tỷ USD), Khánh Hòa (4,39 tỷ USD), Quảng Nam (6,06 tỷ USD).

Đây cũng là những địa bàn có chuyển dịch khá về cơ cấu kinh tế.

Nhiều địa bàn trong nhóm này đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khá trong năm 2022, như Long An (7,04 tỷ USD), Lào Cai (1,02 tỷ USD), Hà Nam (4,03 tỷ USD), Hải Dương (9,98 tỷ USD), Tây Ninh (7,59 tỷ USD), Cần Thơ (1,72 tỷ USD), Bình Phước (4,16 tỷ USD), Bắc Giang (22,63 tỷ USD)...

Tuy nhiên, một số địa bàn trong nhóm này chuyển dịch cơ cấu còn khó khăn, kim ngạch xuất khẩu nhỏ.

Nhóm trung bình thấp có mức từ 2.000 USD đến dưới 3.000 USD/người, gồm 17 tỉnh/thành phố. Nhóm này có lượng vốn đầu tư nước ngoài khá như Thanh Hóa (14,72 tỷ USD), Kiên Giang (4,81 tỷ USD), Quảng Trị (2,73 tỷ USD), Bạc Liêu (4,55 tỷ USD), Phú Thọ (3,51 tỷ USD), Thừa Thiên Huế (4,24 tỷ USD)..

Có một số địa bàn có kim ngạch xuất khẩu khá, như Thanh Hóa (5,36 tỷ USD), Tiền Giang (4,67 tỷ USD), Đồng Tháp (2,07 tỷ USD), Thái Bình (2,72 tỷ USD), Đắk Lắk (1,59 tỷ USD), Sóc Trăng (1,52 tỷ USD), Nghệ An (1,80 tỷ USD), Nam Định (2,87 tỷ USD)... Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành phố trong nhóm này đạt mức thấp.

Nhóm thấp có mức dưới 2.000 USD/người, gồm 4 tỉnh miền núi phía Bắc. Đây là những địa bàn khó khăn về nhiều mặt, nhất là giao thông, đầu tư, xuất khẩu, thu ngân sách...

Tin bài liên quan