Chiều 25/10, Quốc hội bỏ phiếu thông qua danh sách 44 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV.
Tạo động lực phấn đấu, tinh thần trách nhiệm của người được bầu hoặc phê chuẩn
Theo đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu đoàn TP Hà Nội), việc lấy phiếu tín nhiệm rất quan trọng, được cử tri cả nước quan tâm. Đối với người giữ chức vụ, kết quả tín nhiệm là tấm gương soi, đánh giá của đại biểu Quốc hội (và cũng là của cử tri gửi gắm qua đại biểu Quốc hội) về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của họ. Từ đó, họ có thêm nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.
Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, việc lấy phiếu tín nhiệm là một cách thực hiện đúng chủ trương tạo điều kiện cho người dân giám sát hoạt động Nhà nước, tăng cường hơn nữa dân chủ xã hội, giúp xây dựng, củng cố Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu đoàn TP Hà Nội) |
Đối với cử tri, kết quả tín nhiệm là cơ sở để cử tri hiểu rõ hơn về những nỗ lực hoàn thành trách nhiệm, nhiệm vụ của người được bầu đối với cử tri cả nước.
"Như thế, việc lấy phiếu tín nhiệm hết sức có ý nghĩa, có thể tạo động lực phấn đấu, tinh thần trách nhiệm của người được bầu hoặc phê chuẩn; không khí dân chủ, tích cực trong xã hội. Tất cả giúp ích rất nhiều cho sự phát triển chung của đất nước", ông Sơn nói.
Có ý nghĩa "sơ kết" nửa nhiệm kỳ
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho biết, bà quan tâm nhiều đến hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này. Theo bà Nga, đây là hoạt động quan trọng của Quốc hội để đánh giá uy tín, năng lực của những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
"Một nửa nhiệm kỳ đã trôi qua, đây là lúc sơ kết những điều đã làm được và chưa làm được của các ngành, các lĩnh vực, trong đó vai trò của các "tư lệnh ngành"", vị đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) |
Ngoài ra, theo bà Nga, kết quả của lấy phiếu tín nhiệm cũng là sự ghi nhận, động viên của các đại biểu Quốc hội đối với những nỗ lực của những người được lấy phiếu; trên cơ sở đó cũng thẳng thắn nhìn nhận lại những yếu kém, tồn tại ở những ngành, lĩnh vực cụ thể kịp thời có những giải pháp để khắc phục.
Không chỉ các đại biểu Quốc hội mà đông đảo cử tri và nhân dân rất quan tâm đến hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 này. Cùng với hoạt động chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm luôn là hoạt động có "sức nóng" và "sức nặng" tại nghị trường.
Bị đánh giá sai trong lấy phiếu tín nhiệm, có thể chùn bước trong công tác
Đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, ông kỳ vọng các đại biểu khi lấy phiếu tín nhiệm đều đã cân nhắc, nghiên cứu kỹ; như Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu trong phiên khai mạc, lấy phiếu tín nhiệm phải thực sự công tâm, khách quan và có cái nhìn đa chiều. Việc đánh giá không được căn cứ vào yêu ghét cá nhân mà cần hiệu quả công việc phải đặt lên hàng đầu.
Trong đó, khi đánh giá về hiệu quả công việc, cũng không nhìn theo chiều hướng phiến diện mà phải nhìn trong bối cảnh chung, chẳng hạn tình hình thế giới, trong nước, rồi sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế ra sao… thì mới có đánh giá đa chiều được.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) |
"Nếu chỉ thấy hiệu quả một hoạt động thấp quá liền đánh giá thấp thì chưa toàn diện", ông Thức nói.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, theo đại biểu, có giá trị tích cực là người được lấy phiếu sẽ tự soi chiếu lại mình, coi đó là động lực. Nhưng mặt tiêu cực, khi không được đánh giá đúng với công sức, thành quả đạt được, không phải với cá nhân người được lấy phiếu tín nhiệm, mà với cả một bộ ngành, thì sẽ làm người được lấy phiếu buồn, từ đó, có thể khiến họ chùn bước trong công tác.
"Cho nên, tôi cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm kỳ này rất quan trọng và tôi hy vọng tất cả đại biểu đều đã đặt trách nhiệm rất lớn khi ghi vào phiếu đánh giá cho bất kỳ một cá nhân nào”, ông Thức nói.
Thiếu thước đo để đánh giá trước khi bỏ phiếu tín nhiệm
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn ĐBQH Cà Mau) cho hay, ở các nước, những người được lấy phiếu tín nhiệm phải có cam kết chính trị ban đầu, hay nói cách khác là phải có một khế ước giữa người được cơ quan quyền lực nhà nước giao trách nhiệm, giao nhiệm vụ và cam kết khi nhận nhiệm vụ thì mới có căn cứ để sau đó đánh giá.
Hiện nay, điều này với chúng ta rất khó bởi chỉ có những chức danh chủ chốt như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là có phát biểu nhậm chức.
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn ĐBQH Cà Mau) |
Còn những chức danh khác không có phát biểu này và cũng không có cam kết thực hiện nhiệm vụ khi bầu và phê chuẩn. Vì vậy, các đại biểu chỉ nhìn vào thực tiễn, xem người được lấy phiếu tín nhiệm làm được gì để đánh giá.
"Việc lấy phiếu tín nhiệm vào giữa nhiệm kỳ - thời gian không ngắn cũng không dài, nhưng có thể các đại biểu Quốc hội theo dõi được lộ trình giải quyết công việc theo chức năng, quyền hạn của những người chịu sự giám sát của Quốc hội mới có thể đánh giá được", ông Vân nói.
Vị đại biểu cho rằng để kết quả lấy phiếu tín nhiệm khách quan và dễ lượng hoá hơn, sau này chúng ta nên nghiên cứu để xây dựng thước đo cho lãnh đạo, từ đó có căn cứ cho đại biểu Quốc hội đánh giá.
"Chẳng hạn, một bộ trưởng khi nhận nhiệm vụ, cho dù không có cam kết trước Quốc hội, nhưng cũng cần có một bản chương trình hành động chỉ rõ trong nhiệm kỳ sẽ làm gì, giữa nhiệm kỳ làm gì, và phân kỳ tiếp theo, trong 6 tháng làm gì… Hiện nay, chúng ta mới đang thực hiện các quy định, chứ chưa phải đổi mới", Đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh thêm.