Sự phát triển của thị trường chứng khoán còn nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro.

Sự phát triển của thị trường chứng khoán còn nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro.

Đánh giá cụ thể kết quả xử lý vấn đề yếu kém trên thị trường tài chính

0:00 / 0:00
0:00
Thị trường tài chính vẫn trong giai đoạn khó khăn sau những vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua.

Nhận định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể kết quả xử lý các vấn đề yếu kém trên các thị trường này.

Phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Đây là nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào sáng 16/10, cùng với các báo cáo về kinh tế, xã hội sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu, khai mạc ngày 23/10 tới.

Trái phiếu doanh nghiệp bớt tăng trưởng nóng

Theo đánh giá của Chính phủ, trong giai đoạn 2021-2023, trên thị trường vốn, lãi suất được điều chỉnh linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời cung cấp vốn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp không còn tăng trưởng nóng như giai đoạn trước, được điều chỉnh, phát triển theo hướng bền vững hơn để có thể trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp.

Sự phát triển của thị trường chứng khoán còn nhiều biến động trong bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới có nhiều bất ổn. Hiện tượng thao túng giá, làm giá trên thị trường cổ phiếu đã được tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm. Nghĩa vụ công bố thông tin của công ty đại chúng, công ty niêm yết luôn được giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm theo quy định đối với những trường hợp vi phạm.

Các thị trường khác như thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường bảo hiểm mặc dù gặp khó khăn nhưng tiếp tục phát triển, Chính phủ nhìn nhận.

Đánh giá hạn chế, Chính phủ cho rằng, tình hình huy động qua các kênh cung ứng vốn khác cho nền kinh tế gặp khó khăn (thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài...), do đó, tạo sức ép lên vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam ở mức cao so với các nước đang phát triển có điều kiện tương đồng nên việc dựa nhiều vào cung ứng vốn từ hệ thống ngân hàng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự an toàn hệ thống, tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn, rủi ro thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, nhất là trong bối cảnh tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng cao trong khi huy động vốn của các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn.

Hạn chế tiếp theo được Chính phủ chỉ ra là sự phát triển của thị trường chứng khoán còn nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro. Trên thị trường cổ phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh, vẫn xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá và ngày càng tinh vi. Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh. Nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng nóng; cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối; chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa cao; tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế; sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin đã công bố, thiếu minh bạch.

Các doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản tín dụng hoặc nợ trái phiếu đến hạn, báo cáo nêu tiếp các hạn chế.

Các hạn chế trên, theo Chính phủ, các nguyên nhân chính bao gồm: Đặc thù pháp luật tài chính có liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác của các bộ, ngành nên thời gian trao đổi, thống nhất ý kiến với các bộ, ngành trong một số trường hợp còn mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Một số hoạt động kinh tế mới phát sinh chưa được điều chỉnh kịp thời. Quy định về mức xử phạt còn nhẹ, chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe. Công tác thanh tra, kiểm tra đã thực hiện nhưng chưa đáp ứng quy mô và tốc độ phát triển của thị trường, năng lực cho các tổ chức có chức năng thanh tra, giám sát thời gian tới cần tiếp tục được tăng cường.

Đặc biệt lưu ý mục tiêu bền vững, an toàn cho hệ thống tài chính quốc gia.

Thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, thị trường tài chính hiện vẫn trong giai đoạn khó khăn sau những vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua.

Cùng với bối cảnh thị trường tài chính quốc tế diễn biến phức tạp, rủi ro, trong thời gian tới Chính phủ cần đặc biệt lưu ý tới mục tiêu bền vững, an toàn cho hệ thống tài chính quốc gia, cơ quan thẩm tra lưu ý.

Vẫn theo Thường trực cơ quan của Quốc hội, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ chậm hoàn thiện, ảnh hưởng đến việc phát triển các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Thị trường bất động sản khó khăn, nhiều dự án bất động sản khó triển khai, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn trái phiếu và huy động vốn; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp trong khi thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội.

Đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể kết quả hoạt động và xử lý các vấn đề yếu kém trên thị trường tài chính, đặc biệt đối với thị trường bảo hiểm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản thời gian qua, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Thời gian tới, cơ quan của Quốc hội còn đề nghị Chính phủ tập trung duy trì ổn định, an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, nhất là các lĩnh vực đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Thường trực cơ quan thẩm tra cũng lưu ý rủi ro liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng. Thận trọng rủi ro nợ xấu khi đã chấm dứt chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

Giải pháp tiếp theo được báo cáo thẩm tra đề cập là đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng, xử lý thực chất và hiệu quả các ngân hàng yếu kém, chú trọng tăng cường tiềm lực cho hệ thống các ngân hàng thương mại bằng các giải pháp tăng vốn, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước.

Khắc phục, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường doanh thu các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng có giá trị gia tăng cao; tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, cơ quan thẩm tra lưu ý.

Tin bài liên quan