Đánh giá 2 năm thực thi Hiệp định UKVFTA

0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị tổng kết, đánh giá 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) sẽ được 2 bên tổ chức vào giữa năm 2023.
Tận dụng UKVFTA, xuất khẩu dệt may sang Anh đạt gần 800 triệu USD trong năm 2022, tawg trên 35% so với 2021.

Tận dụng UKVFTA, xuất khẩu dệt may sang Anh đạt gần 800 triệu USD trong năm 2022, tawg trên 35% so với 2021.

Hội nghị tổng kết, đánh giá 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) sẽ được 2 bên tổ chức vào giữa năm 2023. Thông tin vừa được đưa ra tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên với Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Lain Frew.

Gần đây nhất, Vương quốc Anh đã hoàn thành phiên đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) lần thứ 5 ở cấp Trưởng đoàn với sự tham dự của 11 nước thành viên CPTPP tại Phú Quốc, Kiên Giang.

Tại phiên đàm phán này, Việt Nam và Vương quốc Anh cũng thống nhất được phương án kết thúc đàm phán song phương, cột mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm nay.

Hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại song phương Việt - Anh đã có những bước tiến tích cực kể từ khi Hiệp định UKVFTA đi vào thực thi từ đầu năm 2021.

Bộ Công thương cho biết, dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều Việt - Anh vẫn đạt gần 6,6 tỷ USD năm 2021, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; nhập khẩu từ Anh 849 triệu USD, tăng 23,6%, cán cân thương mại nghiêng về Việt Nam xuất siêu hơn 4,8 tỷ USD.

Thương mại hai chiều Việt - Anh đạt 6,8 tỷ USD trong năm 2022, tăng 3,4 % so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 5,2%, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu lớn.

UKVFTA bao gồm các cam kết về thương mại, có ý nghĩa đặc biệt cho sự phát triển thịnh vượng và bền vững giữa hai nền kinh tế (Lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội…). Hiệp định được đàm phán dựa trên nền tảng các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), theo đó, về cơ bản gần như toàn bộ các cam kết về hàng hóa, dịch vụ, mở cửa thị trường đầu tư trong EVFTA vẫn được kế thừa trong UKVFTA với một số điều chỉnh cho phù hợp với mối quan hệ thương mại song phương giữa 2 nước.

Anh cam kết xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (từ 01/01/2021), xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế từ 01/01/2027, và 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan (với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%).

Với các cam kết này, nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, hoa quả, cà phê, gạo, dệt may, đồ gỗ… sẽ có lợi thế khi tiếp cận thị trường Anh, đặc biệt khi dư địa của thị trường này vẫn còn rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.

Chẳng hạn, hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả của Việt Nam cũng sẽ ngay lập tức được hưởng mức thuế suất ưu đãi UKVFTA 0%, giúp cho nhiều đặc sản của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, xoài… có thêm lợi thế tiếp cận thị trường Anh trong bối cảnh các nước đối thủ cạnh tranh như Brazil, Thái Lan, Malaysia… đều chưa có FTA với nước này.

Nhờ UKVFTA, các sản phẩm tôm của Việt Nam xuất khẩu sang Anh đã được xóa bỏ thuế quan về 0% ngay từ đầu năm 2021.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh xu thế chuyển dịch xanh trong thương mại hai nước và kêu gọi phía Anh tăng cường hỗ trợ để thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ xanh cho Việt Nam, thông qua đó thúc đẩy thương mại các sản phẩm thân thiện với môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường, tận dụng hiệu quả hiệp định UKVFTA.

Về đầu tư, tính đến tháng 12 năm 2022, Vương quốc Anh có 507 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đạt gần 4,2 tỷ USD, đứng thứ 15 trên tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong năm 2022, Vương quốc Anh có tổng cộng 53 dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 64,33 triệu USD.

Tin bài liên quan