Kết quả thực hiện Nghị quyết số 110/2023/QH15, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV về xem xét, xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là nội dung báo cáo vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hội.
Theo đó, lĩnh vực đất đai có trên 60 nội dung bất cập, vướng mắc gồm có 30 nội dung tại Luật Đất đai năm 2013 và 22 nội dung tại 8 nghị định và 9 nội dung tại 5 thông tư được kiến nghị xử lý.
Kết quả 30 nội dung vướng mắc, bất cập tại Luật Đất đai 2013 đã được xử lý tại Luật Đất đai năm 2024 và 2 nội dung tại Nghị định số 44/2014/NĐ-CP đã được xử lý tại Nghị định số 12/2024/NĐ-CP.
Đơn cử, Điều 58 Luật Đất đai hiện hành quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư là: Đối với các Dự án có diện tích thu hồi đất trồng lúa từ 10ha trở lên; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20ha trở lên theo quy định phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất mới được thực hiện thu hồi đất.
Bất cập ở đây là thủ tục xin chấp thuận phức tạp, nhiều thủ tục, qua nhiều bộ, ngành, mất nhiều thời gian ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn đầu tư công bố trí cho các dự án.
Vấn đề đã được xử lý tại Khoản 1 Điều 122 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 đã phân cấp cho HĐND cấp tỉnh, báo cáo nêu.
Chính phủ cho biết, 28 nội dung đang trong quá trình xử lý gồm 20 nội dung tại 7 nghị định và 8 nội dung tại 5 thông tư sẽ được nghiên cứu, xử lý trong quá trình xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024.
Chẳng hạn, điểm a khoản 1 Điều 65 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định đối với trường hợp tổ chức sử dụng đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng, được Nhà nước giao đất có thu tiền mà tiền sử dụng có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm nay chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất thì người sử dụng đất gửi thông báo hoặc văn bản trả lại đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến cơ quan tài nguyên và môi trường.
Quy định như vậy chỉ phù hợp với trường hợp người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất, đối với các trường hợp còn lại thì thực tế rất khó để yêu cầu các tổ chức gửi thông báo hoặc văn bản trả lại đất và giấy chứng nhận để làm thủ tục thu hồi vì mặc dù đã chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng nhưng vẫn cố tình giữ đất, không tự nguyện trả lại đất.
Nội dung liên quan đến Nghị định số 43/2014/NĐ-CP sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo cấp có thẩm quyền khi trình ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, bảo đảm phù hợp với Luật Đất đai số 31/2024/QH15 (trình ban hành trong năm 2024), báo cáo nêu tình hình xử lý.
Về thủ tục chấp thuận nhận chuyển nhượng và thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020) của Chính phủ quy định trường hợp tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp thì phải có văn bản chấp thuận cho phép nhận chuyển nhượng của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định thành phần hồ sơ để chấp thuận đầu tư phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền chấp thuận việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Việc tham gia ý kiến chấp thuận đầu tư (do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì) và việc tham gia ý kiến chấp thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư (do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì) được thực hiện riêng biệt, gửi các đơn vị có liên quan tham gia ý kiến để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc chấp thuận cho doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư đồng nghĩa với việc chấp thuận cho doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp. Thực hiện riêng biệt 2 thủ tục hành chính (thủ tục chấp thuận nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp và thủ tục chấp thuận đầu tư) sẽ làm tăng thời gian thực hiện thủ tục hành chính, phát sinh thêm chi phí của doanh nghiệp.
Hướng xử lý là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện lồng ghép thủ tục chấp thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp vào thủ tục chấp thuận đầu tư.
Tình hình xử lý là, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo cấp có thẩm quyền khi trình ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, bảo đảm phù hợp với Luật Đất đai số 31/2024/QH15 (trình ban hành trong năm 2024).
Ngoài ra, các vấn đề đang được xử lý còn liên quan đến quy định các trường hợp xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp khi đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất và nội dung xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp. Quy định về xác định đơn giá thuê đất để xây dựng công trình ngầm, trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất… cũng nằm trong các vấn đề đang được xử lý.
Báo cáo nêu, đối với các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc được chỉ ra tại Báo cáo 587/BC-CP ngày 20/10/2023 mà chưa hoàn thành việc xử lý (đang trong quá trình xử lý hoặc chưa được xử lý), Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện việc xử theo đúng chỉ đạo của Quốc hội.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu, sử dụng kết quả tại Báo cáo này là nguồn dữ liệu đầu vào phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới theo lộ trình đã được đề xuất.