Trong đề xuất của Bộ Công thương, các doanh nghiệp thương mại nêu trên sẽ được nhập khẩu mà không phải xuất trình Giấy ủy quyền chính hãng theo quy định hiện hành. Do thời gian ký hợp đồng đã quá lâu, các đời xe và chủng loại đã có nhiều thay đổi, nên Bộ Công thương dự tính cho phép các doanh nghiệp được ký phụ lục hợp đồng để điều chỉnh các thông số như năm sản xuất, đời xe, số lượng, đơn giá tương ứng các loại xe được nêu trong các hợp đồng thanh toán trước ngày 12/5/2011.
Được biết, số tiền các doanh nghiệp chưa nhập khẩu được hàng là 17,754 triệu USD trong tổng số 25,27 triệu USD đã chuyển tiền. Số lượng xe theo các hợp đồng đã chuyển tiền lên tới gần 2.000 chiếc.
Bà Trần Thị Thanh Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Lâm (trụ sở tại Hải Phòng - nơi còn số tiền khoảng 1,65 triệu USD được quy ra số lượng 51 chiếc xe) cho hay, sẽ tập trung nhập khẩu các thương hiệu như Lexus và không e ngại sự cạnh tranh của xe chính hãng, khi mới chỉ có một showroom chính hãng duy nhất lại ở TP.HCM.
Trong thống kê về loại xe của cơ quan chức năng đối với các doanh nghiệp còn lại như Công ty TNHH Bảo Tín Sơn Tùng, Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Logistic Đông Dương, Công ty TNHH Thương mại Thái Hoàng cũng hiện lên tên các nhãn hiệu xe sang như Lexus, BMW, Mercedes Benz, Audi, Poscher đều đã có đại diện bán hàng chính hãng tại Việt Nam.
Mặc dù không có số liệu thống kê chính thức về tỷ trọng xe sang trong tổng số xe ô tô các loại bán ra ở thị trường Việt Nam, nhưng theo ước tính của các hãng xe, con số này chiếm không đến 5.000 chiếc/năm. Ngay cả Mercedes Benz Việt Nam, dù tự hào công bố bán được nhiều xe nhất trong phân khúc này, nhưng cũng chỉ có tổng cộng 1.717 chiếc xe con và xe SUV được bán ra trong năm 2013.
Bởi vậy, việc có gần 2.000 chiếc xe sang không chính hãng ngấp nghé chờ được cơ quan hữu trách nhấc rào để nhập khẩu nốt trong 1 năm sẽ đe dọa không nhỏ tới sự bành trướng thị phần của các nhãn hiệu xe sang chính hãng đang hiện diện tại Việt Nam.
Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng ban Hoạch định chiến lược (Công ty Ô tô Toyota Việt Nam) cho hay, các doanh nghiệp chính hãng cũng khó có thể phản đối việc cho phép nhập khẩu trên, bởi đây là các hợp đồng cũ, đã được ký và chuyển tiền trước khi ban hành Thông tư 20. Vấn đề là cơ quan hữu trách phải kiểm soát sự chính xác của số lượng khai báo và thực tế chuyển tiền của các doanh nghiệp thương mại để không làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc.
“Đó là chưa kể, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ không được đảm bảo, bởi nếu xảy ra các vấn đề gì về chất lượng xe, dẫn tới phải triệu hồi để sửa chữa, thì các công ty thương mại này không chịu trách nhiệm gì với người tiêu dùng”, ông Tuấn nhận xét.
Trên thực tế, các dòng xe càng cao cấp thì lợi nhuận thu được tính trên mỗi đầu xe cho phía nhà sản xuất và người kinh doanh theo giá trị tuyệt đối càng tăng bởi chi phí bỏ ra ban đầu lớn hơn. Vì vậy, e ngại của các nhà nhập khẩu chính hãng về việc các doanh nghiệp thương mại tập trung nhập khẩu những loại xe cao cấp, có giá trị cao, bởi đằng nào cũng mất công, là có thể hiểu được.
Ông Tuấn cũng thừa nhận, dù không phải là việc dỡ bỏ Thông tư 20, nhưng nếu nhấc rào để cho doanh nghiệp thương mại tất toán các tồn tại do ban hành Thông tư 20, thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc bán hàng của Lexus.
Báo cáo của các doanh nghiệp với cơ quan chức năng đều nhắc tới thời hạn để hoàn tất việc nhập khẩu các hợp đồng còn lại là 9 -12 tháng, cá biệt có doanh nghiệp đề nghị gia hạn tới hết năm 2015.
Trước đó, từ ngày 7/9/2012 đến 7/12/2012, Bộ Công thương đã nhấc rào cho các doanh nghiệp thương mại được nhập khẩu xe về theo các hợp đồng đã chuyển tiền trước khi Thông tư 20 được ban hành. Tuy nhiên, hết thời gian này, các doanh nghiệp cho hay, họ vẫn chưa xử lý xong những vấn đề tồn tại, bởi thời gian nhấc rào quá ngắn.