Theo báo cáo, số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ đã tăng vọt lên ngưỡng 50.000 ca, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Nhiều chuyên gia dự báo, số ca nhiễm mới có thể lên tới 100.000 ca mỗi ngày nếu người Mỹ không đeo khẩu trang và thực hiện tốt giãn cách xã hội.
Trước làn sóng bùng phát dịch mới, Apple đã quyết định đóng cửa trở lại thêm nhiều cửa hàng, làm gia tăng nỗi lo cho giới đầu tư, khiến thị trường đảo chiều giảm trong phiên thứ Tư.
Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch thứ Năm, thị trường bất ngờ nhận thông tin tích cực từ báo cáo việc làm và tỷ lệ thất nghiệp.
Cụ thể, báo cáo tình hình việc làm của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, số lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng thêm 4,8 triệu và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 11,1% trong tháng 6. Con số này tích cực hơn rất nhiều so với mức dự báo sẽ tăng 3,15 triệu, với tỷ lệ thất nghiệp dự báo là 12,4%.
Ngoài ra, biên bản cuộc họp mới nhất của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát hành chiều thứ Tư nhắc lại rằng, Fed có thể sẽ tiếp tục kích thích nền kinh tế Mỹ thông qua các chính sách tiền tệ.
Những yếu tố tăng giá này đã làm lu mờ nỗi lo sợ đại dịch bùng phát trở lại, qua đó kéo nhà đầu tư trở lại với thị trường, giúp cả 3 chỉ số chính của phố Wall hồi phục trở lại.
Phố Wall sẽ nghỉ lễ Quốc khánh sớm trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 2/7, Dow Jones tăng 92,39 điểm (+0,36%) lên 25.827,36 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,15 điểm (+0,45%) lên 3.130,01 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 53 điểm (+0,52%), lên 10.207,63 điểm.
Dữ liệu việc làm tích cực của Mỹ cũng đẩy chứng khoán châu Âu tăng mạnh trong phiên thứ Năm, lên mức cao nhất 1 tuần. Báo cáo này đã làm lu mờ những lo lắng về đợt bùng phát mới của đại dịch Covid-19.
Kết thúc phiên 2/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 82,40 điểm (+1,34%) lên 6.240,36 điểm. Chỉ số DAX 30 tại Đức tăng 347,89 điểm (+2,84%) lên 12.608,46 điểm. Chỉ số 122,45 điểm (+2,49%) lên 5.049,38 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản vẫn tăng nhẹ dù Tokyo báo cáo tăng đột biến trong các trường hợp nhiễm mới Covid-19.
Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm khá mạnh, với chỉ số bluechip leo lên ở mức cao nhất trong 2 năm rưỡi, được thúc đẩy bởi quyết định của Bắc Kinh về việc tăng chi tiêu cho đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế.
Chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh sau ngày nghỉ lễ trước đó khi nhà đầu tư kỳ vọng luật an ninh mới sẽ khiến dòng tiền từ đại lục chảy mạnh vào chứng khoán đặc khu, bỏ qua thông tin Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cho phép xử phạt các ngân hàng làm ăn với các quan chức Trung Quốc, những người thực thi luật an ninh quốc gia.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng tăng khi giới đầu tư tỏ ra lạc quan với những tích cực trong phát triển thử nghiệm thuốc ngừa Covid-19.
Kết thúc phiên 2/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 24,23 điểm (+0,11%), lên 22.145,96 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 64,59 điểm (+2,13%), lên 3.090,57 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 697,00 điểm (+2,85%), lên 25.124,19 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 28,67 điểm (+1,36%), lên 2.135,37 điểm.
Sau phiên giảm mạnh hôm thứ Tư, giá vàng tiếp tục giảm trong nửa đầu phiên thứ Năm trên thị trường Mỹ sau báo cáo việc làm tích cực được công bố. Tuy nhiên, lực mua kỹ thuật sau đó đã giúp giá kim loại quý này quay đầu đảo chiều đi lên và đóng cửa lấy lại được phân nửa những gì đã mất trong phiên trước đó. Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng có thể chinh phục các ngưỡng kháng cự cao hơn, nên kích thích nhà đầu tư xuống tiền.
Kết thúc phiên 2/7, giá vàng giao ngay tăng 4,2 USD/ounce (+0,24%) lên 1.774,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 10,1 USD/ounce (+0,57%) lên 1.790 USD/ounce.
Dữ liệu việc làm Mỹ tích cực cũng giúp giá dầu thô tăng mạnh trong phiên thứ Năm, bỏ qua nỗi lo về sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid.
Kết thúc phiên 2/7, giá dầu thô Mỹ (WTI) tăng 0,83 USD/thùng (+2,10%) lên 40,65 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,11 USD/thùng (+2,60%) lên 43,14 USD/thùng.