“Bó tay” vì mặt bằng
Khi phản ánh về hoạt động khai thác khoáng sản trong Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp và nhà đầu tư năm 2023 vào cuối tháng 6, ông Hồ Minh Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nắng Ban Mai (gọi tắt là Công ty Nắng Ban Mai) cho rằng, có tình trạng “nghịch lý” đang tồn tại tại tỉnh Phú Yên.
Theo đó, tỉnh Phú Yên là địa phương được đánh giá trù phú về tài nguyên cát, đá, đất san lấp nhưng hiện nay lại đang thiếu trầm trọng.
Riêng Công ty Nắng Ban Mai, với 10 nhà máy bê tông đang hoạt động, mỗi ngày cần trung bình 5.000 -10.000 m3 cát để phục vụ sản xuất nhưng với tình trạng mỏ cát của tỉnh Phú Yên hiện nay thì “không còn đáp ứng đủ, doanh nghiệp bó tay”.
Để “chữa cháy”, doanh nghiệp phải xoay xở đi mua cát từ địa phương lân cận là huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định), sau đó vận chuyển về TP. Tuy Hòa, làm phát sinh thêm chi phí vận chuyển. “Điều này làm cho giá vốn các công trình, dự án do ngân sách Nhà nước chi trả và người dân sử dụng đều bị đội giá thành lên cao”, ông Hiếu chia sẻ.
Về nguyên nhân, theo ông Hiếu là do các bất cập liên quan đến đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ. Cụ thể, khi đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì thủ tục nhiêu khê, thời gian rất kéo dài.
Doanh nghiệp lại đối mặt trở ngại liên quan đến việc giải phóng đền bù, khi cấp xã, huyện “đẩy” nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm thỏa thuận với dân. Giá đền bù người dân đưa ra lại rất cao (dẫn chứng là 1 ha doanh nghiệp phải đền bù 1,23 tỷ đồng, 180.000 đồng/ 1 cây trồng).
Cùng với đó, các mỏ khoáng sản đều chưa có đường đi vào mỏ nên doanh nghiệp lại phải tiếp tục thỏa thuận đền bù với người dân.
Thực tế mà Công ty Nắng Ban Mai đang gặp gần như là tình trạng mà các doanh nghiệp khi trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại tỉnh Phú Yên đang phải đối mặt.
Cụ thể, 10 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được UBND tỉnh Phú Yên đưa ra đấu giá vào tháng 3/2023 và sắp tới là 19 mỏ khoáng sản chuẩn bị được đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản (đã được phê duyệt phương án đấu giá vào tháng 6/2023) đều có điểm chung về hiện trạng sử dụng đất.
Đó là tình trạng giải phóng mặt bằng khu vực mỏ đấu giá được UBND tỉnh Phú Yên nêu rõ trong phương án đấu giá là “đều có tài sản gắn liền với đất như cây keo, bạch đàn, mía, cây ăn quả...; đa số diện tích đất đã giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng”.
Do vậy, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải thực hiện giải phóng mặt bằng trước khi thuê đất để hoạt động khai thác khoáng sản…
Vướng do quy định
Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành quyết định hủy 6 kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 doanh nghiệp.
Trong đó, Công ty TNHH Phước Cát Vàng bị hủy 2 mỏ cát gồm mỏ sông Cái, thôn Tân Long, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, diện tích 5 ha, tài nguyên dự báo 150.000 m3; mỏ sông Đà Rằng tại thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa, diện tích 10 ha, tài nguyên dự báo 300.000 m3.
Tương tự, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Cát Vàng Phú Yên bị hủy mỏ cát tại sông Đà Rằng ở xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa với diện tích 10 ha, tài nguyên dự báo 300.000 m3.
Lý do UBND tỉnh Phú Yên hủy kết quả trúng đấu giá là quá thời hạn quy định 6 tháng (doanh nghiệp được công nhận kết quả đấu giá ngày 6/10/2022) nhưng 3 doanh nghiệp trúng đấu giá không nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản đối với khu vực trúng đấu giá.
Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, qua rà soát theo yêu cầu của UBND tỉnh liên quan đến các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư sau khi doanh nghiệp thỏa thuận bồi thường và đánh giá thực trạng trữ lượng; nhiều mỏ dù đã được phê duyệt trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản thì Sở vẫn chưa nhận được hồ sơ xin chủ trương cấp phép từ các công ty.
Lý giải về thực trạng này, ông Tiến nhận định, hầu hết là do các doanh nghiệp rất khó khăn, vướng mắc trong thỏa thuận đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các mỏ và phê duyệt trữ lượng, nên việc triển khai này rất chậm.
Ông Đặng Ngọc Anh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên thừa nhận, việc thăm dò, cấp phép mỏ vật liệu trên địa bàn tỉnh hiện nay đang được thực hiện khá chậm do phải thực hiện qua nhiều bước, áp dụng nhiều quy định.
Tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII ngày 6/7/2023, ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên giải trình, vì sao giá vật liệu xây dựng ở tỉnh cao, mỏ lại thiếu, cung không đủ cầu, có hiện tượng đầu cơ thì đã có tháo gỡ một phần từ Chính phủ vừa qua.
Song theo ông Hổ, “gốc rễ” vấn đề đến từ 2 lý do chính khi hiện nay, mỏ vật liệu xây dựng thông thường bị chi phối bởi 3 luật quy định gồm Luật Khoáng sản, Luật Đất đai và Luật Đầu tư.
Trong đó, để thực hiện quy trình cấp phép, Luật Khoáng sản xem đối tượng mỏ vật liệu xây dựng thông thường như là mỏ khoáng sản khác, có giá trị cao nên thực hiện quy trình đều giống nhau, quy trình rất là dài nên đây cũng là bất cập.
“Trong khi, lĩnh vực này lại không hấp dẫn nhà đầu tư lớn, nên trong các cuộc thảo luận của Chính phủ và các Bộ hiện đều đang có chủ trương điều chỉnh Luật Khoáng sản”, ông Hổ bổ sung.
Cũng theo ông Hổ, đối với Luật Đất đai, mỏ khoáng sản có thể phục vụ cho dự án đầu tư công nhưng lại không thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất. Do vậy, khi giao doanh nghiệp khai thác mỏ thì chủ đầu tư sẽ phải tiến hành thỏa thuận với người dân, nhưng gặp nhiều trường hợp khác nhau nên rất khó.
Về giải pháp, UBND tỉnh Phú Yên đã giao các sở, địa phương phối hợp xây dựng quy trình, trong đó xác định địa phương sẽ hỗ trợ cụ thể cho các chủ mỏ.
Điều này sẽ có lợi cho ngân sách Nhà nước bởi, như lời Phó chủ tịch tỉnh Phú Yên thì “cứ thả cho chủ đầu tư tự bơi, tự thỏa thuận với người dân thì dẫn đến giá đền bù cao; mà giá cao này thì đa phần Nhà nước sẽ gánh chịu khi sử dụng tiền ngân sách khi đi mua lại để đưa vào công trình”.
Ngoài giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, UBND tỉnh Phú Yên cũng đang giao cho các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu việc kết hợp nạo vét sông Kỳ Lộ, sông Ba để lấy cát từ việc nạo vét, đưa ra đấu giá thu tiền theo quy định.