Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đằng sau sự xuống dốc của một cổ phiếu ngân hàng

Ba bốn năm trước các nhà đầu tư thường theo dõi kỹ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng cổ phần niêm yết trên sàn TPHCM. Lý do là mỗi khi giá cổ phiếu này rớt về quanh 18.000 đồng, nhiều người giải ngân. Họ biết gần như chắc chắn tới giá đó cổ phiếu sẽ bật tăng lại, nên mua là có thể có lời 5-10%.

Sự giao dịch của họ không phải không có cơ sở. Dạo ấy một môi giới của một công ty chứng khoán lớn khẳng định chắc như đinh đóng cột, các cổ đông nắm cổ phần chi phối của tổ chức tín dụng nọ thế chấp cổ phiếu vay tiền ngân hàng ở mức giá thấp hơn chừng 10% so với thị giá 18.000 đồng kia, nên cứ về giá đó là có lực đỡ mua vào. Nếu không đỡ giá, thị giá cổ phiếu mất đà, người vay phải bổ sung tài sản đảm bảo hoặc bị giải chấp. Chuyện giải chấp cổ phiếu vốn dĩ nhạy cảm trên thị trường, nên các cổ đông lớn không bao giờ muốn nó xảy ra.

Bẵng đi vài năm, nay thị giá cổ phiếu trên chỉ còn nhỉnh hơn mệnh giá. Việc đỡ giá đã lùi vào dĩ vãng, nhà đầu tư cũng không còn được “ăn theo”. Anh chàng môi giới thâm niên kể trên lôi sổ ghi chép ra và nói vanh vách việc đỡ giá chấm dứt kể từ khi ông chủ to nhất của tổ chức tín dụng ấy giờ là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau khi nhận số cổ phần được tự nguyện ủy thác không hủy ngang, vô thời hạn của các cổ đông lớn tại đấy. NHNN nắm giữ trên 51% cổ phần rồi, đâu phải đỡ giá, mà đỡ làm gì? Không ai dại gì cạnh tranh với cổ đông nhà nước cả!

Giá cổ phiếu ngân hàng tưởng chìm vào quên lãng, hóa ra không phải vậy. Các ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, tổ chức tín dụng nào cũng phải trình đề án tái cấu trúc lên NHNN phê duyệt. Được chấp thuận rồi, cứ thế thực hiện. Nợ xấu phải xử lý, một phần nhờ trích lập dự phòng rủi ro, phần khác bán cho VAMC. Mỗi năm, thậm chí mỗi quí VAMC lên kế hoạch mua bao nhiêu nợ xấu là tự rà soát, cộng thêm tham khảo số liệu của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và cả báo cáo của chính các tổ chức tín dụng. Thường VAMC mua nợ chủ yếu của các khách hàng doanh nghiệp. Họ cũng mua các khoản nợ mà người vay là cá nhân tuy nhiên ít hơn nhiều. Các ngân hàng thừa nhận các khoản vay của cá nhân thấp hơn doanh nghiệp và họ trả sòng phẳng hơn. Nợ xấu do đó thấp hơn nợ xấu xuất phát từ khách hàng tổ chức. Đấy là lẽ thường. Cá nhân bình thường có mấy ai vay hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ?

Gần đây, theo một viên chức NHNN, VAMC chắc sẽ đau đầu và tá hỏa khi biết tổ chức tín dụng có cổ phiếu nói ở đầu bài, bày tỏ ý định bán cho VAMC tới mấy chục ngàn tỉ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu nợ của các cá nhân. Ông thốt lên riêng số lượng các cá nhân mà nợ vay ngân hàng trên dự kiến bán cho VAMC khoảng 100 người. Người nhiều thì nợ hàng ngàn tỉ đồng, người ít cũng 700-800 triệu đồng. Tổng số nợ xấu của 100 cá nhân đó không thấp hơn 20.000 tỉ đồng. Đây hẳn là kỷ lục của ngân hàng bán nợ của cá nhân cho VAMC!

Điểm lạ là các khoản nợ của những cá nhân đều diễn ra trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây và một số khoản đã được đảo nợ nhiều lần. Vị viên chức NHNN đặt câu hỏi liệu có chuyện cá nhân đứng tên vay tiền ngân hàng cho ai đó, cho doanh nghiệp nào đó không? Những khoản vay trăm tỉ, ngàn tỉ của cá nhân bắt buộc phải có tài sản thế chấp và ngân hàng thẩm định kỹ càng. Một ngân hàng để hàng trăm cá nhân không trả được nợ với số nợ xấu hàng chục ngàn tỉ đồng, rõ ràng khâu thẩm định trước khi cho vay có vấn đề.

Hiện tượng cá nhân đứng tên vay mượn tiền ngân hàng cho công ty hay cho chủ cơ sở đã từng được dư luận biết đến qua nhiều vụ án có liên quan đến một số tổ chức tín dụng được đưa ra xét xử công khai. Một số nhân viên các công ty cũng vì đứng tên cho doanh nghiệp mà chịu hàm oan.

Trở lại với VAMC, việc mua nợ xấu trong tương lai có thể sẽ không còn tấp cập như các năm 2013-2015 do tỷ lệ nợ xấu nói chung của hệ thống đã dưới 3% theo công bố chính thức của NHNN. Trong điều kiện đó, việc mua nợ với số lượng lớn của một tổ chức tín dụng càng cần phải thận trọng. Theo quy định, bán nợ cho VAMC càng nhiều, trích lập dự phòng rủi ro càng nhiều. Tổ chức tín dụng trên dự kiến bán cho VAMC mấy chục ngàn tỉ đồng nợ xấu, theo quy định mỗi năm phải trích dự phòng 20% số nợ đã bán cho VAMC, tức riêng số trích lập đã tới cả mươi ngàn tỉ đồng. Thử hỏi ngân hàng nào đạt hiệu quả kinh doanh cao ngất ngưởng thế để đủ tiền trích lập dự phòng rủi ro? Nhìn lại báo cáo tài chính năm 2015 của các tổ chức tín dụng cổ phần, ngân hàng trích lập dự phòng nhiều nhất cũng không quá 3.000 tỉ đồng. Có ngân hàng “xin khất” trích lập dự phòng trái phiếu của VAMC hoặc giảm mức trích lập xuống 10-15%, hoặc trích lập cho một nửa số trái phiếu VAMC đang sở hữu.

Tin bài liên quan