Tuy nhiên, E.ON đã gây bất ngờ lớn khi thông báo sẽ tách Tập đoàn thành hai bộ phận, với sự ra đời của một công ty mới vào năm 2016.
Theo đó, công ty mới sẽ chuyên về sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch và năng lượng nguyên tử, cũng như khai thác và sản xuất nhiên liệu hóa thạch; còn thương hiệu cũ E.ON sẽ chịu trách nhiệm trong lĩnh vực năng lượng tái sinh, phân phối và cung cấp các gói giải pháp cho khách hàng. Giám đốc điều hành của E.ON, Johannes Teyssen khẳng định, tách E.ON thành hai công ty riêng biệt sẽ giúp mỗi công ty có vai trò chuyên môn hóa tốt hơn trong nhiệm vụ của mình.
Chiến lược Energiewende của Đức hay còn được biết đến với tên gọi “chuyển đổi năng lượng” đã tác động đáng kể tới các công ty dịch vụ công cộng quốc gia. Sau thảm họa Fukushima tại Nhật Bản, Chính phủ Đức đặt mục tiêu đóng cửa tất cả nhà máy điện hạt nhân vào năm 2022.
Mặt khác, các nguồn năng lượng tái sinh được đầu tư và trợ cấp mạnh. Bằng chứng là năng lượng tái sinh được ưu tiên hơn trong mạng lưới điện quốc gia so với các nguồn điện năng truyền thống, khi các nhà điều hành dịch vụ được trả cao hơn giá thị trường cho mỗi Kwh điện mà họ cung cấp. Chính sách này đã tạo ra cuộc chạy đua trong sản xuất điện năng từ năng lượng tái tạo.
Energiewende được đưa ra tại thời điểm có thể coi là tồi tệ nhất đối với các tập đoàn dịch vụ công cộng như E.ON hay RWE, EnBW và Vattenfall. Họ đều đã đầu tư mạnh tay vào sản xuất điện truyền thống, trước khi cuộc chạy đua năng lượng tái tạo bắt đầu. Giá điện bán buôn bị đảo lộn do công suất dư thừa. Một số nhà máy điện truyền thống không kiếm đủ tiền để bù đắp chi phí nhiên liệu và buộc phải đóng cửa.
Nhiều nhà quan sát coi quyết định của E.ON nhằm tách hoạt động kinh doanh điện từ nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái sinh cũng giống như tạo ra một công ty “dịch vụ công cộng xấu”, kiểu như ngân hàng tạo ra khối nợ xấu sau cuộc khủng hoảng tài chính. Tổng biên tập của Handelsblatt, tờ nhật báo kinh doanh của Đức, mỉa mai rằng, E.ON nên bắt đầu tìm kiếm các nhà đầu tư, những người chưa đọc báo kể từ khi chiến lược Energiewende ra đời, để mua cổ phiếu của công ty mới.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại cho rằng, nhận định trên là chưa khách quan, bởi lẽ công ty mới sau khi thành lập sẽ có nền tảng tài chính sạch và các cổ đông có thể trông đợi nguồn cổ tức đáng tin cậy, được trả từ hoạt động kinh doanh có lợi nhuận.
Bên cạnh đó, các quy định quản lý môi trường khắt khe cũng không phải là lý do E.ON tiến hành tách Tập đoàn. Cũng giống như nhiều ngành công nghiệp khác, lĩnh vực năng lượng đang phát triển theo xu hướng phân quyền quản lý. Các công ty tiện ích lớn như General Electric và Siemens đã đầu tư đáng kể để xây dựng những lưới điện thông minh hơn. Ngày 2/12 vừa qua, EnerNOC - một trong những nhà cung cấp lớn nhất của phần mềm thông minh năng lượng, thông báo về thỏa thuận mua lại Pulse Energy (một công ty quản lý tiêu thụ điện của Canada) để giúp các doanh nghiệp tiết kiệm điện năng.
Về phần mình, Chủ tịch Teyssen nhắc lại, thương vụ Google mua lại Nest Labs (nhà sản xuất bộ điều chỉnh nhiệt độ thông minh Nest Thermostat dùng cho các hộ gia đình) như một ví dụ về cách quản lý năng lượng mới của thế giới mà E.ON muốn trở thành một phần trong đó. E.ON muốn giúp người nông dân Đức tích trữ năng lượng mặt trời dư thừa trong pin của chiếc ô tô điện BMW và bán nguồn năng lượng này vào lưới điện khi giá cao, hoặc chuyển sang sử dụng cho máy giặt vào ban đêm khi giá điện thấp.
Trước mắt, người Đức chưa thể từ bỏ năng lượng hạt nhân trong khi chưa thu xếp được số phận của năng lượng hóa thạch. Nguồn năng lượng ổn định, rẻ và thân thiện với môi trường là 3 cạnh trong chính sách tam giác năng lượng mà Đức theo đuổi, song chúng không thể được xây dựng cùng một lúc, ít nhất là trong ngắn hạn. Bản thân các công ty cung cấp dịch vụ công cộng cũng đang vận động hành lang cho một công cụ tài chính, nhằm nhận được trợ cấp nhiều hơn cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Vì vậy, hoạt động tái cấu trúc của E.ON tưởng chừng gây ngạc nhiên, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng, ít nhất là sẽ giúp cổ phiếu của E.ON tăng giá.