Đằng sau những kỷ lục thanh khoản

Đằng sau những kỷ lục thanh khoản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những kỷ lục thanh khoản thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay liên tục bị xô đổ và gần nhất, vào phiên 18/3/2024, thị trường đã đạt tổng giá trị giao dịch khớp lệnh lên tới 48.000 tỷ đồng, tương đương 1,8 tỷ USD.

Sở dĩ yếu tố này được nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm quan tâm, bởi nó có thể là dấu hiệu cho thấy tiền đã chảy vào mua mạnh, chỉ số còn sức để tiếp tục đi lên. Một số nhà đầu tư đã giải ngân hết “tiền thịt” vào các mã chiến lược từ đầu năm, nay sức mua nở ra dành để lướt sóng thì liên tục hỏi môi giới xem lượng tiền trong các tài khoản lớn còn hay hết, margin tại các công ty chứng khoán đã căng chưa, các kho còn tiền cho vay hay đã hết room…

Nếu tính từ mức điểm 1.020 được cho là đáy sóng gần nhất, VN-Index đã tăng 280 điểm lên gần 1.300 điểm tính đến phiên cuối tuần qua, một vài phiên điều chỉnh vừa qua chỉ khiến chỉ số lùi lại gần 60 điểm, tức là chưa thực sự có đợt điều chỉnh nào đáng chú ý.

Khảo sát của nhà đầu tư trước phiên cuối tuần qua cho thấy, margin tại nhiều công ty chứng khoán không căng, vẫn còn lượng tiền không nhỏ ở các tài khoản chưa mua hết cổ phiếu, song một số nhà đầu tư mở tài khoản tại VPS, vốn được coi là một chỉ báo về độ “máu lửa” của nhà đầu tư cá nhân, lại cho biết công ty chứng khoán này chỉ còn khoảng 2.000 tỷ đồng cho vay ký quỹ. Những chỉ báo trái chiều cộng thêm chỉ số VN-Index đã tiệm cận ngưỡng cản lớn 1.300 điểm khiến thị trường có phần thận trọng hơn, mặc dù có những thời điểm trong phiên tâm lý rất hưng phấn.

Ở một góc nhìn khác, dòng tiền tiết kiệm với lãi suất thấp vẫn đang có xu hướng tìm kiếm các kênh đầu tư khác. Tại một số buổi hội thảo gần đây, giới chuyên gia chứng khoán nhận định rằng, kỷ lục thanh khoản phiên 18/3 sẽ tiếp tục bị xô đổ bởi tâm lý lợi nhuận 1 phiên hơn cả tiền gửi tiết kiệm 1 năm sẽ khiến nhiều người sốt ruột. Việc đất nền nóng trở lại ở một số nơi tại Hà Nội ngoài phân khúc chung cư cũng cho thấy dòng tiền đã bắt đầu… sốt ruột.

Khi thị trường thuận lợi, các doanh nghiệp vốn là những tay chơi giàu tiềm lực đang rục rịch kích hoạt kế hoạch lớn, trong đó có việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, thoái vốn, M&A, đẩy bất động sản ra thị trường…

Bởi thế, mùa đại hội đồng cổ đông năm nay được dự báo sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm, để đãi cát tìm được “cơ hội vàng” bỏ vốn và đó cũng là chủ đề Tiêu điểm của số báo này.

Với tất cả những yếu tố cộng hưởng trên, dòng tiền được nhận định sẽ tiếp tục ở lại với thị trường chứng khoán, nếu chỉ số có điều chỉnh, nhà đầu tư sẽ canh mua trở lại. Cùng với những chuyển động chính sách, sức hấp dẫn của thị trường này dường như đang được cải thiện rõ rệt hơn.

Câu chuyện Petri Deryng, người sáng lập kiêm Tổng giám đốc quỹ PYN Elite Fund đạt lợi nhuận 40 lần sau gần 20 năm đầu tư vào chứng khoán Việt Nam có sức hấp dẫn đặc biệt.

Petri đã chia sẻ câu chuyện rất thật của mình khi kể rằng cũng như các nhà đầu tư khác, ở thời điểm khó khăn của năm 2022, họ không thể tự bảo vệ mình và đi xuống, theo cách tương tự những người khác. Nhưng họ không tuyệt vọng, không để mình ở trạng thái bị tê liệt. Họ đã tái cấu trúc danh mục, cầm cự, thực hiện một số động thái khi thị trường suy giảm, để giờ đây có lợi nhuận tốt hơn.

Tin bài liên quan