Đằng sau những hợp đồng bảo hiểm “mồ côi”

Đằng sau những hợp đồng bảo hiểm “mồ côi”

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Vừa có thêm một công ty chuyên chăm sóc các hợp đồng bảo hiểm “mồ côi” ra đời. Dịch vụ này dựa trên nhu cầu thực từ thị trường, nhưng để chấm dứt tình trạng “mồ côi” lại là vấn đề khác.

Nhu cầu thực từ thị trường

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Dịch vụ tư vấn bảo hiểm độc lập HDI (HDI Advisor). Ông Phan Quốc Tuấn, nhà sáng lập HDI Advisor cho biết, dù chưa có thống kê chính thức, song thị trường Việt Nam hiện có khá nhiều hợp đồng bảo hiểm “mồ côi” và đó là lý do công ty ông ra đời.

Hợp đồng “mồ côi” là cụm từ dành cho những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, có thời hạn dài, thường từ 10 năm trở lên (thấp nhất là bảo hiểm tử kỳ cũng là trên 5 năm) và đang ở trạng thái được quản lý bởi đại lý bảo hiểm, nhưng thiếu hụt người chăm sóc do đại lý cũ đột ngột nghỉ việc mà chưa có đại lý mới thay thế. Những hợp đồng này thường xuất hiện vào năm thứ 2, thứ 3 hợp đồng trở đi. Khách hàng “mồ côi” chủ yếu là khách hàng mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng, gắn liền với các khoản vay (phải mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân). Do mua bảo hiểm với lý do đối phó nên người mua thường không quan tâm nhiều, đến khi rủi ro xảy ra không được bồi thường vì không đóng phí đúng thời hạn (tái tục từ năm thứ 2 trở đi).

Cùng thời điểm này năm ngoái, một công ty cũng chuyên về quản lý, chăm sóc hợp đồng bảo hiểm là Công ty Financial Insurance Services Vietnam (F.I.S Vietnam) đã ra mắt thị trường.

Ngoài 2 cái tên kể trên, có một vài công ty khác tham gia vào lĩnh vực quản lý hợp đồng bảo hiểm, nhưng xem đây không phải là dịch vụ chính. Một số đại lý bảo hiểm làm dịch vụ này cho khách hàng nhưng dưới góc độ cá nhân, chứ không phải tổ chức.

Theo bà Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc F.I.S Vietnam, có không ít trường hợp khách hàng xung đột với nhà bảo hiểm ngay năm thứ 2 hợp đồng vì cho rằng mình bị bỏ rơi sau khi đại lý bảo hiểm bảo hiểm bất ngờ nghỉ việc. Do không biết bấu víu vào đâu, những khách hàng này đã tìm đến sự hỗ trợ từ các tổ chức dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Khó thống kê số lượng hợp đồng mồ côi hiện nay, bởi không ai muốn công khai việc hợp đồng do mình cấp mà không được chăm sóc

Có thể thấy, nhu cầu chăm sóc hợp đồng bảo hiểm “mồ côi” là có thật, nhưng thực tế triển khai thì không như kỳ vọng. Trao đổi với phóng viên, bà Thanh cho biết, dịch vụ này không xa lạ ở nước ngoài, nhưng ở Việt Nam thì gần như mới nên các công ty bảo hiểm tự triển khai, một mặt vì chưa tin tưởng đơn vị bên ngoài, mặt khác do chưa có nhiều tổ chức thực hiện.

“Khách hàng là tài sản của công ty bảo hiểm nên họ cần đảm bảo là không được để lộ thông tin khách hàng, trừ khi khách hàng ủy quyền cho cá nhân, tổ chức nào khác để thực thi giúp họ các yêu cầu, vấn đề phát sinh liên quan. Đó là chưa kể tới việc chia sẻ lợi ích từ chuyển giao phần quản lý hợp đồng cho bên thứ 3 (doanh nghiệp bảo hiểm tạm thời không tận dụng hết nguồn nhân lực từ đại lý mà họ có). Tất cả những yếu tố này đang khiến dịch vụ quản lý hợp đồng bảo hiểm gặp khó”, bà Thanh nói.

Tỷ lệ hợp đồng “mồ côi” chỉ ở mức thấp?

Để tìm hiểu các hợp đồng bảo hiểm “mồ côi” hiện chiếm tỷ lệ bao nhiêu và được chăm sóc ra sao, phóng viên đã liên lạc với phụ trách truyền thông một số công ty bảo hiểm nhân thọ thì được biết tỷ lệ này chỉ ở mức thấp, lý do bởi sau khi hợp đồng cũ không có đại lý phục vụ thì sẽ được phân cho đại lý mới chăm sóc, nếu có thì cũng chỉ mang tính thời điểm (trong một thời gian ngắn). Thậm chí Prudential Việt Nam, Bảo Việt Nhân thọ hay AIA Việt Nam còn cho hay doanh nghiệp không có hợp đồng “mồ côi”.

Đặt câu hỏi với một số lãnh đạo đại lý bảo hiểm tổ chức về vấn đề này, câu trả lời nhận được có sự khác biệt. Ông Lê Hoàng Hải, Tổng giám đốc CTCP TC Advisors (TCA) thông tin, TCA không thu phí bảo hiểm, mà chỉ hướng dẫn khách hàng đóng qua ngân hàng. Bên cạnh đó, TCA có bộ phận chăm sóc khách hàng ở Hội sở và mọi khách hàng đều được chăm sóc như nhau nên không thống kê tỷ lệ khách hàng “mồ côi”.

Còn ông Lê Thế Khoa, Tổng giám đốc BRICS Việt Nam chia sẻ: “Nếu đại lý nghỉ việc, tất cả hợp đồng ‘mồ côi’ của BRICS sẽ được Trung tâm chăm sóc khách hàng của Công ty trực tiếp chăm sóc. Hiện tại, tỷ lệ hợp đồng bảo hiểm thuộc diện ‘mồ côi’ của BRICS chiếm khoảng 5% tổng hợp đồng bảo hiểm hiện hữu”.

Chia sẻ một góc nhìn khác, ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc CTCP Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam cho biết, khó có thể thống kê cụ thể số lượng hợp đồng “mồ côi” trên thị trường hiện nay. Số liệu này doanh nghiệp bảo hiểm có nhưng không chia sẻ, bởi không ai muốn công khai việc hợp đồng do mình cấp mà không được chăm sóc.

“Thường thì khi có một đại lý nghỉ việc, tệp khách của đại lý này ngay lập tức được điều chuyển, chia cho các đại lý khác chăm sóc. Có một số trường hợp đại lý nghỉ việc vẫn chăm sóc hợp đồng cũ của mình vì đấy là quan hệ của họ. Vì vậy, dịch vụ chăm sóc hợp đồng ‘mồ côi’ dường như chỉ mang tính chất hình thức, còn trên thực tế sẽ khó phát triển được thị phần này”, ông Sơn chia sẻ thêm.

Tin bài liên quan