LTS: Tính đến cuối tháng 6/2016, vốn hóa thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đạt 1.512.000 tỷ đồng, tương đương 36% GDP. Bắt đầu từ con số 0 vào năm 1996, sau gần 20 năm tạo dựng, thành quả của TTCK được ghi nhận bằng nhiều con số.
Đo thị trường theo một cách khác, chuyên gia độc lập Huy Nam chia sẻ cảm nhận về những góc khuất, có thể được gọi tên là” trục trặc ở phần cứng, phần mềm”... , để cùng nhìn lại, nhìn xa và nhìn thẳng, cho tương lai thị trường vững bước hơn.
Đầu tư Chứng khoán xin trân trọng giới thiệu bài viết này.
Xin được nói sớm, cho dù nội dung có thiên về những góc khuất, nhưng bài này hoàn toàn vì mục đích xây dựng. Việc nói ra chỗ không phải là thành tích thường khó nghe, nhưng cần thiết. Thực trạng lại lặng lẽ đến thản nhiên... Và do không là thành tích nên chẳng ai đi khoe, ít được nhìn nhận và không nhiều thông tin.
Không nhiều thông tin và chưa thấy có một nghiên cứu nào được công bố, nhưng khi lần giở ngẫu nhiên 50 cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) và 50 cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), dễ thấy có trên dưới 85% mã ở cả hai nơi này rớt giá từ lúc chào sàn so với hiện nay (tính tại thời điểm 10/6/2016). Đáng nói, số cổ phiếu rớt từ 5 đến 20 lần là khá nhiều. Có mã rớt 30 lần sau 7 năm, cá biệt 75 lần chỉ sau 5 năm.
Giật mình! Hàng hiệu mà xuống cấp nhanh vậy là bất thường.
Để tìm câu trả lời, ta loại bỏ việc nhà đầu tư mua lầm, do nguồn hàng bày bán là loại có chuẩn cao, đã qua thẩm định. Còn lại, hai “đối tượng” đáng ngờ là (1) khâu định giá ban đầu và (2) sự rò rỉ liên tục từ các lỗ hổng hệ thống.
Ta sẽ khảo sát cả hai “nghi can” này. Nhưng dù thế nào thì thực tế không ít nhà đầu tư đã ngậm đắng...
Ông Huy Nam,Chuyên gia độc lập - Giảng viên PACE - Thành viên Hội đồng Chỉ số HOSE - Trọng tài viên VIAC
Về khâu định giá, một cổ phiếu sau 5, 10 năm mà giá mất vài chục lần thì chính nó đã “tự thú” việc nhào nặn lúc doanh nghiệp IPO hay chuẩn bị niêm yết. Quá trình này có vẻ bài bản, giấy mực phức tạp, nhưng lại có thể thỏa hiệp “xin” được (để có giá cao) và “cho” dễ dàng (để lấy lòng) thông qua cách tính biến hóa và các thông số giả định, lại sẽ còn được làm đẹp vào ngày chào sàn và sau đó nữa.
Cổ phiếu được bơm “silicon” như vậy, thế giới gọi là “pump-and-dump” hay “blue sky stock”. Nhưng ở họ có khác, đó không là sản phẩm IPO, không để đầu tư, mà là loại được tung hứng (làm giá) để “qua đường”... Chừng nào IPO ở ta được xây dựng bài bản theo chuẩn mực “book building” (dựng sổ phát hành) thay vì làm “bằng tay’” như hiện nay thì tình hình mới mong cải thiện.
Còn rò rỉ là thế nào? Là từ các lỗ hổng thực hành được cho là hợp pháp, đúng quy trình, hợp quy định, nhưng lại không tương thích. Đó là tình trạng chao mờ trong phát hành riêng lẻ, ưu đãi chiến lược, cán bộ nhân viên, với quy mô lớn, theo mệnh giá hoặc thấp xa thị giá.
Có thể nói gì về cách làm này?
Đây chẳng khác việc tự phá giá, là cào giá xuống, loại nhà đầu tư ra khỏi cuộc chơi quy ước, buộc họ “hy sinh vì doanh nghiệp” với lý lẽ áp đặt kém thuyết phục. Cách làm nếu phù hợp khi doanh nghiệp còn là của vài người (nội bộ), thì nó lại xa lạ so với bản chất vận động của môi trường đầu tư đại chúng.
Nếu cổ phiếu giảm không do thị trường mà do cách làm chủ quan “đúng quy trình”, do “cơ chế nó vậy”, thì ai gắn bó sẽ lãnh đủ phần thua, lẽ đáng được tôn vinh nay họ là con ghẻ. Lúc này môi trường đại chúng sẽ như cái bẫy. Bởi gọi là đại chúng, nhiều công ty chỉ cần một hai người “okay” là quyết tất. Có chăng điều gì được xem hợp pháp ở đây đã không hợp lý...
Một thị trường hội nhập không cho phép có các thực hành thiếu công bằng, không thể có những hành xử gây thiệt, ảnh hưởng xấu đến nhà đầu tư trong cuộc, tạo điều kiện cho “lợi ích nhóm” và các tranh thủ bất minh. Đã ra thị trường (go public) thì phải tôn trọng và hành xử theo tiêu chí thị trường. Không có chuyện chiến lược mua thấp, ESOP khủng lợi nhanh (spinoffs)... Tình trạng kém đồng bộ, không hợp cách, cũng đã góp phần gặm nhấm vào chỉ số giá, làm xấu thị trường.
Cụ thể, mặc dù được trợ lực bởi các mã lớn, chỉ số VN-Index cứ quanh quẩn 500-600 điểm và HNX-Index lùi về quanh quẩn mãi ngưỡng 80 điểm là điều chẳng vui. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam lại không thấp. VN-Index đã vượt ngưỡng 500 điểm và đạt 571 điểm vào tháng 6/2001.
Cùng thời gian này (từ năm 2001 đến tháng 6/2016) chỉ số KLCI của Malaysia đã tăng từ 922 lên 1.641 điểm, KOSPI Hàn Quốc từ 520 lên 2.017 điểm, NYSE Composite từ 6.700 lên 10.446 điểm...
Mặt khác, khảo sát diễn biến “low/high/difference/average/change” trong 5 năm qua (từ 2011) có thể thấy, chỉ số chứng khoán Việt Nam khá bất thường so với KLCI và KOSPI. Đặc biệt về tỷ lệ biến động (change): Nếu KLCI chỉ là +8% và KOSPI -1,63%, thì VN-Index là +30% và HNX-Index -25,73%. Trong cùng điều kiện kinh tế mà hai số đo thành tích lại đối nghịch nhau là điều lạ.
So sánh có thể khập khiễng, nhưng cần chút nhìn xa để thấy “số phận cận biên” nghiệt ngã thế nào. Microsoft niêm yết từ ngày 13/3/1986 với giá 21 USD/cổ phần, đã chia tách cổ phiếu 9 lần... Ai mua 100 cổ phiếu MSFT lúc IPO thì nay họ có tới 28.800 cổ phiếu và sẽ là triệu phú với số tiền lên đến 1.482.624 USD (giá MSFT 10/6/2016 là 51,48 USD/CP).
Tách 9 lần mà MSFT vẫn tăng 70.501% thì thật đáng nể. Đó là nhờ họ không dây dưa nội bộ, không vô lý đặc ưu chiến lược, không ESOP kiểu mì ăn liền... Cổ phiếu ở ta sau 5, 10 năm không chia tách mà vẫn rớt thảm là điều rất đáng suy nghĩ.
Gọi số phận chỉ là để an ủi. Điều gì đã gây thiệt cho nhiều nhà đầu tư, gặm nhấm thị trường thì đó không là số phận, mà phần nhiều ở chính môi trường và định chế, là những trục trặc ở phần cứng, phần mềm...
Một thị trường hàng hóa không sờ được nếu thiếu niềm tin thì sự mua bán sẽ dễ là đỏ đen. Chỗ dựa của niềm tin là minh bạch, minh bạch lệ thuộc chất lượng thông tin, thông tin là hơi thở thị trường... Thông tin trên thị trường chứng khoán tuy rộng nhưng mảng được chú trọng nhiều là sổ sách doanh nghiệp. Rất tiếc, chỗ rất cần trung thực để có thông tin minh bạch này lại thường là nơi dễ bị “dao kéo” làm đẹp và son phấn. Từng có doanh nghiệp đã thuê vài công ty kiểm toán để chọn báo cáo đẹp là vậy.
Giới quan sát thế giới thì cho rằng khuynh hướng vo tròn làm đẹp đã như căn bệnh. Còn Ben McClure (nhà tư vấn Anh) đã nói thẳng “nhiều báo cáo tài chính được thiết kế để che đậy hơn là cung cấp thông tin”. Khả năng huy động vốn càng về sau càng khó, thậm chí chỉ được lần đầu, là vậy. Tình trạng này giải thích thêm nguyên do cổ phiếu mất giá.
Làm gì để bảo vệ môi trường đầu tư, nuôi dưỡng nguồn cung đại chúng, vượt ngưỡng cận biên, sẽ luôn cần là câu hỏi. Với lợi thế đi sau, việc rút tỉa kinh nghiệm, học tập từ gốc, nghiên cứu bài bản, ứng dụng đồng bộ, hành xử chuẩn mực là cần thiết. Cần xem do đâu thị trường đã lên ‘mười sáu’ mà chiết tách không thực hiện được? Vấn đề vốn điều lệ cài vào mệnh giá cứng có gì chưa ổn?
Việc quanh co chia thưởng, ESOP, bán riêng chiến lược có bất thường? Làm gì để nhà đầu tư không nóng mặt, giảm rủi ro? Tại sao quyền mua luôn bị lờ?... Và điều tưởng êm như thủ tục trả cổ tức lại có thể đang là điểm nóng, âm ĩ xâm hại thị trường, rất cần được lật lại xới lên xem thế nào là phải cách (xin đọc các bài phân tích riêng).
Cả việc đặt mã cổ phiếu cũng không nên an bài: Có cần gò bó chỉ ba hay mở ra cho doanh nghiệp được tùy chọn là một, hai, ba, bốn ký tự để có chút riêng, tránh ‘đồng phục’ hoa mắt?