Kết quả kinh doanh tụt dốc, dự án nằm trên giấy
Chuỗi tăng giá ấn tượng của cổ phiếu VHD bắt đầu từ trung tuần tháng 2/2021, trước thời điểm Tổng CTCP Xây dựng và xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) thông qua kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ 4,9 triệu cổ phần VHD, tương ứng 70% vốn điều lệ Vinahud. Cụ thể, từ mức giá 5.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm, cổ phiếu VHD đã tăng lên 16.000 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 4, trước khi giảm trở lại vùng giá 14.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Trong giai đoạn cổ phiếu tăng giá mạnh, VHD cũng đón nhận thêm những cổ đông mới với lượng mua vào khá lớn như ông Lương Song Hào (hơn 1 triệu cổ phiếu), bà Phạm Thị Hạnh (861.000 cổ phiếu), ông Trương Quang Minh (560.000 cổ phiếu)… và các cá nhân này sau đó đều trở thành cổ đông lớn của Công ty.
Tiền thân là Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng phát triển nhà Vinaconex, trực thuộc Vinaconex, với hoạt động chính là quản lý đầu tư nhiều dự án lớn của Tổng công ty mẹ, nhưng hoạt động của VHD không mấy nổi bật. VHD chỉ được chú ý hơn từ khi đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM năm 2017.
Về kết quả kinh doanh, VHD ghi nhận sự tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2018, đặc biệt là năm 2018 với doanh thu tăng đột biến lên 461,5 tỷ đồng nhờ bàn giao dự án Khu văn phòng và nhà ở 536A Minh Khai, Hà Nội, nhưng vì giá vốn chiếm tỷ trọng lớn nên lãi sau thuế năm này chỉ ở mức nhỉnh hơn 13 tỷ đồng, trong khi doanh thu và lãi ròng năm 2017 lần lượt là 67,9 tỷ đồng và 12,5 tỷ đồng, năm 2016 là 26,7 tỷ đồng và 7,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong các năm 2019 và 2020, kết quả kinh doanh của VHD bất ngờ tụt dốc, khi năm 2019 chỉ đạt 82,8 tỷ đồng doanh thu và 71 triệu đồng lãi ròng, năm 2020 là 8,3 tỷ đồng doanh thu và 537 triệu đồng lãi ròng.
Phối cảnh dự án Grand Mercure Hoian |
Việc VHD kinh doanh đi xuống trong 2 năm qua được lý giải chủ yếu do năng lực yếu. Đặc biệt kể từ khi Vinaconex được cổ phần hóa, VHD gần như mất hút trong các dự án của Tổng công ty mẹ, chứ chưa nói tới việc cạnh tranh với bên ngoài. Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của VHD chỉ là 87 tỷ đồng, cao hơn không nhiều so với con số 72 tỷ đồng vốn chủ sở hữu.
Trong báo cáo thường niên công bố hàng năm, VHD thông báo triển khai nhiều dự án, nhưng trên thực tế, ngoại trừ dự án nhà ở 536A Minh Khai, các dự án còn lại đều đang “nằm trên giấy”. Đơn cử, từ năm 2007, VHD ký hợp đồng hợp tác đầu tư với 2 đối tác là CTCP Bất động sản Điện lực Dầu khí và CTCP Quảng cáo và thương mại Lạc Việt để thành lập liên danh triển khai dự án “Tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ văn hóa thể thao và văn phòng trên lô đất CV4.4” tại thôn Phú Đô, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai.
Nghi vấn “niêm yết cửa sau”
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vào cuối tháng 4/2021, nhóm cổ đông mới đề xuất phương án phát hành cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ cho tối đa 15 nhà đầu tư để tăng vốn từ 70 tỷ đồng lên 380 tỷ đồng và phương án này đã được thông qua.
Theo kế hoạch, với số tiền 310 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành này, VHD sẽ chi ra 285,6 tỷ đồng để mua cổ phần sở hữu tại CTCP Đầu tư và xây dựng Xuân Phú Hải (Công ty Xuân Phú Hải), tương ứng hơn 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Được biết, Công ty Xuân Phú Hải là công ty con do R&H Group nắm giữ cổ phần chi phối, trong đó bà Phạm Thị Hạnh và ông Trương Quang Minh là 2 trong 3 cổ đông sáng lập và nắm giữ 95% vốn điều lệ của R&H Group.
Cần lưu ý thêm, cũng tại đại hội, nhóm cổ đông mới với lượng cổ phần chi phối nắm giữ đã biểu quyết thông qua bổ sung một loạt nhân sự mới vào HĐQT VHD, bao gồm ông Nguyễn Hoài Anh, ông Trần Thái Duy, ông Lương Song Hào, ông Nguyễn Trung Kiên, ông Trương Quang Minh. Trong đó, ngoài ông Trần Thái Duy hiện là Phó chủ tịch HĐQT Công ty Xuân Phú Hải, các nhân sự còn lại đều là thành viên chủ chốt trong hệ sinh thái của R&H Group.
Với động thái mua gom cổ phiếu để nắm quyền chi phối VHD, sau đó thông qua VHD mua lại chính doanh nghiệp mình đang sở hữu, nhiều ý kiến cho rằng, ban lãnh đạo Công ty Xuân Phú Hải có thể gián tiếp đưa công ty này niêm yết trên sàn chứng khoán và điều này có lợi cho “bên thứ ba” R&H Group.
Tại Việt Nam, việc “niêm yết cửa sau” không trái pháp luật và thực tế là có nhiều doanh nghiệp đã áp dụng “chiêu” này để đưa cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán. Với VHD, tuy hoạt động kinh doanh không quá nổi bật, nhưng vẫn “được chọn” có lẽ do doanh nghiệp này đang có cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán cùng việc ít nợ vay nên có thể đảm bảo cơ cấu tài chính ổn định một khi ông chủ mới muốn tăng vốn, M&A dự án hay thực hiện những mục tiêu khác.
Tuy nhiên, dù là mục đích nào thì vẫn cần làm sáng tỏ bởi có liên quan tới quyền lợi, nghĩa vụ của nhiều bên, và một trong những điều được quan tâm nhất là sau khi mua lại Công ty Xuân Phú Hải, VHD sẽ phải hợp nhất kết quả kinh doanh cũng như gánh vác hết nghĩa vụ của doanh nghiệp này, bao gồm cả nghĩa vụ nợ.
Được biết, vào tháng 1/2021, thời điểm trước khi thâu tóm VHD, Công ty Xuân Phú Hải đã thế chấp bằng chính lợi tức phát sinh thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc dự án Grand Mercure Hoian để vay thêm 350 tỷ đồng từ một ngân hàng (TPBank). Mặc dù các khoản nợ này sẽ không được hạch toán vào VHD, nhưng số nợ vẫn sẽ được ghi nhận về Công ty mẹ và điều này sẽ dễ khiến VHD mất cân đối tài chính trong bối cảnh nền tảng tài chính yếu hiện nay.
Hơn nữa, với dàn lãnh đạo mới chuyển đổi từ lãnh đạo doanh nghiệp chưa niêm yết là Công ty Xuân Phú Hải sang VHD cũng “tạo điều kiện” cho những nhân sự này có thể “né” trách nhiệm bằng việc thoái vốn khỏi VHD khi doanh nghiệp hay dự án gặp rủi ro.