Các doanh nghiệp FDI vượt xa doanh nghiệp trong nước cả về lợi nhuận và hiệu suất sinh lợi.

Các doanh nghiệp FDI vượt xa doanh nghiệp trong nước cả về lợi nhuận và hiệu suất sinh lợi.

Đằng sau cú bứt tốc của doanh nghiệp FDI

Các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã vượt xa doanh nghiệp trong nước cả về lợi nhuận và hiệu suất sinh lợi. Nhưng liệu Việt Nam có được hưởng lợi từ điều đó?

Doanh nghiệp FDI đứng đầu về hiệu quả kinh doanh

Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam lần đầu tiên được công bố vào đầu tuần này. Và một thông tin rất đáng chú ý, đó là khối doanh nghiệp FDI đã có sự vượt trội so với doanh nghiệp tư nhân trong nước, cũng như doanh nghiệp nhà nước về lợi nhuận, cũng như các chỉ số về hiệu suất sinh lợi, dù doanh thu thấp hơn.

Cụ thể, giai đoạn 2016-2017, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra doanh thu chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Bình quân mỗi năm, khu vực này tạo ra 10,8 triệu tỷ đồng, chiếm 56,4% doanh thu toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 64,4% so với bình quân giai đoạn 2011-2015. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra 5,3 triệu tỷ đồng, chiếm 27,8%, tăng 74,7%; khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra xấp xỉ 3 triệu tỷ đồng, chiếm 15,7%, tăng 5%.

Như vậy, nếu xét về doanh thu, thì đứng đầu là doanh nghiệp ngoài nhà nước, tiếp đó là doanh nghiệp FDI và cuối cùng là doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, nếu tính về lợi nhuận, thì “bảng xếp hạng” đã có sự thay đổi khá rõ ràng. Khu vực FDI đã bứt tốc, giành ngôi quán quân.

Cụ thể, theo Sách trắng, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 876.700 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước tạo ra 200.900 tỷ đồng; doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 291.600 tỷ đồng; doanh nghiệp FDI tạo ra 384.100 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 43,8%.

Không chỉ về lợi nhuận, khu vực FDI còn bỏ xa khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước về hiệu suất sinh lợi. Theo đó, hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) của doanh nghiệp nhà nước là 2,2%, của doanh nghiệp ngoài nhà nước là 1,8%, còn khu vực doanh nghiệp FDI là 7%. Trong khi đó, hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) tương ứng là 11,4%; 6,0% và 18,1%. Còn hiệu suất sinh lợi trên doanh thu (ROS) của ba khu vực này lần lượt là 6,4%; 2,5% và 6,6%.

“Tất cả những con số này cho thấy, khu vực FDI có hiệu quả kinh doanh cao hơn hẳn”, TS. Trần Du Lịch đã bình luận như vậy.

Trên thực tế, điều này cũng đã được khẳng định từ lâu, chứ không chỉ phải bây giờ mới được nhắc tới. Tuy nhiên, với việc lần đầu tiên Việt Nam có Sách trắng doanh nghiệp, nói như Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, thì chúng ta có căn cứ để so sánh về hiệu quả kinh tế, để các doanh nghiệp tự biết mình “đang đứng ở đâu”, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI hoạt động ra sao, đóng góp vào GDP, xuất khẩu, thu ngân sách thế nào.

Đằng sau sự bứt tốc của doanh nghiệp FDI

Có một câu hỏi luôn được đặt ra, đó là khu vực FDI đã đóng góp như thế nào đối với nền kinh tế? Trong Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam, không có thống kê về số thuế mà các doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, phần phụ lục của Sách trắng có đăng tải danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất năm 2017. Trong danh sách này, có rất nhiều doanh nghiệp FDI, từ Honda, Samsung, Ganeral Motor, AkzoNobel, Heineken, Bridgestone…

Danh sách này trên thực tế đã được Tổng cục Thuế công bố vào đầu năm ngoái. Theo đó, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp mà các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng đã đóng góp vào ngân sách nhà nước là 110.027 tỷ đồng, chiếm 62,59% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của cả nước năm 2017.

Trong bảng xếp hạng này, có sự xuất hiện của 117 doanh nghiệp nhà nước, đóng góp 27,7% tổng số thuế của của toàn Bảng xếp hạng; 458 doanh nghiệp ngoài nhà nước, đóng góp 34,1%. Phần còn lại của khối doanh nghiệp FDI và điều này cho thấy, đóng góp của khối này cho ngân sách nhà nước là không hề nhỏ.

Tuy vậy, thời gian qua, không ít ý kiến cho rằng, tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI vào ngân sách nhà nước là thấp.

Không chỉ về lợi nhuận, khu vực FDI còn bỏ xa khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước về hiệu suất sinh lợi.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch cho rằng, so sánh như vậy là khập khiễng. Bởi lẽ, trong phần đóng góp của doanh nghiệp trong nước, có một phần rất lớn đến từ thuế gián thu, như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI chủ yếu xuất khẩu, nên sẽ ít có hai loại thuế gián thu này, mà chủ yếu là thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Để so sánh thì phải phân tách rõ ràng thuế gián thu và thuế thu nhập doanh nghiệp. Hơn nữa, còn phải xem cả khía cạnh, nhiều doanh nghiệp FDI vẫn đang trong giai đoạn được miễn, giảm thuế”, TS. Trần Du Lịch nói và cho rằng, điều quan trọng trong thu hút FDI, đó là phải  làm sao để tạo sức lan tỏa lớn hơn nữa từ khối FDI tới doanh nghiệp trong nước.

“Chúng ta sẽ không thể thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế mà phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI. Phải thúc đẩy cả khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển, gia tăng nội lực của nền kinh tế, nếu không thì thu hút FDI không thành công như mong đợi”, TS. Trần Du Lịch nói.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây, khi báo cáo Chính phủ, cũng đã nhấn mạnh những rủi ro mà nền kinh tế phải đối mặt khi phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI.

Vấn đề đặt ra ở đây, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, với tầm quan trọng và hiệu quả của doanh nghiệp FDI, trong bối cảnh trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ cần khai thác cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng chuyển dịch dòng vốn quốc tế, các hình thức đầu tư mới để tạo dựng tối đa lợi thế của Việt Nam, chủ động thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, từ các nước nắm giữ công nghệ nguồn, có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao để đầu tư vào Việt Nam.

Nhưng quan trọng hơn, Chính phủ cần có chiến lược và giải pháp khuyến khích, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp FDI, đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi liên kết của doanh nghiệp FDI.

Khuyến nghị này đã được nhấn mạnh tại Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam.

Tin bài liên quan