Đằng sau cổ tức cao ngất ngưởng

Đằng sau cổ tức cao ngất ngưởng

Danh sách doanh nghiệp mạnh tay trong kế hoạch chi trả cổ tức ngày càng dài thêm. Điều này khiến cổ đông hoan hỉ và giá cổ phiếu tăng vọt. Tuy nhiên, việc chia cổ tức cao cũng hé lộ nhiều thông tin đáng lưu ý.

Mạnh tay chi cổ tức

Càng gần cuối mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay, tên tuổi các công ty dự kiến chia cổ tức cao càng nhiều. Ước tính, khoảng 1/10 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán định chia cổ tức năm 2015 với tỷ lệ trên 50%/vốn điều lệ. Trong đó, không ít đơn vị sẵn sàng chi ra hàng nghìn tỷ đồng cho cổ đông.

Đầu tiên phải kể đến Vinamilk (VNM). Tài liệu trình ĐHĐCĐ (dự kiến ngày 17/5) cho thấy, Vinamilk dự chi hơn 6.000 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2015. Doanh nghiệp này cũng đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2015 ở mức 40%. Nếu được tán thành, số tiền còn lại, Công ty sẽ sớm chi trả. Chưa hết, Vinamilk còn định chia thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 5:1.

Với kế hoạch này, cổ đông lớn nhất của Vinamilk là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - đang nắm hơn 45% vốn điều lệ tại Vinamilk - ước tính sẽ thu khoảng 3.200 tỷ đồng tiền mặt và giá trị cổ phiếu tăng thêm tương đương 10.000 tỷ đồng. Đây là mức chia cổ tức "hào phóng" nhất từ trước đến nay ở Vinamilk.

Trước đó, thông tin Nhựa Bình Minh (BMP) chi trả cổ tức đợt 2/2015 với tỷ lệ 45% cũng khiến giới đầu tư nức lòng. Nếu tính luôn cổ tức tạm ứng đợt 1, tỷ lệ cổ tức ở BMP cho năm 2015 lên tới 60%. Nhựa Bình Mình dành khoảng 273 tỷ đồng (một nửa lợi nhuận mà BMP tạo được trong năm 2015) cho việc chi trả cổ tức. SCIC - cổ đông nắm giữ 29,51% vốn điều lệ tại BMP nhận về số tiền cổ tức cao nhất.

DN trả cổ tức cao còn phải kể là Công ty Đầu tư Phát triển Cảng Đình Vũ (DVP). Cuối tháng 5 này, DVP sẽ trả cổ tức đợt 2/2015 cho cổ đông với tỷ lệ 50%. Cộng với đợt tạm ứng trước đó, tổng mức cổ tức năm 2015 mà DVP đã và sẽ chi trả là 70%, gần như toàn bộ 281 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2015. Cảng Hải Phòng, công ty mẹ nắm giữ 51% vốn điều lệ ở DVP "hân hoan" nhất với kế hoạch này.

Tuy nhiên, Kido (KDC) mới là doanh nghiệp dẫn đầu về mức chi trả cổ tức năm 2015. Năm ngoái, Kido đã lên kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 200% ngay sau khi hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 80% cổ phần của Kinh Đô Bình Dương cho đối tác ngoại. KDC đã dành khoảng 4.700 tỷ đồng trong lợi nhuận thu về để chi trả.

Công ty Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS), Công ty Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCT), Công ty Chăn nuôi Phú Sơn (PSL), Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS), Bột giặt Lix (LIX), Công viên Nước Đầm Sen (DNS), Ô tô Hoàng Long (HTL), Gilimex (GIL)... cũng trong nhóm doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền cao nhất. Tuy quy mô công ty không lớn nhưng mức độ chi trả cổ tức của các doanh nghiệp này không hề nhỏ.

Chẳng hạn như MAS có vốn điều lệ hơn 30 tỷ đồng nhưng số tiền trả cổ tức dự kiến lên đến 36 tỷ đồng. Nhựa Bao bì Vinh (VBC) có vốn điều lệ chưa tới 30 tỷ đồng nhưng dự chi cổ tức khoảng 20 tỷ đồng. Đó là lý do giá cổ phiếu của VBC liên tục tăng và hiện vượt mức 60.000 đồng/CP - ngưỡng mà ngay một số bluechip cũng chưa đạt tới.

Ẩn số dễ thấy

Đặc điểm chung của các doanh nghiệp trả cổ tức cao là có kết quả kinh doanh tốt. Năm 2015, Vinamilk gần chạm mốc doanh thu 2 tỷ USD, riêng lợi nhuận sau thuế đạt hơn 7.700 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ 2014. Còn lãi ròng năm 2015 của Nhựa Bình Minh đạt trên 519 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước. Đây là mức lãi cao nhất của BMP kể từ khi niêm yết và cũng vượt xa đối thủ là Nhựa Tiền Phong (NTP). BMP cũng là một trong số ít công ty liên tục tăng trưởng lợi nhuận suốt 5 năm qua.

Với NCS, nhờ "bán cơm" cho Vietnam Airlines và VietJet Air mà doanh nghiệp này đã trải qua năm 2015 với mức lãi lớn nhất trong lịch sử hoạt động khi đạt doanh thu 476 tỷ đồng. Nếu so với năm 2014, lợi nhuận của NCS tăng trưởng tới 67%. Đối với các công ty trả cổ tức cao khác, nếu không tăng trưởng mạnh về kinh doanh thì phần lớn cũng đều đạt doanh thu, lợi nhuận theo hướng năm sau cao hơn năm trước.

Việc chi cổ tức cao hơn mức thường lệ ít nhiều cho thấy những mục đích đi kèm. Chẳng hạn, đi cùng kế hoạch chia cổ tức cao nhất từ trước tới nay của Vinamilk là phương án phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP). Theo phương án này, Vinamilk sẽ bán hơn 9 triệu cổ phần cho công nhân viên trong năm nay.

Giá phát hành cổ phần mới và bán cổ phiếu quỹ được Hội đồng quản trị Vinamilk đề xuất bằng 2 lần giá trị sổ sách tại báo cáo tài chính soát xét mới nhất. Tính ra, giá phát hành cổ phiếu ESOP là trên 40.000đ/CP, tương đương 30% thị giá cổ phiếu VNM.

Tuy nhiên, phương án phát hành cổ phiếu ESOP của Vinamilk có thể gặp trục trặc nếu vấp phải sự phản đối từ cổ đông lớn nhất là SCIC. Từ sau năm 2011, SCIC đã liên tục phản bác các đề xuất phát hành thêm cổ phiếu ESOP từ Vinamilk. Nay với đề án thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại Vinamilk đã có, với mức cổ tức cao dự tính chia, SCIC sẽ ít có động lực để cản trở.

Không chỉ tại Vinamilk, SCIC đang cho thấy tổ chức này có "chiến lược gặt hái" trước khi rút vốn. Vì thế, mới đây SCIC đã đề xuất NTP trả cổ tức năm 2015 thêm 20% bằng cổ phiếu, nâng tỷ lệ cổ tức lên 45%. Con số này cao hơn so với mức cổ tức trung bình mà NTP chi trả trong những năm qua (15 - 30%).

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng đi theo cách thức của SCIC khi hàng loạt công ty thành viên như Casumina (CSM), Cao su Đà Nẵng (DRC), Bột giặt Lix (LIX), Bột giặt Net (NET), Hóa chất Việt Trì (HVT), Hóa chất cơ bản Miền Nam (CSV), Thuốc sát trùng Việt Nam (VPS), Phân bón Lâm Thao (LAS), Phân bón Miền Nam (SFG), hay Pin Ắc quy Miền Nam (Pinaco - PAC)... đều lên kế hoạch chi trả cổ tức cao. Mức phổ biến là tỷ lệ cổ tức 30% bằng tiền và phát hành thêm cổ phiếu thưởng.

Dù là chi trả cổ tức theo hướng chia sẻ với cổ đông, dù đem tiền chia hết không giữ lại gì cho mục đích đầu tư phát triển, dù bị tác động bởi yếu tố cổ đông lớn, việc cổ tức cao vẫn luôn hấp dẫn giới đầu tư, thúc đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh. Tuy nhiên, để biết nên mừng hay nên lo với cổ tức cao, giới đầu tư cần xem xét kỹ tính chất chia cổ tức cao này.

Tin bài liên quan