Theo ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan, từ việc rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký các tờ khai xuất khẩu, Tổng cục Hải quan đã nhận thấy có dấu hiệu khá bất thường.
Cụ thể, trong danh sách đăng ký thành công tờ khai xuất khẩu xuất hiện những doanh nghiệp đã trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo năm 2020 (theo đấu thầu của Tổng cục Dự trữ Quốc gia) nhưng theo báo cáo của Tổng cục Dự trữ thì những doanh nghiệp này lại không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia.
Tuy nhiên, khi hệ thống hải quan cho đăng ký tờ khai xuất khẩu thì các doanh nghiệp này lại đăng ký tờ khai xuất khẩu lên tới hàng ngàn tấn gạo.
Đó là Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, đến thời điểm hiện nay chưa ký hợp đồng, tuy nhiên lại đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn. Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn, cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu với tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.
Công ty cổ phần Mỹ Tường và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thuận Minh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Cục Dự trữ Quốc gia khu vực nhưng cũng đã đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.
Cũng theo quy định tại Nghị định 107 liên quan đến xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng xuất khẩu của doanh nghiệp trong 6 tháng trước đây. Như vậy nếu doanh nghiệp không đảm bảo thực hiện các trách nhiệm của mình trong bán hàng cho dự trữ quốc gia lẫn dự trữ lưu thông mà chỉ chăm chăm xuất khẩu thì sẽ ảnh hưởng tới an ninh lương thực.
Được biết, Tổng cục Hải quan sẽ cùng các Bộ ngành chức năng có những báo cáo cụ thể về vấn đề này tới Chính phủ, nhằm tìm giải pháp hợp lý nhất cho việc xuất khẩu gạo thời gian tới.
Cho biết, hệ thống Hải quan hoàn toàn tự động tiếp nhận tờ khai đăng ký và tự động chấp nhận tờ khai, phản hồi doanh nghiệp, được hoạt động 24/7 và trung bình một tờ khai từ khi đăng ký đến khi nhận lại kết quả chỉ trong vòng vài giây, nên con người không thể can thiệp vào quá trình đăng ký này.
Thực tế thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy có doanh nghiệp như Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, trong thời gian rất ngắn đã đăng ký 102 tờ khai với khối lượng gạo xuất khẩu 96.234 tấn. Vì vậy sẽ có nhiều doanh nghiệp không còn hạn ngạch để đăng ký tờ khai.
Để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Hải quan cho rằng, Bộ Công Thương cần xem xét lại quy định quản lý xuất khẩu gạo theo hướng đấu giá hạn ngạch như mặt hàng đường mà Bộ này đang thực hiện.
Việc đấu giá dựa trên nguyên tắc doanh nghiệp tham gia đấu giá đáp ứng điều kiện xuất khẩu theo quy định tại Nghị định 107. Ngoài ra doanh nghiệp phải thực hiện hợp đồng cung ứng gạo cho dự trữ quốc gia và doanh nghiệp phải ký hợp đồng với một siêu thị liên kết để cam kết đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp trong 6 tháng trước, đảm bảo cung ứng ra thị trường khi Chính phủ và các bộ, ngành có yêu cầu.
Điều này sẽ giúp cơ quan chức năng tránh được tình trạng khó quản lý, hỗn loạn trong hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian ngắn, dẫn đến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi những hợp đồng đã ký trước đây nhưng không đăng ký được tờ khai xuất khẩu gạo.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị, Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành khi thay đổi chính sách cần thông báo cho cơ quan Hải quan và doanh nghiệp trước một thời gian để có sự chuẩn bị.
Liên quan tới việc mở được nhiều tờ khai hải quan chỉ trong thời gian rất ngắn, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group trên báo Pháp luật TP.HCM tối 14/4 cũng cho hay, dù may mắn đăng ký được nhưng doanh nghiệp hiện vẫn tồn kho gần 40.000 tấn gạo.
Theo ông Nam, ngay trong các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đăng ký có hợp đồng xuất khẩu sản lượng đã lên tới 1,3 triệu tấn gạo, tồn kho gần 3 triệu tấn. Vì thế, khi chỉ cho xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4 thì chắc chắn sẽ tồn kho tới 900.000 tấn.
“Mở tờ khai điện tử, ai nhanh tay thì được, khi đó chắc chắn sẽ có những doanh nghiệp chậm chân, không xuất khẩu được là chuyện hết sức bình thường”, ông này nói.
Ngay cả việc cho xuất khẩu hết 1,3 triệu tấn gạo đã có hợp đồng cũng không chắc chắn đã hết phàn nàn bởi năng lực bốc xếp xuất khẩu gạo của các cảng Việt Nam chỉ đến 600.000 tấn/tháng là tối đa.
Cũng để minh bạch và công khai, ông Nam đề xuất, cơ quan hải quan giám sát, doanh nghiệp nào đăng ký tờ khai có số container, có tàu rõ ràng, có hàng thật thì cho thông quan, còn nếu không có thì coi như tờ khai đó bị xóa.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cần đề xuất điều chỉnh sản lượng gạo xuất khẩu phù hợp với năng lực bốc xếp gạo của các cảng trong một tháng vào khoảng 600.000 tấn. Nghĩa là có thể bổ sung xem xét bổ sung thêm 200.000 tấn gạo xuất khẩu ngay trong tháng 4.