Tuyên bố được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra tại cuộc họp báo kết thúc chuyến công du tới Davos tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong bối cảnh, phiên điều trần luận tội đầu tiên tại Thượng viện mới kết thúc trước đó vài giờ và chuẩn bị tiếp tục bước sang phiên điều trần tiếp theo.
"Tôi để lại vấn đề này cho Thượng viện. Tôi sẽ quay trở về Washington và chấp hành thủ tục tố tụng", ông Trump nói.
Người đứng đầu Nhà Trắng một lần nữa gọi những lời buộc tội chống lại ông bởi đảng Dân chủ là "lừa dối", và cũng bày tỏ hy vọng rằng các thượng nghị sĩ "sẽ giải quyết vấn đề này".
Trước đó, trong phiên điều đầu tiên, Thượng viện đã phê chuẩn nghị quyết do Lãnh đạo phe đa số Cộng hoà tại Thượng viện Mitch McConnell đề xuất về các quy định xét xử luận tội Tổng thống Trump sau 13 tiếng thâu đêm với những màn tranh luận gay gắt.
Toà nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters.
Kết quả bỏ phiếu ghi nhận toàn bộ 53 thượng nghị sĩ Cộng hoà bỏ phiếu thuận và 47 thượng nghị sĩ Dân chủ còn lại bỏ phiếu chống. Kết quả mang đậm tính chất đảng phái này cho thấy, các màn tranh luận dường như không có ảnh hưởng gì đến kết quả bỏ phiếu.
Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer (New York) đại diện cho phe Dân chủ đã đề xuất 11 điều khoản sửa đổi đối với nghị quyết đề xuất của ông McConnell, bao gồm cho phép thu thập các ghi chép và tài liệu của Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Văn phòng Quản lý và Ngân sách liên quan đến các thỏa thuận của ông Trump với Ukraine, triệu tập quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney ra làm nhân chứng...
Tuy nhiên, mọi đề xuất sửa đổi của các nhà lập pháp Dân chủ đều bị Thượng viện bác bỏ thông qua bỏ phiếu, dù phe Dân chủ đã cố kéo dài phiên điều trần đến tận đêm khuya.
Ông Micth McConnell trước đó tuyên bố, ông quyết tâm hoàn thành thủ tục luận tội càng sớm càng tốt. Và đúng như vậy, theo nghị quyết được thông qua, các luật sư bào chữa cho ông Trump, và các công tố viên được bầu bởi đảng Dân chủ tại Hạ viện, dẫn đầu là Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff, sẽ có 24 giờ trong 3 ngày làm việc để đưa ra lập luận.
Sau đó, 16 giờ sẽ được chia đều cho các bên để trả lời câu hỏi từ các thượng nghị sĩ, lúc này đóng vai trò là bồi thẩm đoàn. Quá trình này không giới hạn số ngày làm việc.
Sau khi kết thúc quá trình này, một cuộc tranh luận kéo dài 4 giờ sẽ diễn ra nhằm xác định xem, có nên gọi nhân chứng đến trình diện và yêu cầu tài liệu bổ sung nào hay không. Nếu không có nhân chứng nào được gọi, Thượng viện sẽ bỏ phiếu 2 lượt cho 2 tội danh lạm quyền và cản trở Quốc hội.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi lập tức đã chỉ trích nghị quyết này. Theo bà, nghị quyết này sẽ khiến yêu cầu triệu tập nhân chứng và cung cấp các tài liệu liên quan bị loại bỏ.
Ông Chuck Schumer thì gọi nghị quyết mà nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện đưa ra là "nỗi nhục quốc gia". "Các quy định của McConnell dường như được soạn thảo bởi Tổng thống Trump và vì ông ấy. Nghị quyết yêu cầu Thượng viện xúc tiến phiên xét xử nhanh nhất có thể và khiến việc thu thập chứng cứ khó khăn nhất có thể", nhà lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện gay gắt.
Trong khi đó, tác giả của nghị quyết đã được Thượng viện phê chuẩn, Mitch McConnell, tuyên bố, ông sẽ không nhún nhường trước phe Dân chủ.
"Tôi sẽ từ chối những sửa đổi của phe Dân chủ và bảo vệ tiền lệ được cả hai bên ủng hộ. Chúng tôi đang nói về thủ tục luận tội Tổng thống Mỹ thứ 42 Bill Clinton", lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện nhấn mạnh.