GDP (tổng sản phẩm trong nước) được nói đến nhiều, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ khái niệm này, thưa ông?
Trước hết, cần phải hiểu, GDP là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp quan trọng, phản ánh “toàn bộ kết quả cuối cùng của các hoạt động sản xuất của tất cả các đơn vị thường trú trong nền kinh tế của một nước trong một thời kỳ nhất định (quý, 6 tháng, 9 tháng và năm); phản ánh các mối quan hệ trong quá trình sản xuất, phân phối thu nhập, sử dụng cuối cùng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế quốc dân”.
GDP theo giá thực tế thường được dùng để nghiên cứu về cơ cấu và sự biến động về cơ cấu kinh tế theo ngành, nhóm ngành, loại hình kinh tế, mối quan hệ giữa kết quả sản xuất với phần huy động vào ngân sách nhà nước và phúc lợi xã hội. GDP theo giá so sánh dùng để đánh giá tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, của các ngành, loại hình, khu vực, nghiên cứu sự thay đổi về khối lượng hàng hóa và dịch vụ mới được tạo ra theo thời gian.
Dưới các góc độ khác nhau, GDP mang ý nghĩa và nội dung khác nhau.
Xét về góc độ sử dụng (chi tiêu), GDP là tổng cầu của nền kinh tế, bao gồm: tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ, tích lũy tài sản và chênh lệch xuất - nhập khẩu.
Xét về góc độ thu nhập, GDP gồm thu nhập của người lao động, thuế sản xuất, khấu hao tài sản cố định dùng cho sản xuất và giá trị thặng dư sản xuất trong kỳ.
Xét về góc độ sản xuất, GDP bằng giá trị sản xuất trừ đi chi phí trung gian.
Từ các góc độ khác nhau, GDP được tính theo 3 phương pháp khác nhau, gồm: phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng cuối cùng và phương pháp thu nhập.
Như vậy, muốn xác định GDP bình quân đầu người, chỉ việc lấy GDP chia cho dân số, thưa ông?
Về cơ bản là như vậy. GDP/người có thể tính theo giá thực tế (bằng nội tệ hoặc ngoại tệ), cũng có thể tính theo giá so sánh khi tính tốc độ tăng.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, GDP/người là một trong những chỉ tiêu thống kê kinh tế tổng hợp quan trọng phản ánh kết quả sản xuất tính bình quân đầu người trong một năm. GDP/người còn là chỉ tiêu được dùng để đánh giá sự phát triển kinh tế theo thời gian và so sánh quốc tế.
Vậy GDP/người và thu nhập bình quân có khác nhau không, thưa ông?
Nhiều người thường đánh đồng GDP/người và thu nhập bình quân đầu người, trong khi 2 chỉ số này khác nhau do cách tính toán khác nhau.
GDP/người như tôi đã trình bày ở trên. Còn thu nhập bình quân đầu người là chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng phản ánh “mức thu nhập và cơ cấu thu nhập của các tầng lớp dân cư”. Chỉ tiêu này dùng để đánh giá mức sống, phân hóa giàu nghèo, tính tỷ lệ nghèo làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách nhằm nâng cao mức sống của nhân dân, xóa đói, giảm nghèo. Thu nhập bình quân đầu người được tính toán trên cơ sở cuộc khảo sát mức sống dân cư hộ gia đình do Tổng cục Thống kê điều tra định kỳ 2 năm/lần.
Để tính được chỉ tiêu này, trước hết phải tính được thu nhập của hộ dân cư. Thu nhập của hộ dân cư là toàn bộ số tiền và giá trị của hiện vật sau khi trừ chi phí sản xuất mà hộ dân cư và các thành viên của hộ nhận được trong 1 thời kỳ nhất định, thường là 1 năm.
Đó chính là lý do vì sao GDP/người và thu nhập bình quân đầu người luôn có khoảng cách?
GDP/người và thu nhập bình quân đầu người có một yếu tố trùng nhau là thu nhập của người lao động (thu từ sản xuất). Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người không bao gồm thuế sản xuất (thu của nhà nước) và khấu hao tài sản cố định, thặng dư sản xuất (thu của doanh nghiệp), nhưng thu nhập bình quân đầu người lại bao gồm cả phần thu nhập từ sở hữu và chuyển nhượng.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh (hiện đóng góp 17-18% GDP), góp phần tăng GDP. Có ý kiến cho rằng, đây là nguyên nhân khiến GDP/người và thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam có khoảng cách rất lớn. Ông bình luận về nhận định này thế nào?
Theo số liệu điều tra về GDP và thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2006 - 2012 của Tổng cục Thống kê vừa công bố, thì trong giai đoạn này, GDP/người tăng liên tục, từ 795 USD năm 2006 lên 1.771 USD năm 2012; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 477 USD lên 1.150 USD. GDP/người năm 2012 gấp 2,22 lần năm 2006, trong khi thu nhập bình quân đầu người năm 2012 gấp 2,41 lần năm 2006. Nếu như năm 2006, thu nhập bình quân đầu người bằng 59,94% GDP/người thì đến năm 2012 tỷ lệ này là 64,95%.
Số liệu trên cho thấy, thu nhập bình quân đầu người tăng một phần nhờ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vì khu vực này góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp có thu nhập thấp và thiếu ổn định sang phi nông nghiệp, tạo việc làm mới, nâng cao hiệu quả sản xuất…