Dấu ấn người lãnh đạo
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2015, nhiều cổ đông của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) thể hiện sự băn khoăn, lo lắng khi bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc khi đó chuẩn bị nghỉ hưu. Sau gần 4 thập niên cống hiến, dấu ấn và uy tín của bà Liên quá lớn, để lại thách thức không nhỏ cho người kế nhiệm.
Một cổ đông trăn trở về người kế nhiệm vị trí lãnh đạo tại VNM: “Nếu là người có tâm và có tầm như bà Liên thì người của ai cũng đều tốt cả. Chỉ lo không được như vậy thì có thể trở thành thảm họa”.
Nhiều nhà đầu tư e ngại Vinamilk đã tăng trưởng cao thời gian qua, liệu còn khả năng tăng trưởng nữa không? Tôi thì rất tự tin. Nhu cầu đang tăng rất cao, tôi cho rằng, đó là cơ hội vàng trong 10 năm tới.
- Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM)
Lãnh đạo VNM khi đó chia sẻ: “Tôi đã kiêm nhiệm chức Chủ tịch và Tổng giám đốc trong nhiều năm. Năm nay là năm bản lề để Công ty đào tạo thế hệ kế cận”.
Thực tế cho thấy, hầu hết doanh nghiệp thuộc nhóm vốn hóa tỷ USD đều có dấu ấn đậm nét của những người lãnh đạo trong quản lý, điều hành, thậm chí trở thành “linh hồn” của doanh nghiệp. Ảnh hưởng của doanh nhân Phạm Nhật Vượng với VIC, Trần Đình Long, Trần Tuấn Dương với HPG, Nguyễn Đức Tài với MWG… là không thể phủ nhận, đóng vai trò quan trọng làm lên thành công và tên tuổi của công ty, tạo được sự tin tưởng với cổ đông, nhà đầu tư, đối tác, khách hàng.
Hấp dẫn dòng vốn ngoại
Một đặc điểm của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam, nhất là các quỹ đầu tư, đó là xu hướng tìm đến các doanh nghiệp đầu ngành. MSN, VCB, MBB, CTG, BID luôn nằm trong danh sách được cổ đông ngoại nắm giữ cổ phiếu ở tỷ lệ sở hữu tối đa cho phép, đồng thời thể hiện mong muốn mở “room” đến cơ quan quản lý để họ có thể tăng sở hữu tại doanh nghiệp.
GAS, VIC, HPG, BVH cũng luôn nằm trong danh sách đầu tư của các quỹ tên tuổi như Dragon Capital, Deutsche Bank, Market Vectors Vietnam ETF, Norges Bank…
Với VNM, sau khi mở room và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố kế hoạch thoái vốn đã thu hút nhiều quỹ và tổ chức nước ngoài quan tâm. Trong đợt đấu giá 9% cổ phần VNM vừa qua, nhóm cổ đông lớn F&N đã mua thêm 5,4% cổ phần từ SCIC, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài vượt 50%.
Ngoài gia tăng sản lượng, chúng tôi tiếp tục có những giải pháp đồng bộ để tăng cường hiệu quả trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thích hợp theo hướng nâng cao giá trị, qua đó giữ vững và phát triển thị phần theo hướng ổn định, góp phẩn tăng trưởng lợi nhuận.
- Ông Võ Thanh Hà,Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB)
Hay tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB), do phần nắm giữ của Bộ Công thương lên đến hơn 89%, Heineken nắm hơn 5%, chỉ có khoảng 6,5 triệu cổ phiếu SAB tự do giao dịch, cổ đông ngoại vẫn nắm giữ tới gần 9,5%, khiến lượng cổ phiếu tự do bên ngoài không nhiều. Trước khi lên sàn niêm yết, nhiều tổ chức nước ngoài đã lên tiếng muốn mua thêm cổ phần SAB từ Bộ Công thương.
Ông Jean Eric Jacquemin, Giám đốc Quỹ Red River Holding từng chia sẻ: “Chúng tôi tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam rất chọn lọc, tập trung vào những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản vững chắc, nguyên tắc quản trị doanh nghiệp lành mạnh và có khả năng tạo ra sự cộng hưởng giữa các công ty đầu tư trong danh mục”.
Để lọt vào “mắt xanh” của các nhà đầu tư ngoại, nhất là các tổ chức, các quỹ uy tín là không dễ. Do đó, đẳng cấp của doanh nghiệp một phần thể hiện qua sức hấp dẫn những tổ chức đầu tư nước ngoài vốn nổi tiếng khó tính và tìm hiểu rất kỹ trước khi quyết định đầu tư. Hàng tốt thì không sợ không có người mua.
Sinh lợi từ đầu tư vào doanh nghiệp tỷ USD
Trong bài viết kỳ trước đã phần nào cho thấy mức sinh lợi lớn của nhà đầu tư tin tưởng vào SAB, ROS, HPG và MWG - những doanh nghiệp có bước tiến thần tốc, gia nhập “câu lạc bộ” vốn hóa tỷ USD trong năm 2016. Đây là 4/5 cổ phiếu có mức sinh lợi cao nhất trong năm 2016 thuộc “câu lạc bộ” này.
Cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp khác cũng đem lại mức sinh lợi cao trong dài hạn, dù có sự phân hóa khá mạnh, nhất là trong ngắn hạn.
Cổ phiếu VNM luôn được nhà đầu tư xếp vào dòng “cơ bản, dài hạn”, nhờ vào kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định, cơ cấu tài chính lành mạnh, cổ tức đều đặn, được coi là một trong những cổ phiếu thành công nhất đối với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong hơn 10 năm qua.
Trong cuộc trò chuyện với Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng để tìm cách giúp nông dân vượt khó khăn, Tổng giám đốc VNM Mai Kiều Liên có nói, nếu nắm giữ cổ phiếu VNM khi cổ phần hóa năm 2003 đến nay thì chắc không cần phải nuôi bò sữa cũng “khỏe”. Một phép tính được đưa ra, bỏ ra 10 triệu đồng để mua 1.000 cổ phiếu VNM khi cổ phần hóa, thì với giá thị trường hiện tại là 125.000 đồng/cổ phiếu, giá trị khoản đầu tư lên đến hơn 450 triệu đồng, bao gồm cổ tức.
Cổ phiếu VIC, GAS cũng đem lại cho nhà đầu tư khoản lợi nhuận không nhỏ. Trước khi cơn bão giá dầu càn quét từ cuối năm 2014, có thời điểm cổ phiếu GAS đạt mức giá trên 120.000 đồng/cổ phiếu, gấp đôi thị giá hiện tại.
Bạn cứ làm cho tốt đi rồi những người có tiền sẽ tìm đến bạn. Họ có xu hướng tìm đến và đưa tiền cho bạn.
- Ông Nguyễn Đức Tài,Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG)
Riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng mang lại mức sinh lợi thấp, nhà đầu tư nắm giữ BID và CTG từ khi niêm yết sẽ phải chịu lỗ, còn trong năm 2016, có 3 cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng đem lại mức lợi nhuận âm. Có thể, những khó khăn trong suốt giai đoạn tái cấu trúc các tổ chức tín dụng vừa qua với những vấn đề nợ xấu, trích lập dự phòng, sáp nhập ngân hàng yếu kém đã khiến suất sinh lợi của nhóm này không thực sự tốt.
Cũng phải nói thêm, BID, CTG hay VCB, đặc thù là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước là cổ đông nắm quyền chi phối, quản lý, điều hành, quyết định những định hướng, chính sách. Với vai trò chủ đạo của ngân hàng là giữ ổn định nền tài chính quốc gia, tín nhiệm của nhân dân vào tiền tệ của Nhà nước, hiệu quả kinh doanh có vai trò quan trọng, nhưng không phải ưu tiên số 1 trong mục tiêu điều hành của cổ đông chi phối này. Trong giai đoạn tái cơ cấu tổ chức tín dụng, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng mạnh phải tham gia sáp nhập, hợp nhất, xử lý các ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu, mặc dù có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động, các chỉ số tài chính của ngân hàng tham gia xử lý.
Thành công của doanh nghiệp không thể thiếu dấu ấn của những nhà quản trị, lãnh đạo trong việc định hướng phát triển và chèo lái doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức sinh lợi của cổ phiếu lại phụ thuộc vào “khẩu vị” của thị trường và mức độ chuyên nghiệp trong đánh giá của nhà đầu tư.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG)
Quan điểm của chúng tôi là sản xuất thép trong một chặng đường dài, chứ không nhìn vào hiện tượng và luôn nằm trong nhóm kiểm soát tốt nhất chi phí, nên nếu có “sập” thì Hòa Phát sẽ là người “chết” cuối cùng.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (FLC)
Chúng tôi kiên định con đường đã chọn, đó là đầu tư vào bất động sản. Chúng tôi sẽ có nhiều hơn nữa những công trình làm đẹp cho đời, có ý nghĩa cho xã hội và có tầm vóc lớn hơn, không chỉ sánh với các công trình lớn trong nước mà còn sánh với khu vực và quốc tế. Tôi tin là trong 15 năm tiếp theo, FLC sẽ tiếp nối câu chuyện: ở đâu có bãi biển đẹp, có tiềm năng du lịch, ở đó có dự án của FLC.
Ông Đào Đình Thi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt (BVH)
Với tầm nhìn giữ vững vị thế là tập đoàn tài chính - bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tiềm lực tài chính mạnh, tăng trưởng bền vững, hiệu quả, Bảo Việt đặt mục tiêu đến năm 2020 là doanh nghiệp giữ vị trí số 1 thị trường trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ; là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực quản lý quỹ, cung cấp các dịch vụ tài chính trong nước; có nền tảng, hạ tầng công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng tốt yêu cầu quản trị, kinh doanh trên toàn hệ thống.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB)
Từ năm 2016, chúng tôi có niềm tin vững chắc là Vietcombank sẽ kiểm soát được chất lượng tín dụng, giảm được trích lập dự phòng. Đây là cơ sở để Vietcombank đặt mức tăng trưởng lợi nhuận cho năm 2016 lớn nhất từ trước đến nay.
Cùng với đó, các chỉ tiêu khác cũng được Vietcombank đạt ra với một mốc cao mới.