Hiện giá cát xây dựng đã giảm mạnh và không còn xảy ra tình trạng khó mua hàng như thời điểm giữa năm 2017, thời điểm giá cát xây dựng tăng cao kỷ lục trong nhiều năm.
Cụ thể, nếu khoảng tháng 7/2017, cát xây dựng được trào bán với giá 500.000 - 700.000 đồng/m3, thì hiện giảm về mức khoảng 200.000 - 400.000 đồng/m3. Tùy thuộc vào điều kiện vận chuyển, giá sẽ tăng thêm, nhưng mức tăng không quá 100.000 đồng/m3.
Theo báo giá của một cửa hàng buôn bán cát xây dựng trên địa bàn quận 9, TP.HCM, giá cát san lấp hiện nay là 200.000 đồng/m3, cát xây tô là 350.000 đồng/m3 và cát bê tông được bán với giá 400.000 đồng/m3.
Ông Hoan, chủ cửa hàng này cho biết, giá cát tăng cao trong những tháng giữa năm 2017 chủ yếu do ảnh hưởng bởi nguồn cung bị giảm mạnh, nhất là sau khi nhiều địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát trái phép. Đến nay, giá cát giảm có thể là do hoạt động khai thác cát dần đã đi vào quỹ đạo, các doanh nghiệp, cũng như cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng đã chủ động tìm nguồn hàng từ những nơi khai thác cát khác, nên có nguồn cung ổn định.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tại một số chủ bãi cát ở Đồng Nai, giá cát giảm là do việc khai thác cát hiện nay đã dễ dàng hơn, không còn khó khăn như trước. Thậm chí, nhiều bến bãi còn xuất hàng về miền Tây để tiêu thụ, vì nguồn cung nhiều.
Không chỉ giá cát, giá một số vật liệu xây dựng khác như gạch, thép cũng đã dễ thở hơn so với các đây 1 năm, nhưng khó khăn vẫn chưa qua với dân xây dựng.
Tại một khu công trình xây dựng ở quận Gò Vấp (TP.HCM), vào buổi trưa giữa tháng 6, hàng chục công nhân vẫn miệt mài với công việc của mình. Những ngôi nhà đang trong giai đoạn hoàn thành vẫn còn ngổn ngang cát, đá, xi măng, sắt thép…
Anh Nam, chủ thầu xây dựng chia sẻ, từ cuối tháng 5 đến giờ, thời tiết hay mưa về buổi chiều nên động viên thợ tranh thủ làm cố vào buổi trưa. Biết là thợ cực, nhưng cũng phải cố gắng cho kịp tiến độ.
“Làm nghề này trèo cao, vác nặng, đội nắng, đội mưa riết rồi coi như chuyện bình thường, nhưng cực nhất là vào mùa mưa, vì công việc khó khăn, nguy hiểm và vất vả hơn nhiều. Có hôm đi từ nhà qua đây, nhưng gặp trời mưa, nên phần lớn công việc không thể giải quyết được”, anh Nam nói và cho biết thêm, với nghề xây dựng, công việc đa phần chỉ có thể làm khi trời nắng, còn khi trời mưa, chỉ làm được một số công việc lặt vặt nhỏ, hoặc làm các phần bên trong nếu công trình đã cơ bản hoàn thành phần thô.
Tương tự, anh Tấn, một chủ thầu xây dựng hiện đang thực hiện một số công trình tại quận 9, TP.HCM cho biết, nhiều công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện, chỉ còn quét sơn nữa là xong, nhưng nửa tháng nay vẫn chưa thể làm được.
“Do trời mưa nên không thể bắt giàn giáo để sơn được. Bởi nếu thi công trong điều kiện thời tiết không đảm bảo, thì sơn sẽ không khô, rất dễ bị bong tróc, thậm trí là mốc, làm ảnh hưởng đến chất lượng của ngôi nhà”, anh Tấn chia sẻ.
Cũng đầy tâm trạng lo lắng vì thời tiết, anh Huỳnh Văn Út (quê ở Bạc Liêu), đang làm công trình ở phường Long Trường, quận 9 trầm ngâm: “Đúng ra hôm nay phải bắt giàn giáo tô các bức tường mặt ngoài, nhưng do trời cứ chuyển mưa, nên chỉ dán gạch lên các mặt phòng trước. Thường các công đoạn đổ đà, đổ mâm, xây tường… khi làm vào trời mưa sẽ rất dễ bị sập”.
Theo anh Út, vào mùa mưa, các công trình mới bắt đầu xây dựng thường đa phần là không làm được. Bên cạnh đó, nếu mưa nhiều quá mà vẫn cứ xây dựng, thì chất lượng công trình thường giảm sút.
“Làm nghề này, trời mưa rầu lắm. Nếu công việc đều đặn thì một ngày tôi thu nhập hơn 300.000 đồng, nhưng đầu tháng đã nghỉ mấy ngày vì trời mưa rồi, chắc tháng này kiếm không được bao nhiêu”, anh Út tâm sự.
Có hơn 8 năm kinh nghiệm làm việc tại các công trình xây dựng, ông Nguyễn Công Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển xây dựng Tấn Tài chia sẻ, các chủ thầu và chủ đầu tư nên tính toán và cân nhắc thời gian triển khai công trình cho kỹ để tránh tình trạng chậm tiến độ vì lý do thời tiết.
“Khi nhận các công trình, tôi thường cho thợ làm những phần bên ngoài trước để khi tới mùa mưa thì tập trung vào làm các công việc bên trong. Như vậy, có thể đảm bảo chất lượng và không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ xây dựng”, ông Tấn chia sẻ.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com