Khi Li Jing, một nhân viên tài chính, trở về làng quê của mình ở vùng đông nam Trung Quốc để ăn tết Âm lịch, cô bất ngờ khi thấy giá nhà tăng hẳn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Li Jing quay lại thành phố, mang theo ấn tượng rằng tất cả họ hàng và bạn học cũ của mình đang đổ xô đi vay tiền để mua đất ở Vạn An, một thị trấn nhỏ thuộc hạng nghèo nhất nước ở tỉnh Giang Tây, theo SCMP.
Giá nhà tăng mạnh ở siêu thành phố Thâm Quyến, nơi cô đang sống và làm việc, khiến việc sở hữu một căn nhà nhà vượt quá tầm tay của Li.
Do đó, cô bị chị em và họ hàng - những người đã mua căn hộ ở Vạn An năm trước - thuyết phục nên tận dụng thời cơ mua nhà ở quê.
Li đang phân vân nên mua một căn hộ ở thành phố với giá 5.500 tệ/m2 (khoảng 875 USD/m2) hay mua một căn hộ 100 m2 với giá rẻ hơn nhiều ở quê nhà, nơi người dân vẫn không thể mua nổi.
Năm 2014, hơn 42.000 trong tổng số 300.000 dân của huyện Vạn An sống dưới mức nghèo khổ, tức là chưa kiếm nổi 500 USD một năm. Huyện mới chỉ ra khỏi danh sách "siêu nghèo" của Trung Quốc từ tháng 2 năm nay.
Nằm ngoài vùng phủ sóng của các thống kê bất động sản quốc gia, một bong bóng bất động sản đang lặng lẽ phình lên ở những vùng xa xôi hẻo lánh của Trung Quốc, trong khi giá nhà đất ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến đứng im.
Câu chuyện tương tự diễn ra ở huyện Tử Kim và Dương Tây ở tỉnh Quảng Đông, hay huyện Bí Dương ở Hà Nam và huyện Tề Hà ở tỉnh Sơn Đông, những nơi có giá bất động sản tăng cao.
Ví dụ, ở Tề Hà, giá bất động sản trung bình tăng hơn 50% vào năm 2016, từ 635 USD/m2 lên 950 USD/m2.
Mức vay nợ hộ gia đình tăng đột biến ở các khu vực nông thôn này thường không được thống kê, do Tổng cục Thống kê Trung Quốc thường bỏ qua phần lớn vùng trên cả nước mà chỉ thu thập dữ liệu của 70 thành phố lớn.
Trung Quốc có dữ liệu về lượng tiền các gia đình vay từ ngân hàng, nhưng không tách biệt vùng nông thôn và thành thị.
Theo thống kê của Viện Tài chính và Phát triển quốc gia, tỉ lệ vay nợ của các hộ gia đình so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng lên mức 49% vào cuối năm 2017, so với con số 17,9% vào cuối năm 2008. Điều đó cho thấy các hộ gia đình Trung Quốc đang vay nợ với một tốc độ chưa từng có.
Với 280 triệu người Trung Quốc phải rời nhà đến sống tại nơi làm việc, thu nhập của họ trở nên bất ổn hơn và cũng dễ bị ảnh hưởng nếu suy thoái kinh tế diễn ra.
Với những người sống ở nông thôn hay dân nhập cư vay nợ để mua nhà, gia đình họ có thể sẽ gặp khó khăn về tài chính nếu cần tiền mặt cho các vụ việc phát sinh trong lúc trả nợ, ông Ning Le, nghiên cứu viên ở Viện nghiên cứu cao cấp thuộc Đại học Tài chính Thượng Hải, cho biết.
"Tỉ lệ vay nợ so với mức thu nhập sẵn có của các hộ gia đình sẽ tiếp tục tăng. Điều đó có khả năng gây ra một cuộc điều chỉnh giá khủng khiếp nếu thị trường việc làm của Trung Quốc giảm đi hay thu nhập giậm chân tại chỗ", ông nói.
Lượng tiền thừa lưu thông kết hợp với giá bất động sản tăng cao đã tạo ra tư duy "nếu không mua nhà bây giờ thì sẽ không bao giờ mua nổi" trong người dân Trung Quốc. Tư duy đó đã lan từ các thành phố lớn hiện đại tới những vùng nghèo.
Những cư dân trẻ ở vùng nông thôn Trung Quốc không còn duy trì truyền thống dựng nhà trên đất của mình ở làng hoặc thị trấn nơi họ sinh ra, mà chuyển sang vay nợ để tăng số tiền đặt cọc cho bất động sản mới ở thành phố hay thị trấn cấp huyện, với hy vọng thu lợi từ bong bóng nhà đất.
"Những người dự định ở lại làng và xây nhà bị coi là những kẻ đần. Nếu không có nhà ở thành phố hay thị trấn lớn, thanh niên độc thân sẽ khó tìm được bạn gái. Tất cả những người sinh sau thập niên 70 ở làng mà tôi biết đều có kế hoạch mua hoặc đã mua một căn hộ ở thị trấn bằng cách vay thế chấp", Li nói.
Người dân xem triển lãm bất động sản ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam năm 2016 Ảnh:Reuters.
Ở khu vực trung tâm thị trấn của Vạn An, phong cách sống đô thị đang dần hình thành với các rạp chiếu phim và trung tâm mua sắm, giúp nơi này trở nên hấp dẫn với thế hệ trẻ hơn cuộc sống làng quê tẻ nhạt.
Đó là một phần trong công cuộc đô thị hóa khổng lồ của Trung Quốc, trong đó hàng trăm triệu người sẽ chuyển từ vùng đồng quê tới sống tại các thành phố.
Một đặc trưng của trào lưu này ở những vùng nội địa như Gang Tây là nhiều người mua bất động sản gần nhà nhưng không sống ở đó, do nền kinh tế địa phương không tạo đủ việc làm nên họ phải tới các thành phố lớn để mưu sinh. Nhà cho thuê thường khó bán hơn, do đó các căn hộ họ mua thường bị để không.
Cuối năm 2016, Xu Yunong, anh rể của Li, người làm nghề trang trí nội thất ở Thâm Quyến, đã vay 7.900 USD từ họ hàng. Kết hợp với khoản tiền tiết kiệm, anh và vợ đã có 27.800 USD, tương đương 30% giá trị căn nhà, dùng để đặt cọc mua căn hộ 115 m2 ở Vạn An. Từ khi họ mua tới nay, giá căn hộ đã tăng lên 33%.
Sau khi nói chuyện với Xu, Li Nianghong - em họ của Li Jing, một bưu tá ở thành phố công nghệ Hàng Châu, đã quyết định mua một căn hộ 93 m2 mới ở Vạn An vào tháng 2/2017. Đến nay, giá trị căn hộ đã tăng 25%.
Cách Vạn An khoảng 1.000 km, Xiao Yinghong, người quê ở Tử Kim, tỉnh Quảng Đông, đang làm nghề trông trẻ ở Thâm Quyến, đã cố vun vén được 25.400 USD vào năm 2017 để trả mức đặt cọc tối thiểu cho một căn hộ lớn ở Tử Kim.
Cô hài lòng với quyết định đó do năm ngoái, giá nhà ở Tử Kim - huyện vẫn thuộc diện nghèo của Trung Quốc - đã tăng hơn 20%, trong khi giá bất động sản ở Thâm Quyến gần như không xê dịch.
Cả ba người nhập cư này đều dễ dàng vay tiền ngân hàng để mua các căn hộ kể trên, và phải trả góp khoảng 380 - 440 USD hàng tháng trong 15 năm.
Người nhập cư thường kiếm được khoảng 440 USD một tháng nếu làm nghề dọn dẹp hay bảo vệ, nhưng có thể có thu nhập lên tới 800 USD nếu làm công nhân hoặc giữ trẻ.
Họ mất 130 - 160 USD một tháng tiền thuê nhà ở thành phố lớn. Tất cả đều tin rằng bong bóng bất động sản sẽ tiếp tục phình lên và giá nhà năm nay sẽ còn tăng nhanh hơn năm 2017.
"Nói thật, tôi chẳng bán được gì từ 2013 đến cuối 2016. Nhưng sau đó nhà đột nhiên bán rất nhanh. Giờ thì mua căn hộ rất khó", một nhà phát triển bất động sản ở Vạn An, người đã bán được 500 căn hộ ở huyện này từ cuối 2016 cho biết. Anh cũng cho biết giá đất đã tăng gấp đôi trong giai đoạn đó.
Simon Zhao, giám đốc sáng lập Trung tâm nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, cho biết bong bóng nhà đất dựa trên tiền vay nợ ở vùng nông thôn phát triển theo xu hướng ở các thành phố lớn như Thâm Quyến, nơi giá bất động sản tăng gấp đôi, thậm chí là gấp ba trong giai đoạn 2014-2016.
"So với tầng lớp trung lưu ở các thành phố, rủi ro khi vay nợ của người dân nông thôn cao hơn, do công việc và thu nhập của họ không ổn định. Một người giữ trẻ hay phục vụ bàn sẽ phải dành nửa tháng lương trả nợ nếu tính theo giá nhà năm 2017", ông cho biết.
Mặt khác, điều ngược đời là nếu sống trong căn nhà mới, họ sẽ không kiếm đủ tiền để trả nợ. Do đó, họ phải đến thành phố làm việc, bỏ không bất động sản của mình. Tuy nhiên, nhiều người vui vẻ làm điều đó vì tin rằng những căn nhà bỏ trống đó sẽ tiếp tục tăng giá một cách ngoạn mục.
Li Nianghong cho biết con trai ba tuổi sẽ tới sống với vợ chồng anh ở Hàng Châu, nơi anh tiếp tục làm công việc đưa thư. Sau đó, cậu bé sẽ được gửi về với ông bà để đi học.
"Đến lúc đó, tôi tin giá nhà ở ạn An sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba", anh nói.