Dân khổ sở vì kế hoạch sử dụng đất hàng năm

0:00 / 0:00
0:00
Người dân tại TP.HCM phải chờ đợi cả năm trời để chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ việc xây nhà. Chính quyền TP.HCM cho rằng, việc lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm không còn phù hợp và kiến nghị bỏ quy định này trong Luật Đất đai sửa đổi.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chậm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm, dân thiệt thòi

Ông Đinh Công Khương, ngụ ở quận 11 cho biết, năm 2017, gia đình ông đấu thầu khu đất gần 1.800 m2 ở phường Tân Phú (quận 7) do ngân hàng phát mãi. Từ năm 2020 đến nay, ông đã gửi hồ sơ lên UBND quận 7 tới 5 lần, nhưng chưa được giải quyết.

Theo ông Khương, khu đất này thuộc đất khu dân cư hiện hữu được quy hoạch là đất ở. Trước đó, TP.HCM đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2021, vì Covid-19, nên gia đình ông chưa chuyển mục đích sử dụng. Sang năm 2022, gia đình ông tiếp tục làm hồ sơ chuyển mục đích sử dụng, thì được UBND quận 7 trả lời: chờ Thành phố phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022.

“Việc chậm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 khiến gia đình tôi bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Vậy TP.HCM có giải pháp gì để rút ngắn thời gian ban hành kế hoạch sử dụng đất hàng năm, để người dân không bị thiệt thòi như tôi”, ông Khương đặt vấn đề.

Cũng gặp vướng mắc liên quan đến kế hoạch sử dụng đất hàng năm, ông Lê Vĩnh Châu, ngụ tại phường Long Phước (TP. Thủ Đức) chia sẻ, gia đình ông xin chuyển mục đích sử dụng 200 m2 từ đất trồng cây lâu năm thành đất ở để xây nhà cho con trai ra ở riêng. Hồ sơ đã nộp từ cuối năm ngoái, nhưng đến nay chưa được chuyển mục đích sử dụng vì kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của TP. Thủ Đức chưa được phê duyệt.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, tại TP. Thủ Đức hiện có nhiều gia đình muốn chuyển mục đích sử dụng đất để xây nhà, song chưa thực hiện được vì kế hoạch sử dụng đất năm 2022 chưa được phê duyệt.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức xác nhận, người dân rất bức xúc về tình trạng chậm giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất vì vướng mắc trong khâu lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Theo quy trình, người dân đăng ký sử dụng đất theo nhu cầu, sau đó địa phương lập hồ sơ, trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định để UBND TP.HCM phê duyệt.

Không cần thiết, gây lãng phí

Theo quy định của Luật Đất đai 2013, kế hoạch sử dụng đất hàng năm phải được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt trước ngày 31/12 của năm trước đó. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM cho biết, qua khảo sát thực tế của HĐND, tại TP.HCM, nhiều năm nay, kế hoạch sử dụng đất năm nào cũng chậm hơn quy định. Sự chậm trễ này không những chưa được khắc phục, mà còn trầm trọng hơn. Hiện đã bước sang quý IV/2022, mà kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của nhiều quận, huyện vẫn chưa được duyệt.

“Việc chậm phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Không có kế hoạch sử dụng đất, thì không làm được thủ tục về đất đai. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng”, bà Vân nói.

Từ thực tế ở địa phương, ông Kha Văn Phước, Trưởng phòng Tài nguyên (UBND huyện Cần Giờ) cho biết, chỉ riêng quy trình tại cấp huyện đã mất gần 3 tháng, cộng thêm quy trình từ huyện lên sở, từ sở lên UBND Thành phố, mất rất nhiều thời gian, chưa kể, nếu có sai sót thì phải trả lại, bổ sung hồ sơ.

Để rút ngắn thời gian phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, một số quận, huyện kiến nghị HĐND và UBND TP.HCM, mỗi năm nên có 2 đợt phê duyệt, ưu tiên danh sách hộ gia đình, nhà riêng lẻ theo hạn mức đất ở nhằm giải quyết nhu cầu cho người dân.

Giải trình với HĐND TP.HCM tại đợt giám sát vào đầu tháng 10/2022, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, từ bước chuẩn bị đến khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm mất rất nhiều thời gian và gần như không thể ban hành trước ngày 31/12 hằng năm như quy định.

Theo ông Thắng, TP.HCM đã có quy hoạch 5 năm được phê duyệt, có quy hoạch sử dụng đất 10 năm và quy hoạch xây dựng đô thị. Do vậy, việc lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm có thể chỉ mang tính hình thức. Hơn nữa, khi vừa làm xong kế hoạch sử dụng đất của năm nay đã phải chuẩn bị để lập, rồi thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của năm sau, nên rất mất thời gian và lãng phí.

Tin bài liên quan