Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đang quản lý 14 cảng biển có vị trí quan trọng. Trong ảnh: cảng Quy Nhơn do VIMC quản lý.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đang quản lý 14 cảng biển có vị trí quan trọng. Trong ảnh: cảng Quy Nhơn do VIMC quản lý.

Đắn đo phương án cơ cấu lại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Phương án thoái vốn của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) tại một số doanh nghiệp cảng biển thành viên vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cao từ hai cơ quan quản lý trực tiếp.

Liên tục cơ cấu lại

Có hai điểm nhấn đáng chú ý trong Công văn số 13359/BGTVT - QLDN vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để tham gia ý kiến về Đề án cơ cấu lại VIMC.

Điểm nhấn đáng chú ý đầu tiên, với tư cách là cơ quan quản lý chuyên ngành về hàng hải, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nước tại doanh nghiệp nghiên cứu, có ý kiến đánh giá kết quả hoạt động giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu phát triển của VIMC giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và Nghị định số 115/2014/NĐ-CP ngày 3/12/2014 của Chính phủ quy định về chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh được giao của doanh nghiệp nhà nước.

Bộ GTVT lưu ý, việc đánh giá kết quả hoạt động, mục tiêu phát triển của VIMC cần gắn với Chiến lược đầu tư phát triển doanh nghiệp đã được phê duyệt, trong đó có Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 và Đề án Phát triển đội tàu biển của Việt Nam được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1254/QĐ-BGTVT ngày 29/9/2022.

Điểm nhấn đáng chú ý thứ hai là việc Bộ GTVT cho rằng, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, phần lớn các doanh nghiệp cảng biển sản xuất, kinh doanh của VIMC đều hiệu quả, việc trích lợi nhuận tạo nguồn lực để đầu tư, phát triển sản xuất trong giai đoạn 2021-2025 rất thuận lợi.

“VIMC là doanh nghiệp nhà nước, hiện quản lý trực tiếp và gián tiếp 14 cảng biển có vị trí địa lý quan trọng, liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước, do vậy, việc giảm tỷ lệ cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp cảng biển cần phải cân nhắc kỹ”, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT khuyến nghị.

Đội tàu của VIMC đang quản lý gồm 59 chiếc, trong đó có 4 tàu dầu (chiếm 5% tổng trọng tải đội tàu VIMC), 10 tàu container (chiếm 7% tổng trọng tải đội tàu VIMC), 45 tàu hàng khô (chiếm 88% tổng trọng tải đội tàu VIMC). Hầu hết các tàu được mua đã qua sử dụng hoặc đóng mới từ trước năm 2010, tuổi tàu trung bình là 20 tuổi.

Trước đó, nhóm người đại diện phần vốn nhà nước tại VIMC đã có báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xin ý kiến về Đề án Cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2015 - 2025. Đây là lần thứ hai trong khoảng 10 năm trở lại đây, VIMC triển khai Đề án cơ cấu lại tổng thể đơn vị trên ba trụ cột chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải.

Tại Dự thảo Đề án gửi đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước, VIMC đề xuất giảm tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ tại Công ty mẹ - VIMC từ 99,47% hiện nay xuống 65%; giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần nhà nước tại 5 công ty vận tải biển, trong đó có 4 đơn vị thoái toàn bộ vốn góp; thoái một phần vốn nhà nước tại 7 công ty kinh doanh, khai thác cảng biển; thoái toàn bộ vốn góp nhà nước tại 3 doanh nghiệp dịch vụ hàng hải - logistics và một phần vốn góp nhà nước tại 1 công ty dịch vụ hàng hải - logistics.

Cần phải nói thêm rằng, so với khi thực hiện Đề án Cơ cấu lại Vinalines (nay là VIMC), những nền tảng để triển khai việc sắp xếp, tổ chức lại “ông lớn” ngành hàng hải Việt Nam là rất thuận lợi.

Mặc dù còn phải chờ kết quả kiểm toán báo cáo tài chính để có số liệu chính xác, nhưng có đến 99% khả năng VIMC sẽ có năm kinh doanh thứ hai liên tiếp đạt lợi nhuận vượt mốc 3.000 tỷ đồng.

Cụ thể, doanh thu hợp nhất của VIMC trong năm 2022 ước đạt 15.041 tỷ đồng, bằng 105% cùng kỳ 2021 và 120% kế hoạch 2022, trong đó doanh thu Công ty mẹ - VIMC ước đạt 2.339 tỷ đồng, bằng 128% cùng kỳ năm 2021 và bằng 138% kế hoạch năm 2022.

Lợi nhuận hợp nhất của VIMC ước đạt 3.129,5 tỷ đồng, bằng 124% kế hoạch, trong đó lợi nhuận Công ty mẹ ước đạt 682 tỷ đồng, bằng 296% cùng kỳ 2021 và bằng 284% kế hoạch.

Cũng trong năm 2022, lợi nhuận toàn khối vận tải biển của VIMC ước đạt 1.869 tỷ đồng (bằng 174% cùng kỳ 2021; 144% kế hoạch 2022). Mặc dù không đạt kế hoạch, nhưng sản lượng khối cảng biển năm 2022 của VIMC ước đạt 124 triệu tấn (93% kế hoạch năm 2022). Lợi nhuận khối cảng biển năm 2022 ước đạt 1.550 tỷ đồng (93% kế hoạch năm 2022).

Giữ nguyên hay giảm tỷ lệ nắm giữ?

Điều đáng nói, chính kết quả kinh doanh thuận lợi trong 2 năm vừa qua lại là một trong những nguyên nhân khiến cả hai cơ quan quản lý trực tiếp lưỡng lự với kế hoạch thoái vốn của VIMC.

Trong văn bản mới gửi các bộ: GTVT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội, đề nghị tham gia ý kiến về Đề án Cơ cấu lại VIMC giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất, việc giảm tỷ lệ cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp thành viên trong 2 lĩnh vực: vận tải biển và dịch vụ hàng hải - logistics.

Tuy nhiên, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp lại cho rằng, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ tại Công ty mẹ - VIMC cần đảm bảo tối thiểu như hiện tại (99,47%).

Lý do được đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại VIMC đưa ra là, cảng biển là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, được xác định là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo, tăng cường hợp tác quốc tế về biển.

Trong đó, VIMC là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên 3 lĩnh vực: vận tải biển, cảng biển, logistics với mạng lưới rộng khắp cả nước, đồng thời định hướng, xây dựng mạng lưới khu vực và toàn cầu; quản lý trực tiếp và gián tiếp 14 cảng biển có vị trí địa lý quan trọng, liên quan đến quốc phòng - an ninh quốc gia, cụ thể: 2 cảng biển đặc biệt, 12 cảng biển loại I.

Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá, hiện tại hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty mẹ - VIMC ổn định và tăng trưởng, lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 230 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, lợi nhuận trước thuế đạt 525,5 tỷ đồng, tăng 119% so với kế hoạch năm 2022.

“Việc duy trì tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại Công ty mẹ - VIMC là để phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị; tối ưu hóa các nguồn lực về vốn, đất đai, thương hiệu, truyền thống, lịch sử... tại doanh nghiệp”, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá.

Mặt khác, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tiếp tục duy trì tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước tại Công ty mẹ - VIMC như hiện nay là 99,47% trong giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo phù hợp với quy định tại Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025.

Liên quan đến lĩnh vực khai thác cảng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, VIMC đang quản lý, khai thác hệ thống cảng đa dạng về vị trí địa lý, hệ thống hạ tầng, phương tiện, thiết bị... đáp ứng môi trường kinh doanh đầy biến động, thỏa mãn nhu cầu nhiều phân khúc thị trường, nhiều loại hàng hóa.

Vai trò trọng yếu của hệ thống cảng biển trong chiến lược sản xuất, kinh doanh của VIMC đã được xác định, cụ thể: nắm giữ vai trò trụ cột, là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của chuỗi dịch vụ logistics trong hệ sinh thái của VIMC.

Bên cạnh đó, khối cảng biển là trụ cột quan trọng, mang lại hiệu quả cao trong các lĩnh vực hoạt động của VIMC, năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 2.588 tỷ đồng, chiếm 71% lợi nhuận hợp nhất toàn Tổng công ty.

Điều đáng lưu ý là lợi nhuận trong khối này tập trung tại một số cảng then chốt, cụ thể: cảng Sài Gòn, cảng Quy Nhơn, cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng. Đây là các cảng biển có vị trí địa lý quan trọng, yếu tố trọng yếu bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia.

Với những lý do nói trên, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp muốn VIMC duy trì tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ của Công ty mẹ - VIMC tại các doanh nghiệp thành viên trong khối cảng biển tối thiểu là 65% vốn điều lệ, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, chủ động trong thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và một số nhiệm vụ liên quan đến quốc phòng - an ninh quốc gia (khi cần thiết).

“Vì vậy, Đề án cần rà soát, hiệu chỉnh tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ của Công ty mẹ - VIMC tại một số đơn vị khai thác cảng, thay vì kéo giảm như đề xuất của Tổng công ty”, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp lưu ý.

Tin bài liên quan