Đắn đo khả năng hấp thụ gói trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho giao thông

0:00 / 0:00
0:00
Đang xuất hiện những quan điểm khác nhau liên quan khả năng hấp thụ gói trái phiếu chính phủ trị giá khoảng 100.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2025 - 2026, dự kiến phát hành cho các dự án hạ tầng giao thông.
Đắn đo khả năng hấp thụ gói trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho giao thông

Lo dồn vốn đầu tư công

Sự đắn đo là điều có thể nhận thấy trong Công văn số 12634/BTC-QLN được Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ và một số lãnh đạo Chính phủ vào giữa tuần trước liên quan việc phát hành trái phiếu chính phủ đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2025 khoảng 450.000 tỷ đồng, cao hơn 1,6 lần so với năm 2024 (277.800 tỷ đồng).

Như vậy, để giải ngân hết số vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải nỗ lực rất lớn, trong khi thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2025 chỉ được thực hiện đến hết ngày 31/1/2026 (không xem xét đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sang năm 2026).

Ngoài ra, trong số 28 dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bố trí từ nguồn trái phiếu chính phủ phát hành bổ sung, có 19 dự án nếu đầu tư mở rộng thì cần điều chỉnh thủ tục đầu tư và phải báo cáo Quốc hội.

“Sau khi hoàn thiện thủ tục đầu tư mới tiến hành quá trình giao kế hoạch, đấu thầu… nên các dự án gần như không có khả năng giải ngân được trong năm 2025”, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, hiện nay, nhu cầu vốn ngân sách trung ương cho đầu tư trong giai đoạn 2026-2030 là rất lớn, trong đó dự kiến đầu tư một số dự án với quy mô lớn theo chủ trương của cấp có thẩm quyền, như tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng…

Theo tính toán sơ bộ của Bộ Tài chính, tính riêng nhu cầu vốn ngân sách trung ương cho các nhiệm vụ, dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2021-2025 và các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên bố trí vốn, trong giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 1,985 triệu tỷ đồng, gấp 1,32 lần so với trung hạn 2021-2025. “Với khả năng cân đối từ nguồn thu ngân sách trung ương trong nước, sẽ cần phải huy động bổ sung từ nguồn vốn vay trong nước và ngoài nước, trong đó có nguồn trái phiếu chính phủ để bổ sung cân đối cho đầu tư phát triển trong giai đoạn này”, lãnh đạo Bộ Tài chính phân tích.

Lên lộ trình giải ngân

Trước đó, Thường trực Chính phủ đã giao các bộ: Tài chính, Giao thông - Vận tải (GTVT) phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương nghiên cứu đề xuất việc phát hành thêm 100.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia.

Trong Công văn số 11056 /BGTVT-KHĐT gửi Bộ Tài chính vào giữa tháng 10/2024, Bộ GTVT đề xuất danh mục công trình trọng điểm quốc gia dự kiến sử dụng vốn phát hành trái phiếu chính phủ.

Trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí để đáp ứng mục đích phát hành nguồn vốn trái phiếu chính phủ, Bộ GTVT kiến nghị danh mục dự án đầu tư theo 2 nhóm.

Nhóm 1 là các dự án, hạng mục đáp ứng yêu cầu giải ngân hết trong năm 2025, bao gồm bổ sung khoảng 27.000 tỷ đồng cho cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II (25.000 tỷ đồng dự kiến chuyển từ trung hạn 2026 - 2030 và 2.000 tỷ đồng để kéo dài hầm chui dân sinh theo quy mô quy hoạch).

Nhóm 2 là các dự án cấp thiết đầu tư, giải ngân năm 2025 - 2026, gồm hoàn thiện 2 hầm, 4 nút giao khác mức trên cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I, hoàn thiện hầm Cù Mông; đầu tư, hoàn thiện 9 tuyến cao tốc, chiều dài 373 km; bổ sung phần vốn còn thiếu, đầu tư hoàn thiện nút giao, các hạng mục điều hành giao thông thông minh, trạm cân của tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I và giai đoạn II.

Ước tính, nhu cầu vốn bổ sung đối với nhóm này khoảng 59.100 tỷ đồng, trong đó, đến hết năm 2025 giải ngân được 13.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, với danh mục bố trí bổ sung vốn nêu trên, dự kiến đến hết năm 2025, các chủ dự án có thể giải ngân khoảng 40.000 tỷ đồng; năm 2026 giải ngân khoảng 46.100 tỷ đồng. Tổng cộng giai đoạn 2025 - 2026 giải ngân khoảng 86.100 tỷ đồng.

Theo đại diện Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ (VARSI), lo lắng của Bộ Tài chính là điều có thể chia sẻ, song từ thực tế triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được thực hiện với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa”…, tiến độ thi công các tuyến cao tốc chỉ 18 - 20 tháng.

“Nếu công tác chuẩn bị đầu tư được triển khai nhanh gọn, giải quyết tốt bài toán mặt bằng, vật liệu, thì mục tiêu giải ngân 100.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2025 - 2026 không phải là thách thức không thể vượt qua”, đại diện VARSI phân tích.

Tin bài liên quan