Thị trường Long An đang được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm

Thị trường Long An đang được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm

Dân đầu tư TP.HCM đổ sang Long An: Cơ hội nhiều, rủi ro không ít

(ĐTCK) Liên tục thời gian gần đây, nhiều ông lớn trong ngành bất động sản như Vingroup, Nam Long, Becamex, Vạn Thịnh Phát hay Him Lam… công bố đầu tư vào Long An. Điều này cho thấy thị trường bất động sản nơi đây đang có sức hút lớn. Tuy nhiên, sự hấp dẫn cũng xen lẫn với nhiều rủi ro khi có không ít doanh nghiệp đầu tư theo kiểu ăn xổi.

Đại gia địa ốc đổ bộ đón đầu

Với lợi thế liền kề TP.HCM và được xem như “dấu gạch nối” giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ, thời gian vừa qua, tỉnh Long An đã tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng để thu hút doanh nghiệp phát triển kinh tế. Nỗ lực này đang giúp tỉnh thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp lớn của cả trong và ngoài nước.

Gần đây, Tập đoàn Vingroup đã đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án khu phức hợp đô thị, kết hợp vui chơi giải trí quy mô khoảng 900 ha thuộc huyện Đức Hòa. Các hạng mục sẽ gồm khu nhà ở, trường học, bệnh viện… Trước đó, đầu năm 2018, Vingroup đã đưa vào hoạt động dự án Vincom với trung tâm thương mại Vincom 5 tầng và khu shophouse tại TP. Tân An.

Năm 2018, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cũng đã khởi công xây dựng dự án Khu đô thị Waterpoint với quy mô 355 ha nằm trên tỉnh lộ 830, huyện Bến Lức. Dự án này bao gồm các khu nhà ở, cao ốc văn phòng, khu vui chơi giải trí, bến du thuyền và hiện đang rục rịch chuẩn bị đưa sản phẩm ra thị trường.

Một số tập đoàn lớn khác như Him Lam, Vạn Thịnh Phát, Becamex… cũng đang quan tâm đến cơ hội đầu tư vào tỉnh Long An để “đón gió” hạ tầng. Theo đó, Vạn Thịnh Phát đã được chính quyền Long An chấp thuận chủ trương đầu tư đến 36 dự án ở tại khu vực huyện Cần Giuộc. Tổng diện tích của các dự án này lên đến hơn 2.100 ha. Tập đoàn Him Lam cũng muốn đầu tư khu kinh tế mở nằm trên địa bàn hai huyện Cần Đước và Cần Giuộc. Trong đó, các hạng mục đầu tư bao gồm khu công nghệ cao, cảng biển quốc tế và khu đô thị sinh thái diện tích lên đến 15.000 ha.

Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đoạn qua Bến Lức, Long An

Đáng chú ý, Tập đoàn Becamex đang xúc tiến thành lập một khu kinh tế theo mô hình phức hợp đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo mô hình đang thành công ở Bình Dương. Dự án này có quy mô khoảng 3.045 ha tọa lạc tại huyện Bến Lức, dự kiến sẽ được chính quyền trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 10 tới đây. Trong khi đó, Tập đoàn Eco Land dự kiến đầu tư dự án 6.000 ha tại xã Thạnh Lợi và 1.000 ha tại xã Lương Hòa (đều thuộc huyện Bến Lức).

Một số tập đoàn nước ngoài cũng đang rục rịch đổ về Long An tìm kiếm cơ hội đầu tư. Điển hình như Công ty TNHH Hoàng Cầu Việt Nam (Đài Loan - Trung Hoa) đã lập dự án đầu tư với diện tích 831 ha ở huyện Cần Giuộc. Trong đó, dự án đô thị - thương mại và tái định cư trên khoảng 700 ha được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Đầu tháng 7/2019, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của đoàn công tác tỉnh Long An tại TP. Leipzig (CHLB Đức), lãnh đạo hai địa phương đã ký kết bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác toàn diện. Trong đó, các lĩnh vực hợp tác được chính quyền cũng như các doanh nghiệp Leipzig quan tâm đầu tư tại Long An bao gồm công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, tự động hóa, năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững, giáo dục và giao thương hàng hóa... Tính chung, đến đầu năm 2019, Long An đang có 941 dự án FDI với tổng số vốn gần 6 tỷ USD, trong đó có 576 dự án đi vào hoạt động, với tổng vốn thực hiện khoảng 3,6 tỷ USD.

Con số này dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi chính quyền Long An đang từng bước tháo gỡ khó khăn, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, cạnh tranh. Điều này sẽ khiến cho lĩnh vực bất động sản được hưởng lợi khi nhu cầu nhà ở cho lực lượng chuyên gia, công nhân cũng như các tiện ích mua sắm, dịch vụ tăng cao.

Xu hướng phân hóa

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, theo Đề án quy hoạch vùng TP.HCM thì ba huyện Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa của Long An sẽ là đô thị vệ tinh của TP.HCM. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông và tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ sẽ là động lực để thị trường bất động sản Long An tăng trưởng.

Thực tế, Long An được thừa hưởng giá trị của các dự án hạ tầng lớn kết nối với lõi đô thị TP.HCM. Có thể kể đến như dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Tạo thành đường 6 làn xe thông với Khu công nghiệp Long Hậu, tuyến Metro số 4 nối quận 12, Tân Bình, Phú Nhuận, quận 1, quận 4, quận 7 và khu đô thị - cảng Hiệp Phước. Thêm vào đó, tuyến đường Lê Văn Lương sẽ được mở rộng 30 m trong thời gian sắp tới để nối quận 7 và Cần Giuộc, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 22, tỉnh lộ 830, tỉnh lộ 824, tỉnh lộ 9... đi qua các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc.

Đặc biệt, ngoài tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã kết nối xuyên suốt với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thông qua Đại lộ Võ Văn Kiệt và Đại lộ Nguyễn Văn Linh, trong năm 2020 tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua các huyện Bến Lức, Cần Giuộc của Long An; huyện Bình Chánh, Cần Giờ của TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, Long Thành của Đồng Nai thông xe sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ rút ngắn thời gian rất nhiều.

Đó là chưa kể đường Vành đai 4 đoạn Bến Lức - Hiệp Phước có tổng chiều dài khoảng 35,8 km cũng đang được triển khai. Tuyến đường này sẽ giảm tải cho nội thành TP.HCM và là tuyến đường huyết mạch trung chuyển hàng hóa đi cảng Hiệp Phước.

Trên thực tế, từ cuối năm 2017 đến nay, thị trường bất động sản Long An liên tục tăng giá, tạo thành những cơn “sốt” tại các khu vực giáp ranh TP.HCM như Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc... Tuy nhiên, bất động sản bùng nổ cũng kéo theo những hệ lụy. Đã có những cảnh báo về tình trạng làm ăn chụp giật, lách luật hay dự án “ma” của một số doanh nghiệp khiến cho thị trường nhiễu loạn. Chính vì thế, Sở Xây dựng đang tham mưu UBND tỉnh Long An giảm tiếp nhận các dự án đầu tư bất động sản nhỏ lẻ, manh mún, không đáp ứng các điều kiện về hạ tầng xã hội.

Mới đây, Sở Xây dựng Long An cho biết trên địa bàn có 118 dự án đã được phê duyệt quy hoạch nhưng mới chỉ có hai dự án đủ điều kiện mở bán dự án nhà ở hình thành trong tương lai và 9 dự án được cấp phép xây dựng hạ tầng. Hơn 100 dự án còn lại chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định.

Theo ông Bùi Hiền, Tổng giám đốc Công ty SouthernHomes Việt Nam, Long An có lợi thế khi mặt bằng giá bất động sản nhìn chung vẫn còn thấp hơn so với Bình Dương hay Đồng Nai nhưng giao thông lại đang phát triển mạnh mẽ mang đến cơ hội cho các nhà đầu tư. Với sự xuất hiện ồ ạt của các “ông lớn” và sự chấn chỉnh của chính quyền địa phương, sắp tới thị trường bất động sản Long An nhiều khả năng sẽ có sự phân hóa rõ rệt. Những dự án manh mún, phân lô bán nền sẽ khó tồn tại trong khi các dự án quy mô khu đô thị với hệ thống tiện ích khép kín sẽ trở thành ưu tiên chọn lựa của nhà đầu tư.                         

“Thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền, liên quan đến rất nhiều vấn đề như tính pháp lý, tiến độ thi công, kết cấu hạ tầng, năng lực chủ đầu tư, tính thanh khoản... Vì vậy, khách hàng nên chờ đợi khi dự án đầy đủ tính pháp lý, hạ tầng rồi hãy chọn lựa để tránh thiệt hại về kinh tế. Nếu muốn đầu tư đón đầu thì cũng nên đặt niềm tin vào các doanh nghiệp lớn, đã triển khai nhiều dự án trên thị trường để giảm thiểu rủi ro", ông Hiền chia sẻ.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan