Dặm trường trái chủ Vạn Trường Phát - Bài 4: Bí ẩn 10.000 tỷ đồng trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
Nhà phát hành lô trái phiếu “mất dạng”. Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc ký tá với ngân hàng lại nói chỉ bán… mỹ phẩm? 10.000 tỷ đồng trái phiếu để trả tiền cọc mua lại hơn 177 ha đất của Tân Thành Long An đi đâu?

Bài 4: Bí ẩn 10.000 tỷ đồng trái phiếu

Thương vụ trái phiếu xảy ra khi Công ty cổ phần Star Zone đã đổi là Vạn Trường Phát, trong khi doanh nghiệp bị ngăn chặn giao dịch tài sản do liên quan tới Vạn Thịnh Phát lại là tên cũ, thì có “sót” đại án trong đại án?

Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc là ai, ai ký?

Hồi tháng 10/2022, trái chủ Đ.T.Tùng (39 tuổi ngụ quận 3, TP.HCM) mò tìm tới tận nhà bà Nguyễn Kiều Lệ, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát (Vạn Trường Phát) để hỏi và nhận được câu trả lời “hết hồn”: “Trời ơi, bán mỹ phẩm mà. Trời ơi…!”.

Ngày 18/4/2023, chúng tôi tìm tới nơi mà trên toàn bộ giấy tờ công bố của Vạn Trường Phát là nhà và nơi thường trú, nơi liên lạc với Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc, để xác minh từ thân nhân.

Tại đây, người xưng là mẹ chồng bà Lệ khẳng định, đúng có con dâu là Nguyễn Kiều Lệ ở đây, nhưng lâu nay chỉ ở nhà chăm con và buôn bán mỹ phẩm. Một người khác trong gia đình bà Lệ ở căn nhà trên cũng khẳng định tương tự.

Như vậy, lời bà Lệ và lời người thân trùng khớp nhau, dù 2 thời điểm khác nhau và 2 đối tượng hỏi khác nhau.

Vậy bà Lệ nào là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc của Vạn Trường Phát ký các giấy tờ liên quan phát hành lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng (gồm ký Thỏa thuận đặt cọc 10.000 tỷ đồng số 2805/2021 với ông Nguyễn Phạm Bảo Trung, Tổng giám đốc Tân Thành Long An; ký Hợp đồng Quản lý tài sản đảm bảo số 0002, ngày 28/5/2021 với ông Nguyễn Ánh Thép, Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Chi nhánh Sài Gòn, ký Hợp đồng Thế chấp quyền sử dụng đất một phần Dự án Khu đô thị Việt Phát số 0002/2021 ngày 10/6/2021 cùng với ông Thép và ông Trung, ký bản Công bố phát hành trái phiếu Vạn Trường Phát)?

Lần thứ hai chúng tôi lại tới và “trầm trọng hóa” vấn đề rằng, sự việc trái phiếu 10.000 tỷ đồng là án hình sự, rồi đề nghị người thân nói rõ với bà Lệ, nếu không dính dáng, bị giả mạo, thì gọi điện hoặc gặp thanh minh, trình báo công an. Tuy nhiên, sau nhiều ngày chờ, vẫn không thấy bà Lệ hồi âm và khi chúng tôi tìm tới, người thân lấy nhiều lý do nói bà không có nhà.

Ở tình huống này, lại dẫn tới nghi vấn khác - có thể bà Lệ có liên quan, nên né tránh.

Nhưng dù ở tình huống nào, hẳn cơ quan chức năng, với nghiệp vụ và quyền hạn của mình, không khó để làm rõ, bởi ở vụ việc này, đã có nhiều dấu hiệu sai phạm như phát hành xong lô trái phiếu trị giá 10.000 tỷ đồng, Vạn Trường Phát đã “bặt vô âm tín”; trụ sở công ty này cũng đã “biến mất” ngay sau đó (cuối năm 2022), dù vẫn tồn tại hoạt động trên… giấy tờ cơ quan chức năng.

Quảng cáo lãi suất trái phiếu linh hoạt của SCB được nhiều trái chủ giữ lại làm bằng chứng
Quảng cáo lãi suất trái phiếu linh hoạt của SCB được nhiều trái chủ giữ lại làm bằng chứng

10.000 tỷ đồng đang ở đâu?

Vạn Trường Phát phát hành 5 đợt trái phiếu nhằm thanh toán tiền cọc mua lại hơn 177 ha đất thuộc Dự án Khu công nghiệp Việt Phát của Tân Thành Long An.

Theo thỏa thuận đã ký ngày 28/5/2021, Vạn Trường Phát phải chuyển số tiền này cho Tân Thành Long An theo 5 đợt, mỗi đợt 2.000 tỷ đồng vào các ngày 28/5/2021, 25/6/2021, 25/7/2021, 25/9/2021 và 25/10/2021. Số tiền và mỗi đợt trả đó tương đương với số tiền trái phiếu mỗi đợt phát hành và ngày trả tiền thường sau ngày phát hành.

Tới đầu năm 2022, Vạn Trường Phát công bố phát hành thành công đợt trái phiếu cuối cùng (bắt đầu phát hành vào ngày 17/11/2021). Như vậy, 5 đợt phát hành trái phiếu Vạn Trường Phát với tổng cộng 10.000 tỷ đồng đã hoàn tất.

Tại hàng loạt phiếu ủy nhiệm chi của Ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) thể hiện, các trái chủ đã chuyển tiền mua trái phiếu Vạn Trường Phát vào tài khoản đại lý phát hành là Công ty TVSI tại SCB.

Vậy 10.000 tỷ đồng đó đã về tới Tân Thành Long An và sử dụng có đúng mục đích? Nguồn tin riêng của chúng tôi cho biết, năm 2022, trước khi xảy ra vụ bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị bắt, trong quá trình thương thảo mua lại Dự án Khu công nghiệp Việt Phát, Tân Thành Long An yêu cầu nhà đầu tư mới phải “ôm” luôn nghĩa vụ liên quan 2 khu đất đang thế chấp tại SCB làm tài sản đảm bảo 2 lô trái phiếu tổng trị giá 15.000 tỷ (10.000 tỷ đồng của Vạn Trường Phát và 5.000 tỷ đồng của Tân Thành Long An). Vậy chẳng lẽ Tân Thành Long An chưa nhận được tiền?

Như vậy, 10.000 tỷ đồng trái phiếu mà trái chủ đã nộp giờ ở đâu, có được sử dụng đúng mục đích hay không cũng là vấn đề cần làm rõ. Bởi theo luật sư Lê Ngô Trung (Công ty Luật TNHH Trung Lê và Cộng sự), việc sử dụng sai tiền trái phiếu này là phạm luật nghiêm trọng. Việc truy nguồn tiền này, cùng với tài sản đảm bảo đang thế chấp tại SCB, cũng sẽ tối ưu giải pháp bảo vệ quyền lợi cho trái chủ.

Một trong nhiều phiếu ủy nhiệm chi của trái chủ ủy nhiệm cho SCB chi tiền gửi tiết kiệm của mình cho TVSI để mua trái phiếu
Một trong nhiều phiếu ủy nhiệm chi của trái chủ ủy nhiệm cho SCB chi tiền gửi tiết kiệm của mình cho TVSI để mua trái phiếu

Có “sót” đại án trong đại án Vạn Thịnh Phát?

Tháng 11/2022, trước việc Vạn Trường Phát “bặt tích”, SCB thông báo với TVSI rằng, phải chờ ý kiến Bộ Công an về xử lý tài sản đảm bảo.

Với tư cách là Tổ chức quản lý tài khoản và Tổ chức quản lý tài sản, SCB đã gửi công văn tới Bộ Công an xin hướng dẫn nội dung: SCB có được giải tỏa tài khoản và thực hiện các giao dịch liên quan đến thanh toán trái phiếu hay không? Nếu trường hợp Vạn Trường Phát chuyển phần tiền khác từ bên ngoài vào tài khoản của Vạn Trường Phát tại SCB và thực hiện dùng nguồn tiền này để thực hiện chi trả các nghĩa vụ trái phiếu đến hạn thì xử lý như thế nào? Trường hợp phải xử lý tài sản đảm bảo thì sẽ được SCB xử lý theo phương án nêu tại các điều kiện trái phiếu và các tài liệu phát hành hay bằng các biện pháp tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng?

Nhưng vào tháng 10/2022, trong danh sách hơn 700 doanh nghiệp bị cơ quan công an yêu cầu ngăn chặn giao dịch tài sản do liên quan tới Vạn Thịnh Phát chỉ có tên Công ty cổ phần Star Zone. Trong khi trước đó, từ ngày 28/5/2021, công ty này đã đổi tên thành Vạn Trường Phát và thương vụ mua bán lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng xảy ra ở thời điểm doanh nghiệp mang tên Vạn Trường Phát.

Từ đó, các trái chủ nhận định rằng, không loại trừ khả năng còn sót đại án Vạn Trường Phát trong đại án Vạn Thịnh Phát, nên kêu cứu trong hoang mang. Nếu vậy, việc cập nhật để điều tra làm rõ là cần thiết để đảm bảo quyền lợi trái chủ.

TVSI và SCB có dễ vô can?

Các trái chủ hoang mang còn bởi, những quy định liên quan mà SCB và TVSI có thể vận dụng dễ giúp 2 đơn vị vô can và “trăm dâu đổ đầu trái chủ”.

Tuy nhiên, trái phiếu Vạn Trường Phát là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chỉ được bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp thông qua đại lý phát hành là TVSI. TVSI có trách nhiệm xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trước khi thực hiện chuyển quyền sở hữu trái phiếu.

Nhiều trái chủ khẳng định, họ chỉ là giáo viên, công chức về hưu, thậm chí cả người buôn bán nhỏ lẻ… mở tài khoản tại SCB để gửi tiết kiệm rồi được nhân viên SCB tư vấn sản phẩm trái phiếu linh hoạt, lãi cao, sau 31 ngày có thể rút tiền bất kỳ lúc nào tại bất kỳ chi nhánh SCB nào, 6 tháng trả lãi một lần…, nên mua.

“Chúng tôi không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp, hoàn toàn không biết TVSI hay Vạn Trường Phát, bởi mọi thủ tục giao dịch từ đầu đến cuối đều thực hiện tại SCB và không hề có đại diện của TVSI hay đại diện Vạn Trường Phát ở đó”, các trái chủ tiếp xúc với chúng tôi khẳng định.

Qua tìm hiểu, vẫn có nhiều hồ sơ có bằng chứng là trái chủ chuyên nghiệp, thể hiện qua giấy tờ ký giữa TVSI với trái chủ như hợp đồng mở tài khoản lưu ký, giấy xác nhận dư nợ chứng khoán trên tài khoản chứng khoán với mã chứng khoán niêm yết giá trị 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều trái chủ trong số này khẳng định, sau khi họ làm ủy nhiệm chi, tiền đi rồi thì mấy ngày sau nhân viên SCB mới đưa đến bộ hồ sơ, bao gồm cả giấy tờ trên đã được lật mở sẵn trang cần ký và chỉ định tận nơi cho họ ký, mà không giải thích gì thêm. Vì quá tin tưởng nhân viên SCB, nên bỗng nhiên thành… nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Thế nên, không phải tự nhiên có trái chủ uất ức thuê luật sư kiện SCB, TVSI, đề nghị hủy hợp đồng đã ký.

Vấn đề trên, hẳn cơ quan chức năng không khó để làm rõ và đây cũng là cơ sở để quy đúng trách nhiệm phía gây nên thiệt hại cho trái chủ.

Trường hợp trái phiếu doanh nghiệp được chào bán là riêng lẻ, không được chuyển đổi, không kèm chứng quyền, thì đối tượng mua phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Vậy bằng cách nào trái phiếu vẫn đến được nhà đầu tư không chuyên nghiệp? Ở đây, cần xác định trách nhiệm của các đơn vị liên quan, bởi lẽ, thông thường, nhà đầu tư bỏ tiền vào dựa trên sự tin tưởng vào các tổ chức này vì cho rằng, các tổ chức này có đủ chuyên môn và chức năng để kiểm soát các vấn đề đảm bảo yêu cầu của pháp luật.

Luật sư Lê Ngô Trung, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Lê và cộng sự, Đoàn Luật sư TP.HCM)

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan