Kể từ thất bại trong đàm phán thương mại hồi tháng 5, hai bên đều đã thất hứa và công khai những lời lẽ ăn miếng trả miếng. Ảnh: AFP

Kể từ thất bại trong đàm phán thương mại hồi tháng 5, hai bên đều đã thất hứa và công khai những lời lẽ ăn miếng trả miếng. Ảnh: AFP

Đàm phán thương mại khó lòng hàn gắn chia rẽ Mỹ - Trung

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ ngồi lại đàm phán thương mại cuối tuần này, nhưng kể cả đạt thỏa thuận thì nó cũng chỉ ở mức hời hợt.

Thương chiến hằn sâu

Vốn không đơn thuần là mâu thuẫn thương mại và trả đũa thuế quan, thương chiến Mỹ - Trung đã "lấn sân" sang mặt trận chính trị và tư tưởng, điều mà các chuyên gia thương mại, lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức hai bên đều thừa nhận.

Tranh chấp hai bên dự báo tiếp tục kéo dài, bởi Trung Quốc khó lòng thay đổi căn bản cách điều hành nền kinh tế theo yêu cầu của Mỹ, trong khi Mỹ sẽ không “hai lời” với cáo buộc các công ty Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Xung đột giữa hai nước có thể mất cả chục năm để giải quyết, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cảnh báo hồi đầu tháng 9. Còn Yu Yongding, cựu cố vấn chính sách có ảnh hưởng lớn đối với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho rằng Trung Quốc không vội để đạt thỏa thuận với Mỹ.

Hai bên có thể đưa ra một thỏa thuận tạm thời vào tháng 10 để làm dịu thị trường chứng khoán và tung hô “chiến thắng chính trị” sau cuộc đàm phán thương mại tuần này.

Dù là thỏa thuận ra sao thì cũng rất khó để Trung Quốc thực hiện cải cách kinh tế “một cách ý nghĩa” như mong mỏi của Mỹ và các nước khác, bà Kellie Meiman Hock, cựu quan chức Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ nhận định.

Các nhà đàm phán hai bên đã không đạt được bước tiến rõ rệt đối với các vấn đề tranh chấp kể từ cuộc đàm phán thất bại hồi tháng 5 năm nay.

Nguồn thạo tin tại Trung Quốc và Mỹ cho hay, Bắc Kinh không sẵn lòng thay đổi cách “bệ đỡ” doanh nghiệp nhà nước và trợ cấp đối với sản phẩm của các doanh nghiệp này trong các cuộc đàm phán sắp tới. Trong khi đó, Mỹ vẫn "ôm" quan điểm rằng hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ, đồng thời dọa áp thuế mới đối với Trung Quốc.

Ông He Weiwen, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương (Chongyang) thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định, kết quả cao nhất của cuộc đàm phán sắp tới là giảm tất cả mức thuế. Tuy nhiên, ông He không mấy lạc quan về triển vọng cuộc đàm phán này.

Kể từ thất bại trong đàm phán thương mại hồi tháng 5, hai bên đều đã thất hứa và tung ra những lời lẽ ăn miếng trả miếng. Tâm lý thương chiến hiện có phần lạc quan hơn nhờ diễn biến tích cực gần đây, nhưng mọi chuyện có thể đảo ngược trong tích tắc bởi một dòng tweet đơn giản của Tổng thống Trump, các nhà phân tích nhận định.

Sự đoàn kết hiếm thấy

Bất luận nhiều chính sách không được ủng hộ, nhưng Tổng thống Trump, với lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, lại khiến Washington có thay đổi cách nghĩ về Bắc Kinh. Quốc hội Mỹ vốn chia rẽ cay đắng theo đảng phái đối với hầu hết các vấn đề, nhưng lại “đoàn kết” hiếm thấy khi cho rằng cần có cải cách mang tính hệ thống ở Trung Quốc.

Các ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ - những người đang “so găng” với ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng - sẽ khó có thể cứu vãn quan hệ với Trung Quốc, ngay cả khi ứng viên của đảng này làm ông chủ Nhà Trắng vào năm 2020. Trong cuộc tranh luận tuần trước, các ứng cử viên tổng thống Mỹ đã dùng các từ như tham nhũng và đánh cắp khi nói về hoạt động thương mại của Trung Quốc.

“Đã có sự thay đổi rất cơ bản (trong cách nhìn nhận về Trung Quốc),” ông Warren Maruyama, cựu cố vấn Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đồng thời là cộng sự tại hãng luật Hogan Lovells. Hiện có sự ủng hộ, thống nhất giữa hai đảng về quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc, ông Maruyama nói thêm.

Sức ép chính trị

Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với loạt sức ép do nền kinh tế Mỹ chững lại và bóng ma suy thoái kinh tế, mà một phần căn nguyên là các đòn thuế quan đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, các khu vực bầu cử chủ chốt ở Mỹ đến nay vẫn ủng hộ ông Trump. Lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh sẽ sai lầm nếu cho rằng chiến tranh thương mại làm suy yếu sự ủng hộ chính trị đối với ông Trump.

"Dù thế nào thì thương chiến Mỹ - Trung đều có sự ủng hộ nhất quán trong cộng đồng doanh nghiệp (Mỹ)", một giám đốc điều hành cấp cao của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc cho biết.

“Vấn đề đã trở nên sâu sắc và mang tính hệ thống”, Craig Allen, một cựu quan chức cấp cao Bộ Thương mại Mỹ nói. Ông Allen hiện là chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc.

Các ngành công nghệ cao của hai nước đang đứng trước nguy cơ “tách rời” vĩnh viễn, do lo ngại hành động gián điệp, tấn công mạng và đánh cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc.

Nhiều ý kiến cho rằng chính sách thương mại bốc đồng và những đòn thuế quan của ông Trump có thể được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viện dẫn là nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế nước này chững lại, thay vì đổ lỗi do chính sách trong nước.

Phát biểu trước các quan chức trong tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, cần phải có một “cuộc đấu tranh kiên quyết” đương đầu mọi rủi ro và thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ quyền và an ninh của đất nước và bất cứ điều gì đe dọa đến lợi ích cốt lõi của quốc gia.

Theo kết quả nghiên cứu của công ty tư vấn thị trường Rhodium Group (Mỹ), dòng vốn đầu tư giữa Trung Quốc và Mỹ đã xuống thấp kỷ lục trong nửa đầu của 5 năm qua.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài và các khoản đầu tư mạo hiểm giữa hai nước lao dốc còn 13 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019, giảm 49% so với cùng kỳ năm trước.

Tin bài liên quan