Đạm Ninh Bình vẫn có thể lỗ thêm gần nghìn tỷ đồng 2017

Đạm Ninh Bình vẫn có thể lỗ thêm gần nghìn tỷ đồng 2017

Nếu dừng chạy máy toàn bộ, Nhà máy đạm Ninh Bình sẽ lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng trong năm 2017 do vẫn phải trả các chi phí liên quan. Tuy nhiên nếu sản xuất 290.000 tấn ure, số lỗ có thể giảm đi 250 tỷ đồng.      

Phương án sản xuất của năm 2017 cũng đã được Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình trình lên và Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã phê duyệt. Việc vẫn tiếp tục sản xuất đạm ure thay vì dừng máy hoàn toàn có yếu tố là sản phẩm hoá chất, nếu không chạy máy, thiết bị sẽ bị ăn mòn, hậu quả thậm chí khó lường.

Như vậy việc vẫn có kế hoạch lỗ xấp xỉ cả nghìn tỷ đồng trong năm 2017 cũng cho thấy, cơn bĩ cực của Nhà máy Đạm Ninh Bình chưa biết bao giờ mới chấm dứt.

Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Vinachem đầu tư, có tổng vốn lên đến 667 triệu USD (tương đương 12.000 tỷ đồng), quy mô công suất 560.000 tấn ure/năm, đặt tại Khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình).

Được khởi công xây dựng từ năm 2008, năm 2012 Nhà máy đi vào hoạt động và đối diện với điệp khúc lỗ và lỗ.

Trước đó, tính toán của báo cáo khả thi Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình cho thấy, số lỗ được lên kế hoạch là 47 triệu USD trong 3 năm hoạt động đầu tiên, tương đương 1.055 tỷ đồng.

Hồi tháng 9/2016, một báo cáo của Công ty đã cho hay, tổng cộng lỗ từ khi đi vào hoạt động tới nay đã là 2.692 tỷ đồng (năm 2013 lỗ 906 tỷ đồng, năm 2014 lỗ 738 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 592 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2016 lỗ 456,9 tỷ đồng).

Tới thời điểm 1/9/2016, số tiền nợ của Công ty là 10.384 tỷ đồng, nợ quá hạn là 610 tỷ đồng. Điều này khiến các tổ chức tín dụng đã dừng giải ngân vốn vay cho Công ty.

Theo tính toán của Công ty, chi phí khấu hao, chi phí lãi vay đầu tư cao, giá than cám 4a cao hơn 2,29 lần; than cám 5 cao hơn 2,19 lần so với giá than thời điểm phê duyệt dự án… là những yếu tố đẩy giá thành sản xuất u rê tăng cao. Bên cạnh đó, vốn tự có của Vinachem cho dự án này chỉ có 100 triệu USD nên mỗi năm Đạm Ninh Bình phải trả lãi vay khoảng 800 tỷ đồng và khoảng 680 tỷ đồng khấu hao.

Với thực tế chi phí sản xuất quá cao, trong khi giá urê trên thị trường liên tục giảm bởi tác động của giá dầu nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy Đạm Ninh Bình càng khó khăn.

Để tiếp tục hoạt động, Công ty đã kiến nghị Chính phủ, cho phép kéo dài thời hạn trả nợ vay cho các hợp đồng của VDB thành 20 năm, điều chỉnh lãi suất cho vay thành 3% trong thời gian 2017-202, còn từ năm 2022 trở đi mức lãi suất nào cao hơn 8,55% sẽ được điều chỉnh về mức lãi suất được Bộ Tài chính công bố hàng năm; nợ lãi chưa trả đến 31/12/2016 được trả dần trong 5 năm 2017-2021; giãn mức trích khấu hao tài sản trong giai đoạn 2017-2021 với mức 50% như đã áp dụng trong năm 2016….

Tại thời điểm ngừng máy vào cuối tháng 7/2016, giá bán ure Trung quốc chỉ là 5.300 đồng/kg, ure Trung Đông và Indonesia chỉ là 5.400 đồng/kg. Trong nước, ure Phú Mỹ bán 5.900 đồng/kg, ure Cà Mau bán 5.600 đồng/kg. Bởi vậy, giá bán ure Ninh Bình chỉ đặt được 5.700 đồng/kg.

Để cứu doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn, các ngân hàng đã hỗ trợ vốn ngắn hạn cho Công ty với số tiền từ năm 2012-2016 là 2.211 tỷ đồng.

Trong đó có gần 400 tỷ đồng chuyển từ cho vay hỗ trợ sang thành cấp vốn điều lệ.

Tới thời điểm 1/9/2016, số tiền nợ của Công ty là 10.384 tỷ đồng, nợ quá hạn là 610 tỷ đồng. Điều này khiến các tổ chức tín dụng đã dừng giải ngân vốn vay cho Công ty.

Tin bài liên quan