Dự án cải tạo mở rộng nhà máy không ngờ lại khiến Đạm Hà Bắc chìm trong biển nợ

Dự án cải tạo mở rộng nhà máy không ngờ lại khiến Đạm Hà Bắc chìm trong biển nợ

Đạm Hà Bắc: Chào sàn UPCoM, loay hoay tái cơ cấu

(ĐTCK) Từ vị thế cánh chim đầu đàn của ngành phân bón, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) bất ngờ lao dốc không phanh, liên tiếp thua lỗ từ năm 2015 đến nay. 

Chính thức chào sàn UPCoM vào ngày hôm nay (26/7) với 272,2 triệu cổ phiếu, Đạm Hà Bắc đang trở mình tái cơ cấu, huy động vốn, nuôi hy vọng vượt qua được gánh nặng nợ nghìn tỷ.

Chuỗi ngày sa sút

Được thành lập từ năm 1960, Đạm Hà Bắc cổ phần hóa năm 2015 với vốn Nhà nước nắm giữ hơn 97,6%. Sau 13 năm liên tục (2002 - 2014) sản xuất có lãi, tích luỹ được hơn 4.000 tỷ đồng, từ năm 2015, trùng với thời điểm Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy được tiến hành, Công ty đã chịu lỗ.

Cụ thể, Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy có tổng mức đầu tư khoảng 568,6 triệu USD (10.122 tỷ đồng), vốn vay của các ngân hàng trong nước là hơn 8.000 tỷ đồng, vốn tự có khoảng 1.800 tỷ đồng.

Trong dự toán khi thực hiện dự án cải tạo, Đạm Hà Bắc được phép lỗ trong 2 năm đầu 2015, 2016 lần lượt là 586 tỷ đồng và 127 tỷ đồng, nhưng thực tế, Công ty đã lỗ vượt dự toán. Năm 2015 thua lỗ 660 tỷ đồng, năm 2016 lỗ hơn 1.051 tỷ đồng.

Hiện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là cổ đông lớn duy nhất nắm giữ hơn 97,66% vốn, tương ứng 265,8 triệu cổ phần tại DHB. Tính đến ngày 19/4/2017, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Công ty là 0%.    

Việc thực hiện dự án cải tạo mở rộng nhà máy với hy vọng nâng công suất phát triển Đạm Hà Bắc không ngờ lại khiến Công ty chìm trong biển nợ, mở đầu cho những chuỗi ngày sa sút.

Ông Phạm Văn Trung, Phó tổng giám đốc Đạm Hà Bắc cho biết, nguyên nhân lỗ gần đây chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất tăng, trong khi giá phân bón trên thị trường giảm nhanh.

Theo đó, nguyên liệu chính cho sản xuất là than đã tăng giá tới gần 100%, khiến chi phí đầu vào của Công ty tăng lên hàng trăm tỷ đồng so với năm 2009. Chưa kể, giá bán sản phẩm đầu ra của Công ty cũng chịu áp lực lớn khi Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau sản xuất phân ure từ khí có giá tốt hơn nhờ giá khí giảm mạnh, buộc Công ty cũng phải giảm giá bán sản phẩm để cạnh tranh, gây ra thua lỗ càng lớn.

Loay hoay tái cấu trúc

Đạm Hà Bắc hiện đang có vốn điều lệ 2.722 tỷ đồng. Sản phẩm ure chiếm hơn 80% tổng doanh thu của Đạm Hà Bắc, còn lại là doanh thu các sản phẩm khác.

Lên sàn UPCoM với mã DHB, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 6.800 đồng/cổ phiếu. Như vậy, thị trường định giá Đạm Hà Bắc chỉ đạt 1.850 tỷ đồng, dưới mức vốn điều lệ. Một chuyên gia phân tích chứng khoán nhận định, đây là mức giá hoàn toàn dễ hiểu trong bối cảnh Đạm Hà Bắc liên tục thua lỗ và triển vọng tương lai không nhiều điểm sáng.

Thực tế, nhìn vào bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp này, nhà đầu tư không khỏi hoài nghi. Tính đến hết năm 2016, Đạm Hà Bắc ghi nhận khoản lỗ lũy kế 1.720 tỷ đồng. Bước sang năm 2017, Đạm Hà Bắc vẫn tiếp tục thua lỗ 218 tỷ đồng trong quý I, nâng tổng mức lỗ lũy kế lên 1.939 tỷ đồng.

Đưa ra kế hoạch kinh doanh cả năm 2017, công ty này dự kiến doanh thu thuần đạt trên 2.699 tỷ đồng, tăng 25,16% so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 847 tỷ đồng. Có thể nói, năm nay sẽ tiếp tục là một bức tranh màu xám cho Đạm Hà Bắc.

Trước đó, lần bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Đạm Hà Bắc ngày 13/11/2015 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã không thu hút được nhà đầu tư như kỳ vọng. Có 95 triệu cổ phiếu Đạm Hà Bắc được đưa ra bán đấu giá nhưng chỉ đấu giá thành công 3,4 triệu cổ phiếu, với giá trung bình trên 10.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại, để giành được niềm tin của nhà đầu tư, huy động vốn hiệu quả, Đạm Hà Bắc cần có những bước tái cơ cấu mạnh mẽ hơn, cắt giảm chi phí tối đa, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều doanh nghiệp nhà nước khác, Đạm Hà Bắc đang lúng túng trong việc vạch ra chiến lược rõ ràng khi thực hiện tái cấu trúc.

"Bắt bệnh" của Đạm Hà Bắc và các doanh nghiệp nằm trong 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Khi lập phương án đầu tư, sản xuất - kinh doanh thì thông số đầu vào khả quan, chi phí sản xuất thấp và giá trị đầu ra cao nhưng khi vận hành thì thông số đầu vào cao còn giá trị đầu ra lại thấp".

Về vấn đề này, lãnh đạo Đạm Hà Bắc cho biết, một trong những giải pháp để Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn là cắt giảm chi phí .

“Công ty sẽ tối ưu hoá chi phí sản xuất, phương châm là cắt giảm chi phí hết mức có thể, nhằm giảm đầu vào sản xuất. Quản trị của Công ty vẫn tốt, không có tình trạng thất thoát thua lỗ”, ông Trung nhấn mạnh và coi đây là con đường để Đạm Hà Bắc đi lên.           

Tin bài liên quan