Đạm hạt đục chất lượng cao
Chương trình Thương hiệu quốc gia gắn với các tiêu chí “Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong” được thực hiện với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu của sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ).
Bởi vậy, việc bình chọn theo Bộ Công thương được tiến hành kỹ lưỡng, qua nhiều khâu thẩm định khắt khe. Sau khi tiến hành sàng lọc các hồ sơ đăng ký, ban thư ký đã kiểm tra doanh nghiệp chéo hoạt động doanh nghiệp thông qua các cơ quan chức năng như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Đo lường Chất lượng, Tổng cục Môi trường...
Với Đạm Cà Mau, những phẩm chất đáp ứng tiêu chí của giải thưởng ngay từ khi dự án được đầu tư xây dựng đã trở thành yêu cầu tự thân. Nhà máy Đạm Cà Mau với công suất 800.000 tấn urê/năm, sau 43 tháng thi công đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Đặc biệt đã tiết kiệm được 200 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt nhờ việc liên tục đổi mới, sáng tạo, giám sát chặt chẽ các hạng mục… Nhà máy được đầu tư công nghệ hiện đại, thuộc loại tiên tiến nhất khu vực Đông Nam Á. Hầu hết các thiết bị chính, quan trọng đều có xuất xứ từ EU/G7.
Đạm Cà Mau là nhà máy đầu tiên của ngành công nghiệp phân bón Việt Nam sản xuất đạm hạt đục chất lượng cao. Đạm hạt đục Cà Mau có nhiều ưu điểm như chậm phân giải, giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng hiệu quả, làm cho cây xanh bền và tiết kiệm phân bón, cỡ hạt đồng đều, không mạt nên dễ rải và dễ phối trộn…
Tiên phong với dòng sản phẩm mới – đạm hạt đục, luôn đặt chất lượng sản phẩm ở vị trí số 1 chưa đủ, Đạm Cà Mau còn liên tục đổi mới, sáng tạo trong cách làm để đưa sản phẩm đến tay khách hàng một cách thuận tiện và đạt hiệu quả cao nhất.
Ngay từ đầu, khi còn trong giai đoạn đầu tư, Công ty đã chủ động tiếp cận khách hàng, tổ chức các hội thảo giới thiệu về nhà máy, đội ngũ nhân sự… Khi có sản phẩm, Đạm Cà Mau trực tiếp tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức sử dụng phân bón khoa học, hiệu quả cho nông dân. Kỹ sư, cán bộ kỹ thuật của Đạm Cà Mau cùng ra đồng, lăn lộn cùng bà con nông dân giúp họ cách thức sử dụng sản phẩm hiệu quả, đồng thời cũng từ đó ghi nhận được thực tế để hỗ trợ công tác sản xuất tại nhà máy.
Sau hơn 3 năm vận hành, đến nay, sản phẩm của Đạm Cà Mau đã chiếm gần 60% thị phần khu vực ĐBSCL, có mặt ở nhiều địa phương khác trên cả nước và xuất khẩu sang nhiều thị trường khu vực như Hàn Quốc, Campuchia, Philippine… Đạm Cà Mau - “Hạt Ngọc Mùa Vàng” đã trở thành những người bạn đồng hành, được khách hàng tin tưởng quý mến và gắn bó lâu dài.
Triển vọng cổ phiếu ngành
Không chỉ được đánh giá cao ở hoạt động sản xuất kinh doanh, sáng tạo trong cách thức xây dựng thương hiệu, Đạm Cà Mau còn tạo ra sức hút với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngày 11/12 vừa qua, đợt IPO của Đạm Cà Mau thu hút tới 1.303 nhà đầu tư đăng ký mua gần 141,5 triệu cổ phần, bằng 110% lượng chào bán. Gần 129 triệu cổ phần đã được chào bán thành công, thu về cho nhà nước 1.580 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Thành công của đợt IPO Đạm Cà Mau có thể xem là một điểm sáng của đợt IPO các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2014.
Sau IPO, theo chia sẻ của lãnh đạo Đạm Cà Mau, doanh nghiệp sẽ tiến hành các thủ tục một cách nhanh nhất để có thể tổ chức ĐHCĐ lần đầu trong tháng 1 và niêm yết cổ phiếu vào cuối quý I/2015.
Những động thái của Đạm Cà Mau cho thấy, doanh nghiệp thực sự mong muốn huy động được nhiều nguồn lực đại chúng tham gia vào quá trình phát triển. Dựa trên việc không ngừng đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là được vinh danh thương hiệu quốc gia từ rất sớm, Đạm Cà Mau được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghiệp phân bón. Theo đó, cổ phiếu Đạm Cà Mau sẽ là món ăn đáp ứng nhiều “khẩu vị” của các nhà đầu tư, cả ngắn, trung và dài hạn.