Mục tiêu của Tòa đàm là nhằm tạo ra một diễn đàn đối thoại cởi mở giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIEs) và các cơ quan quản lý trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và dược phẩm.
Tọa đàm đã thu hút sự tham gia của đại diện của các cơ quan bộ, ngành và Quốc hội, các tổ chức quốc tế, sứ quán, các hiệp hội thương mại nước ngoài, và đặc biệt là các doanh nghiệp dược phẩm có vốn đầu tư nước ngoài vốn đang rất quan tâm đến lĩnh vực này.
Đại diện cho Ban soạn thảo, ông Nguyễn Tất Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế khẳng định, Nghị định 54 xây dựng trên cơ sở quán triệt triệt để chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là ban hành kịp thời các văn bản pháp luật, đơn giản hóa, minh bạch tối đa các thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Dự thảo Thông tư hướng dẫn này là để hướng dẫn cụ thể điểm d khoản 1 Điều 44, Luật Dược, trong đó giao Bộ Y tế hướng dẫn việc bán thuốc của các cơ sở có quyền nhập khẩu nhưng không được quyền phân phối thuốc.
Dự thảo cũng hướng dẫn cụ thể viêc thực hiện các quy định tại khoản 10,11,12 Điều 91, Nghị định 54 liên quan đến phạm vi hoạt động và trách nhiệm của cơ sở có quyền nhập khẩu nhưng không được quyền phân phối thuốc tại Việt Nam. Bảo đảm và/hoặc hạn chế tối đa những vướng mắc trong quá trình thực thi những nội dung mà Luật Dược và Nghị định 54 đã quy định.
Theo ý kiến của các doanh nghiệp và các chuyên gia pháp lý, Ban soạn thảo nên cân nhắc một số những quy định mới trong lĩnh vực dược phẩm như Nghị định 54/2017/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Dược và Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 54 theo hướng phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và các luật có liên quan, đồng thời không nên can thiệp sâu vào hoạt động tự chủ của doanh nghiệp.
Ông Chung Yee Seck, luật sư Công ty Luật Baker & McKenzie và đại diện cho tiểu ban pháp lý của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ, Nghị định 54 và Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 54 bày tỏ băn khoăn về việc quy định không cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cung cấp dịch vụ bảo quản và vận chuyển thuốc, là những dịch vụ không bị cấm hay hạn chế bởi Luật Dược, hoặc có thể ngừng các hoạt động này khi Thông tư có hiệu lực.
Ông Chung Yee Seck cũng đề xuất các nhà soạn thảo nên xem xét cân nhắc không áp dụng hồi tố trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định trong Luật Ban hành các văn bản pháp luật.
Luật sư Lê Nết, Công ty Luật Lê Nết đặt vấn đề liệu với quy định hạn chế này, Dự thảo Thông tư có hạn chế các quyền kinh doanh của doanh nghiệp được quy định trong các văn bản pháp luật khác.
Ông Nết khuyến nghị Ban soạn thảo nên xem xét một cách kỹ càng để đảm bảo việc thực thi các quy định không làm tăng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc phân phối thuốc, như quy định việc xuất hàng và giao hàng cho các cơ sở bán buôn thuốc phải được thực hiện tại chính kho bản quản thuốc của đơn vị nhập khẩu.
“Liệu có cần phải đưa ra quy định bắt buộc các cơ sở y tế, cơ sở bán buôn phải đầu tư thêm kho bảo quản và tự vận chuyển thuốc từ kho của cơ sở nhập khẩu về kho của mình, gây thêm những chi phí không cần thiết cho hoạt động phân phối thuốc và gián tiếp làm tăng giá thuốc, trong khi các kho bãi đã được đầu tư xây dựng không được tận dụng? Trên thực tế việc phải vận chuyển lòng vòng cũng làm tăng chi phí, tăng ô nhiễm môi trường và áp lực lên hệ thống giao thông của Việt Nam”, ông Nết phân tích.
Chia sẻ về những cam kết WTO của Việt Nam về dịch vụ phân phối và một số dịch vụ phụ trợ, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập kinh tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo Điều 7, Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp có quyền tự quyết, tự chủ trong hoạt động kinh doanh của mình.
"Như vậy, doanh nghiệp có quyền tự mình thực hiện các hoạt động hoặc ủy thác, thỏa thuận với các chủ thể khác thực hiện các hoạt động của mình, pháp luật không thể can thiệp vào quyền này của doanh nghiệp”, bà Trang khẳng định.
Do đó, đại diện VCCI đề nghị Ban soạn thảo xem lại Điều 3 Dự thảo để đảm bảo không ảnh hưởng tới quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, đại diện Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định Ban soạn thảo sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp một cách cụ thể để đảm bảo xây dựng văn bản hướng dẫn phù hợp với các quy định của luật pháp Việt Nam cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động tại Việt Nam.
Đại diện cho tiếng nói các nhà đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng, cùng với tiến trình hội nhập, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã có những chuyển biến tiến bộ phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế đất nước và các cam kết, thông lệ quốc tế.
Cuộc tọa đàm này kỳ vọng sẽ thu thập được những ý kiến trao đổi cởi mở, thẳng thắn về các chính sách mới đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dược phẩm, đặc biệt là ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kinh doanh xuất nhập khẩu dược tại Việt Nam, nhằm có những kiến nghị chính thức gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước xem xét để các chính sách mới khi được ban hành sẽ thực sự đi vào cuộc sống phù hợp với mục tiêu và quyết tâm đổi mới của chính phủ.
Việc ban hành các chính sách nhằm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh cởi mở, công bằng và minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh hiệu quả có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc củng cố niềm tin của doanh nghiệp, thu hút đầu tư ngoài nước và xây dựng hình ảnh Việt Nam là một nền kinh tế thị trường lành mạnh, hấp dẫn và hội nhập với kinh tế quốc tế.