Trong mọi trường hợp, quyền lợi khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT luôn được đảm bảo đầy đủ.

Trong mọi trường hợp, quyền lợi khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT luôn được đảm bảo đầy đủ.

Đảm bảo quyền lợi của người tham gia và tính bền vững của quỹ BHYT

(ĐTCK) Theo Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh, một số chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) mới có hiệu lực từ ngày 1/12/2018 đảm bảo quyền lợi của người tham gia được thực hiện tốt hơn. 

Bổ sung đối tượng, điều chỉnh mức đóng và hưởng BHYT

Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, một số chính sách mới về BHYT sẽ được áp dụng từ ngày 1/12/2018.

Có 7 đối tượng tham gia BHYT ở 3 nhóm được bổ sung. Cụ thể, nhóm do ngân sách nhà nước đóng là dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975; nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở.

Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình là chức sắc, chức việc, nhà tu hành; người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội (không tham gia tại các nhóm khác). Nhóm do người sử dụng lao động đóng là thân nhân công nhân, viên chức quốc phòng, công an và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu đang phục vụ trong quân đội, công an và cơ yếu.

Về mức đóng, hộ gia đình chỉ được giảm trừ mức đóng BHYT khi các thành viên trong hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính. Đối tượng đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng thì không áp dụng giảm trừ mức đóng.

Về mức hưởng và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, ông Nguyễn Tất Thao, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, mức hưởng khi đi khám chữa bệnh đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và xuất trình đầy đủ thủ tục khám chữa bệnh BHYT sẽ được quy định với mức 100%, 95%, 80% theo mức hưởng của đối tượng.

Trường hợp được thanh toán 100 % khám chữa bệnh tại trạm y tế xã, chi phí 1 lần khám thấp hơn 15% mức lương cơ sở; tham gia 5 năm liên tục, chi phí cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.

Việc cấp phát thuốc tại trạm y tế xã đối với trường hợp người bệnh được cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị và chuyển về để quản lý, theo dõi tại tuyến xã. Người bệnh được cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị và chuyển về để quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Về điều chỉnh mức hưởng BHYT theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người tham gia kháng chiến nhưng không phải là người có công với cách mạng và cựu chiến binh: giảm từ 100% xuống 80% theo quy định của Luật BHYT. Trường hợp người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, Nghị định quy định tăng từ 80% lên 100% để đảm bảo công bằng với các đối tượng bảo trợ xã hội trên 80 tuổi khác. 

Đảm bảo tính bền vững của quỹ BHYT

Liên quan đến các quyền lợi khác của người tham gia BHYT, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh khẳng định, trong mọi trường hợp, quyền lợi khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT luôn được đảm bảo đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, cho dù quỹ BHYT có bội chi hay kết dư.

Hiện quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT kết dư gần 39.000 tỷ đồng sau nhiều năm thực hiện theo quy định của Luật BHYT: dành tối thiểu 5% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng.

Theo ông Đào Việt Ánh, trong thiết kế chính sách BHYT ở nhiều nước cũng như tại Việt Nam, quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT là cần thiết, để bảo đảm tính bền vững của chính sách BHYT, đảm bảo khả năng chi trả của quỹ này trước những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh.

Sau khi chính sách thông tuyến huyện chính thức được áp dụng và do tác động của việc gia tăng giá viện phí, trong mấy năm gần đây, tình trạng bội chi quỹ BHYT diễn ra ở hầu hết tỉnh, thành phố. Do đó, quỹ BHYT đã phải sử dụng quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT để bù đắp phần nào.

Nếu chi phí khám chữa bệnh BHYT không được kiểm soát tốt, quỹ dự phòng không còn đủ để bù đắp thì sẽ phải thực hiện việc điều chỉnh tăng mức đóng BHYT. Điều này tác động đến thu nhập của người dân, chi phí của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư. Đây là những tác động không nhỏ, nên Bảo hiểm xã hội luôn tập trung đảm bảo kiểm soát chi quỹ BHYT, duy trì quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT.

Được biết, hiện nay, trung bình mệnh giá thẻ BHYT của Việt Nam là gần 1 triệu đồng/thẻ, nhưng mức chi khám chữa BHYT bình quân một người là hơn 1,1 triệu đồng. Riêng về danh mục thuốc BHYT, Việt Nam đang nằm trong nhóm các nước có danh mục thuốc cao của thế giới, với khoảng 1.000 loại thuốc. Trong khi đó, danh mục thuốc trung bình của các nước trên thế giới chỉ khoảng 700 loại, với mệnh giá BHYT cao.

Tin bài liên quan