Đảm bảo quyền lợi cho bên mua bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới, IAV sẽ cùng với các doanh nghiệp bảo hiểm thay đổi để đáp ứng và thích nghi với những sửa đổi của Luật.

Để tiếp tục đảm bảo quyền lợi cho bên mua bảo hiểm, dự thảo Luật bổ sung những quy định mới nào?

Ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV)

Ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV)

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã kế thừa quy định hiện hành về việc trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng dẫn đến có cách hiểu khác nhau thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm, đồng thời bổ sung một số trường hợp khác trên cơ sở tham khảo quy định tại Bộ luật Dân sự.

Cụ thể, Điều 21 dự thảo quy định, khi hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó phải căn cứ ngôn từ tại hợp đồng bảo hiểm, ý chí của doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện hợp đồng. Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng. Trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng dẫn đến có cách hiểu khác nhau thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm.

Ngoài ra, dự thảo sửa đổi quy định bên mua bảo hiểm có thể chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm tại Khoản 1, Điều 26, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành theo hướng xác định rõ ràng trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm gốc, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm không được từ chối hoặc trì hoãn thực hiện trách nhiệm của mình đối với bên mua bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, kể cả trường hợp doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tái bảo hiểm những trách nhiệm đã nhận.

Được biết, dự thảo Luật bổ sung quy định về trung tâm dữ liệu thông tin bảo hiểm. Ý nghĩa của trung tâm này là gì, thưa ông?

Hiện công tác tính phí bảo hiểm, quản lý rủi ro, phòng chống trục lợi... của các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam hầu hết đều căn cứ vào số liệu thống kê riêng lẻ của từng doanh nghiệp.

Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu kinh doanh về bảo hiểm là rất quan trọng và cần thiết, dữ liệu của thị trường được cập nhật kịp thời, toàn diện, chính xác, mức độ tin cậy cao, lưu giữ được số liệu lịch sử, đảm bảo bảo mật và an toàn thông tin. Hệ thống được kết nối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Cơ sở dữ liệu đảm bảo phục vụ hiệu quả các công tác dự báo, quản lý giám sát thị trường, xây dựng cơ chế chính sách, phòng chống trục lợi, gian lận bảo hiểm, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, xây dựng và định phí bảo hiểm, quản trị rủi ro...

Các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của Bộ Tài chính.

Theo ông, việc ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quản trị doanh nghiệp và phương thức cung cấp dịch vụ, sản phẩm hứa hẹn những chuyển biến tích cực nào?

Việc ứng dụng công nghệ thông tin này hứa hẹn kết quả kinh doanh vượt bậc, kích thích người dân tham gia bảo hiểm nhiều hơn do có nhiều sản phẩm đa dạng và được phân phối với nhiều hình thức khác nhau, có ứng dụng công nghệ. Đồng thời, việc ứng dụng này sẽ giúp tăng sự hiểu biết của người dân về bảo hiểm.

Cạnh tranh trong thời đại mới không chỉ nằm ở năng suất hay chất lượng dịch vụ, mà là cuộc đua tạo ra trải nghiệm toàn diện cho khách hàng.

Người tham gia bảo hiểm có thể được hưởng lợi từ các sản phẩm bảo hiểm được định giá minh bạch, mức phí cạnh tranh do ứng dụng công nghệ; có thêm nhiều cơ hội chủ động lựa chọn sản phẩm bảo hiểm hoặc gói quyền lợi bảo hiểm phù hợp nhu cầu; dễ dàng mua bảo hiểm mọi lúc, mọi nơi và được bảo vệ quyền lợi tương tự như tham gia theo cách truyền thống.

Hội thảo Tiên phong chuyển đổi số trong ngành bảo hiểm do IAV phối hợp cùng FPT Software, Amazon Web Services đồng tổ chức mới đây đã mang đến một diễn đàn để các bên lắng nghe nhu cầu của nhau, cũng như đưa ra phương án cụ thể về chuyển đổi số, tăng cường cạnh tranh cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Các chuyên gia cũng nhận định, dịch Covid-19 đã tạo ra cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn đến 5 năm, đây là cơ hội cần nắm bắt, cần nhiều bên phối hợp để đưa đến thành tựu đột phá cho cả ngành. Cạnh tranh trong thời đại mới không chỉ nằm ở năng suất hay chất lượng dịch vụ, mà là cuộc đua tạo ra trải nghiệm toàn diện cho khách hàng.

Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bảo hiểm phát triển mạnh hơn. IAV có kế hoạch gì để thích ứng với thời kỳ mới của ngành?

Mục tiêu chung của việc xây dựng chính sách tại Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường bảo hiểm; tạo nền tảng để Việt Nam có thể trở thành thị trường bảo hiểm phát triển của khu vực châu Á thông qua việc đổi mới mô hình quản lý, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh bảo hiểm, nâng cao chất lượng và thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện tại có sự phát triển vượt bậc so với giai đoạn đầu, cần hoàn thiện quy định để nâng cao chất lượng thị trường, duy trì đà phát triển cao và bền vững. Một trong số các mục tiêu đặt ra là hoàn thiện mô hình tổ chức của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm song song với việc nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm.

Với vai trò là tổ chức đại diện của các doanh nghiệp bảo hiểm, cầu nối giữa doanh nghiệp bảo hiểm với cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức có liên quan, IAV sẽ tiếp tục cùng các doanh nghiệp thay đổi để đáp ứng và thích nghi với những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật.

Hiệp hội sẽ tiếp tục có những hành động thiết thực nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia quan hệ kinh doanh bảo hiểm và duy trì sự công bằng, an toàn và phát triển ổn định của thị trường; giảm thiểu các hành vi gian lận dẫn đến bất bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm...

Ý nghĩa lớn nhất của bảo hiểm là ở việc bảo vệ, chi trả quyền lợi bảo hiểm khi không may khách hàng gặp rủi ro. Bởi vậy, Hiệp hội sẽ cùng các doanh nghiệp bảo hiểm thúc đẩy việc chi trả quyền lợi bảo hiểm thuận lợi, bởi đó là điều kiện cần để khách hàng tiếp tục tin dùng bảo hiểm.

Công tác đảm bảo chi trả quyền lợi được các công ty bảo hiểm thực hiện ra sao trong thời gian qua?

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2021, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 50.685 tỷ đồng, tăng 3,93% so với năm 2020.

Nỗ lực đảm bảo quyền lợi chi trả bảo hiểm luôn được Hiệp hội và các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung thúc đẩy. Chúng tôi đã cùng nhau họp bàn đề xuất lên cơ quan quản lý sao cho đơn giản hóa được hồ sơ bồi thường bảo hiểm, nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống gian lận bảo hiểm. Cơ quan quản lý cũng đã luôn quan tâm chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm tìm giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Đơn cử, Nghị định 03/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/3/2021 đã giảm thiểu thủ tục, hồ sơ bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, chỉ yêu cầu các tài liệu liên quan của cơ quan công an trong vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách, các trường hợp khác thì không bắt buộc.

Tin bài liên quan