Tốc độ phát triển lưới điện chậm hơn tốc độ phát triển nguồn điện, dẫn đến phải cắt giảm công suất phát ở một số thời điểm

Tốc độ phát triển lưới điện chậm hơn tốc độ phát triển nguồn điện, dẫn đến phải cắt giảm công suất phát ở một số thời điểm

Đảm bảo nguồn cung điện ổn định vẫn là thách thức

0:00 / 0:00
0:00
Tăng trưởng tiêu thụ điện toàn quốc đang có xu hướng giảm dần, nhưng yêu cầu đảm bảo nguồn cung điện ổn định vẫn đứng trước thách thức lớn, nhất là khi vắng bóng các nhà máy lớn được xây dựng mới.

Nguy cơ thiếu công suất nguồn dự phòng

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tăng trưởng điện thương phẩm so với năm 2019 chỉ là 3,4%. Con số này được xem là bất thường, nên đã không được sử dụng để xem xét, đánh giá nhu cầu điện, làm cơ sở cho việc chuẩn bị nguồn cung trong Đề án Quy hoạch Điện VIII.

Mặc dù vậy, nhìn vào dữ liệu thống kê giai đoạn 2011 - 2020 cũng thấy rõ, tăng trưởng tiêu thụ điện thương phẩm đi theo xu hướng giảm. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 10,7%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,7%. Sau khi Covid-19 cơ bản được khống chế, tăng trưởng điện thương phẩm năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022 cũng vẫn ở mức thấp, khoảng 4 - 6%.

Bên cạnh đó, cơ cấu tiêu thụ điện cũng có sự chuyển dịch: tỷ trọng tiêu thụ điện của miền Bắc có xu hướng tăng dần (từ 39,2% năm 2011, tăng lên 44,1% năm 2020), còn miền Nam có xu hướng giảm dần (từ 51,1% năm 2011, giảm xuống còn 47% năm 2020). Hai khu vực này hiện chiếm 90% tỷ trọng tiêu thụ điện toàn quốc.

Tới cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt các loại hình nguồn điện của hệ thống điện quốc gia đạt 69.342 MW, trong đó miền Bắc là 25.121 MW (36,2%), miền Trung là 12.323 MW (17,8%) và miền Nam là 31.898 MW (46%).

Như vậy, mục tiêu đáp ứng nhu cầu sử dụng điện bằng nguồn cung tại chỗ, nhằm giảm truyền tải xa vẫn chưa đạt được. Miền Bắc, khu vực có nhu cầu tiêu thụ điện lớn và đang tăng trưởng mạnh, đứng trước nguy cơ thiếu nguồn cung kể cả tại chỗ lẫn truyền tải từ xa.

Trong Tờ trình số 6328/TTr-BCT ngày 13/10/2022 của Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 nêu rõ điều này.

So với các dự án được lên kế hoạch đầu tư tại Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, miền Bắc chậm tiến độ hơn 3.000 MW nguồn nhiệt điện; miền Nam chậm tiến độ hơn 3.600 MW nguồn nhiệt điện.

Tăng trưởng nguồn điện tại miền Bắc cũng thấp hơn so với tăng trưởng công suất cực đại (4,7% so với 9,3%), tăng trưởng nguồn điện tại miền Trung và miền Nam cao hơn nhiều so với tăng trưởng công suất cực đại. Thậm chí, miền Nam vượt gần 14.000 MW nguồn điện mặt trời.

Đáng nói là, dù tổng công suất đặt nguồn điện ở miền Nam vẫn đạt quy hoạch, nhưng nguồn điện mặt trời có hệ số công suất chỉ bằng 1/3 so với nguồn nhiệt điện và là nguồn điện biến đổi, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nên việc đảm bảo cấp điện còn nhiều khó khăn.

Hệ quả của việc chậm tiến độ các nguồn nhiệt điện cũng gây nguy cơ thiếu điện, khó khăn trong vận hành do thiếu công suất nguồn dự phòng, đặc biệt tại miền Bắc trong giai đoạn đến năm 2025.

Cơ cấu nguồn điện phân bố không đều, khi miền Bắc chủ yếu là nhiệt điện than, thủy điện; miền Trung chủ yếu là thủy điện; miền Nam chủ yếu là nhiệt điện khí. Thực trạng này khiến việc vận hành hệ thống chưa kinh tế, do phụ thuộc nhiều vào mùa, phải truyền tải điện đi xa.

Đáng nói là, phần lớn các dự án truyền tải đều chậm tiến độ từ 1 tới 2 năm, một số công trình chậm tiến độ 4 - 5 năm mà nguyên nhân chính là do đền bù, giải phóng mặt bằng kéo dài, cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tế phát triển.

Bên cạnh đó, tốc độ phát triển lưới điện chậm hơn so với tốc độ phát triển nguồn điện, đặc biệt còn thiếu đồng bộ với các nguồn năng lượng tái tạo đã gây ra hiện tượng nghẽn mạch cục bộ, phải cắt giảm công suất phát ở một số thời điểm, lãng phí nguồn lực xã hội.

Hóa giải thách thức: Chưa có cơ chế cụ thể

Theo Bộ Công thương, các nguồn điện lớn chậm tiến độ kéo dài gây thiếu nguồn điện chạy nền cho hệ thống điện, có nguy cơ thiếu hụt cung cấp điện trong trung và dài hạn.

Thực trạng hệ thống điện Việt Nam tuy “quy mô”, nhưng tiềm ẩn nguy cơ không “bền và chắc” cũng đòi hỏi phải có các cơ chế, giải pháp, thậm chí là giải pháp cấp bách để nhanh chóng có được các nguồn điện mới nhằm chạy nền.

Dù Bộ Công thương mạnh dạn thừa nhận “giá điện chưa đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư vào ngành cũng như thúc đẩy, tạo động lực cho các hoạt động sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả”, nhưng giải pháp cho vấn đề này không đơn giản.

Trên thực tế, mỗi lần có thông tin điều chỉnh giá điện theo hướng tăng là dư luận lại “dậy sóng”. Giá điện 3 năm nay “bất động” là điều không phù hợp với thực tế giá cả nhiên liệu đầu vào rất sôi động hiện nay

Trong khi đó, việc huy động các nguồn vốn (trong nước và nước ngoài) còn gặp nhiều khó khăn, các thủ tục vay vốn đều kéo dài, đặc biệt là các dự án vay vốn nước ngoài, kể cả vốn ODA.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng cho hay, nhiều chủ đầu tư nguồn điện trong nước và nước ngoài (được giao thực hiện đầu tư dự án nguồn điện theo hình thức BOT) không đủ năng lực kỹ thuật và năng lực tài chính, nên triển khai dự án kéo dài, bế tắc, khiến đất đai bị bỏ hoang lãng phí, gây dư luận không tốt.

Bộ đã đề nghị 5 dự án nhiệt điện than (Công Thanh, Quảng Trị, Sông Hậu II, Nam Định I, Vĩnh Tân III) phải rà soát lại tiến độ theo hướng: nếu không dừng dự án, thì chậm nhất là ngày 30/10/2022 phải cung cấp được cam kết cụ thể bằng văn bản của chủ thể cho vay vốn. Chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh và chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Quảng Trị đã thông báo không thể thực hiện tiếp nhiệt điện than.

Như vậy, nguồn cung sẽ tiếp tục gặp khó. Đó là chưa kể, Đề án Quy hoạch Điện VIII chưa đưa ra cơ chế chung để triển khai các dự án nguồn điện lớn và như thế, khả năng hiện thực hóa các dự án lớn như điện khí LNG hay điện gió ngoài khơi sẽ không dễ thành hiện thực như kế hoạch đề ra.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III là một ví dụ về khó khăn trong việc huy động nguồn vốn.

Dự án đã được Chính phủ phê duyệt danh mục vay vốn tín dụng ưu đãi (ODA) của Chính phủ Nhật Bản vào năm 2012. Theo đó, EVN là chủ đầu tư, đồng thời là chủ thể Hợp đồng vay lại vốn ODA, ký với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản (JICA).

Tháng 3/2013, Việt Nam và Nhật Bản ký Công hàm cam kết cấp khoản vay vốn đầu tiên cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III với giá trị 27,901 tỷ yên. Hiệp định vay vốn của JICA sẽ được các bên ký kết khi có kết quả đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán khí.

Dự án này vừa được cấp chủ trương đầu tư và đang chờ đàm phán Hợp đồng mua bán khí, nhưng chưa rõ sẽ “chốt” vào thời gian nào.

Tin bài liên quan