Làm an lòng nhà đầu tư
Thông tin được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chia sẻ tại phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội mới đây về Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, ngay lập tức nhận được sự quan tâm của cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài.
“Đây là một nỗ lực lớn của Việt Nam”, một nhà đầu tư đã nói với phóng viên Báo Đầu tư.
Ban đầu, việc thảo luận và thông qua Dự thảo Nghị quyết không có trong chương trình của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa XV. Nhưng sau đó, vì tính cấp bách của vấn đề, Quốc hội đã thống nhất bổ sung vào chương trình Kỳ họp nội dung này. Giờ đây, ngay cả nội dung về các chính sách ưu đãi bổ sung cũng sẽ được xem xét.
“Trong tuần vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và thống nhất sẽ báo cáo Quốc hội nội dung về ưu đãi đầu tư trong kỳ họp này và sẽ thể hiện vào nghị quyết chung của Kỳ họp”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã nói và cho biết, Quốc hội sẽ giao Chính phủ xây dựng một nghị định, quy định các lĩnh vực cần được ưu đãi, với chính sách ưu đãi phù hợp.
Đây là tin mừng không chỉ đối với các nhà đầu tư, mà cả với các nhà hoạch định chính sách. Thảo luận trên nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ quan điểm rằng, cần thiết phải ban hành chính sách ưu đãi bổ sung song song với các quy định về việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.
“Việc ban hành nghị quyết này dự kiến có tác động rất lớn làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam, đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược, trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay”, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nói.
Chính vì thế, theo ông Lộc, trong khi chưa ban hành được nghị quyết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư hoặc chưa điều chỉnh pháp luật theo hướng này, Quốc hội cần khẳng định trong nghị quyết chung của Kỳ họp thứ sáu về việc sẽ ban hành chính sách hỗ trợ theo các nội dung định hướng như trên để “có thể làm yên lòng các nhà đầu tư chiến lược”.
Đồng quan điểm, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cũng cho rằng, Chính phủ cần kịp thời trình các chính sách hỗ trợ đầu tư đồng bộ với hoàn thiện hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế; nghiên cứu giải pháp hỗ trợ về tài chính hoặc thực hiện phân bổ nguồn thu thuế bổ sung để hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế tối thiểu toàn cầu, qua đó thu hút các nhà đầu tư mới phù hợp với chiến lược phát triển của quốc gia.
“Việc tham gia thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu sẽ khiến Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư thông qua ưu đãi thuế. Do vậy, cùng với việc áp dụng thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, cần nghiên cứu để sớm ban hành các chính sách áp dụng thí điểm hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao”, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) nói.
Đảm bảo công bằng và hấp dẫn khi thực hiện ưu đãi bổ sung
Nếu Quốc hội quyết định đưa nội dung ưu đãi bổ sung vào nghị quyết chung của Kỳ họp, thì câu hỏi đặt ra là, các chính sách ưu đãi này cần được thiết kế như thế nào?
Chính sách hỗ trợ đầu tư cần bảo đảm nguyên tắc công bằng, hướng tới tất cả các doanh nghiệp đạt được các tiêu chí cụ thể mà chính sách hướng tới, không phân biệt đó có phải là các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải chịu thuế bổ sung hay không.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội)
“Về quan điểm, phải khẳng định, việc ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư mới không phải là một biện pháp kỹ thuật, không phải là biện pháp để chúng ta lách bù đắp thiệt hại cho các nhà đầu tư do họ phải nộp thuế bổ sung, vì điều này là vi phạm các nguyên tắc của OECD”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Ông Lộc cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ đầu tư cần bảo đảm nguyên tắc công bằng, hướng tới tất cả các doanh nghiệp đạt được các tiêu chí cụ thể mà chính sách hướng tới, không phân biệt đó có phải là các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải chịu thuế bổ sung hay không.
Các lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, theo ông Lộc, là công nghệ cao, thân thiện với môi trường; các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), năng lượng tái tạo…
Trên thực tế, đây cũng chính là một trong những quan điểm nhất quán được đưa ra khi Dự thảo Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được xây dựng. Đó là đảm bảo ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, hài hòa cho các đối tượng áp dụng, bao gồm doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và nhà đầu tư mới.
Tất nhiên, yếu tố hấp dẫn cũng sẽ luôn được đề cao trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng gay gắt và một số quốc gia cũng đã xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư mới, vượt trội, nhằm đảm bảo lợi thế cạnh tranh, duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
“Có thể xem xét có chính sách ưu đãi, nhất là vấn đề hỗ trợ tài chính trực tiếp”, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đề xuất và nhắc tới câu chuyện khi Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM, thì nội dung về ưu đãi tài chính trực tiếp đã không được thông qua.
“Chính phủ nên sớm kiến nghị Quốc hội cho phép để áp dụng cho tất cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, những nhà đầu tư chiến lược, qua đó giúp tạo được thế cạnh tranh”, ông Trần Hoàng Ngân nói.
Trong các thảo luận trước đây về chính sách ưu đãi bổ sung, các chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước cũng cho rằng, cần có những chính sách vượt trội, hấp dẫn.
“Để hạn chế tác động tiêu cực đến thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam nên ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi theo chi phí nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chịu tác động từ thuế tối thiểu toàn cầu”, ông Thomas McClelland, Phó tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn thuế (Deloitte Việt Nam) đề xuất.